Đó là chia sẻ của ông Lê Ngọc Châu – Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương tại Hội nghị gặp gỡ, trao đổi với các nhà đầu tư trong khu công nghiệp.
Theo ông Lê Ngọc Châu – Chủ tịch tỉnh: Hải Dương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh đến năm 2030 gồm 32 khu công nghiệp, với tổng diện tích 5.661ha.
Hiện tỉnh Hải Dương có 17 khu công nghiệp (KCN) đã thành lập với diện tích 2.738 ha, tỷ lệ lấp đầy trên 62%. Thời gian vừa qua, công tác xúc tiến, thu hút đầu tư vào các KCN đã đạt được một số kết quả nhất định, đã thu hút được một số dự án đầu tư lớn, có chất lượng, có hàm lượng công nghệ cao.
Tuy nhiên, so với tiềm năng, vị trí, lợi thế và dư địa của tỉnh Hải Dương thì kết quả còn khá khiêm tốn. Cụ thể, suất đầu tư trên 1 ha đất công nghiệp của tỉnh Hải Dương là 6,97 triệu USD, còn thấp so với bình quân chung và đứng thứ 7/11 trong vùng đồng bằng sông Hồng (hiện khoảng 8,09 triệu USD/ha).
Số tiền đóng góp hằng năm vào ngân sách nhà nước của các KCN còn thấp. Các KCN cơ bản chưa thu hút được các nhà đầu tư chiến lược và có ít nhà đầu tư có thương hiệu, uy tín lớn trên thế giới, ít nhà đầu tư công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ.
Tại hội nghị, các nhà đầu tư hạ tầng và các nhà đầu tư thứ cấp trong KCN đã gửi nhiều ý kiến, kiến nghị, đề xuất tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đầu tư tại Hải Dương.
Cụ thể: Đại diện nhà đầu tư KCN Đại An mở rộng và nhà đầu tư KCN An Phát 1 đề nghị rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho các doanh nghiệp.
Đồng thời đề nghị Tỉnh ủy xem xét, điều chỉnh quy chế làm việc số 10/QC-TU ngày 15/12/2022, nâng tổng vốn đầu tư đối với dự án có ý kiến chấp thuận tiếp nhận lên mức từ 1.000 tỷ đồng đến dưới 1.500 tỷ đồng đối với dự án DDI hoặc trên 50 triệu USD đối với dự án FDI và cho ý kiến về phương án quy hoạch chi tiết KCN.
Theo đại diện Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng KCN Đại An: Đề nghị UBND tỉnh Hải Dương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các nhà đầu tư thứ cấp khi chưa hoàn thiện toàn bộ các hạng mục hạ tầng kỹ thuật KCN.
Đại diện Công ty CP KCN kỹ thuật cao An Phát 1 (nhà đầu tư KCN An Phát 1) cũng đề nghị tháo gỡ vướng mắc trong lập, phê duyệt quy hoạch. Trong đó, xem xét điều chỉnh lại phân cấp cấp giấy phép xây dựng trong KCN. Hướng dẫn việc sử dụng đất cát san lấp bị thừa trong quá trình nhà đầu tư thứ cấp thi công công trình ngầm. Thủ tục tính lại giá đất khi điều chỉnh quy hoạch KCN An Phát 1.
Đại diện Công ty CP KCN Lương Điền – Ngọc Liên (nhà đầu tư KCN Lương Điền) đề nghị UBND tỉnh đẩy nhanh tiến độ thẩm định, phê duyệt dự án nút giao với quốc lộ 38; giải quyết đề nghị về chính sách hỗ trợ mua vật liệu san lấp.
Trong khi đó, Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng Nam Quang (nhà đầu tư KCN Gia Lộc) đề nghị, điều chỉnh quy hoạch với nội dung tăng mật độ xây dựng. Điều chỉnh tính chất, cơ cấu sử dụng đất lĩnh vực kho xưởng cho thuê và logistics. Công ty cũng đề xuất sớm có phương án giải quyết vướng mắc về giải phóng mặt bằng tại KCN Gia Lộc (đối với 3 ngôi mộ) và việc hoàn trả kênh tiêu tại thôn Hoàng Xá, xã Hồng Hưng.
Tương tự, Công ty CP Đầu tư Trung Quý – Bắc Ninh (nhà đầu tư KCN Phúc Điền mở rộng) đề nghị giải quyết vướng mắc giải phóng mặt bằng tại 2 hộ dân thuộc thôn Lý Dương, xã Vĩnh Hồng (Bình Giang), giáp đường tỉnh 395, diện tích thu hồi 1.645,9 m2.
Công ty CP Phát triển đô thị và KCN cao su Việt Nam (nhà đầu tư khu công nghiệp Cộng Hòa) đề nghị rút gọn thủ tục điều chỉnh quy hoạch KCN. Trong đó, xử lý bãi rác Đồng Vọng (khoảng 3 ha) và việc quy hoạch, xây dựng hệ thống thoát nước khu vực khu công nghiệp tránh ngập úng.
Công ty TNHH Quốc tế Nam Tài (nhà đầu tư KCN Phú Thái) giải quyết vướng mắc về ưu đãi thuế; vướng mắc về phòng cháy chữa cháy với phân khu phía tây KCN Phú Thái. Công ty TNHH Eno Interlining Việt Nam (trong KCN Phú Thái) đề nghị có chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.
Công ty TNHH Bơm Ebara VN (KCN Lai Cách) đề nghị giải quyết đền bù tại nhà máy cũ của công ty tại đường Nguyễn Trãi – Hải Dương và giải quyết việc công ty đang bị ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm không khí từ công ty sản xuất chăn nuôi và các công ty bên cạnh…
Luôn sát cánh cùng doanh nghiệp
Để giải quyết các kiến nghị của các nhà đầu tư tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đã yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương phải nhận thức, phải xác định những nhà đầu tư vào Hải Dương “là bạn, là đối tác, là bộ phận quan trọng góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội” của tỉnh.
Vì vậy, phải luôn sát cánh, đồng hành, phải xác định việc của các nhà đầu tư cũng là của mình. Khó khăn của nhà đầu tư cũng là khó khăn của mình theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Ông Châu, yêu cầu các sở ngành, địa phương, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương thực hiện giải quyết các kiến nghị của nhà đầu tư; báo cáo kết quả về UBND tỉnh chậm nhất ngày 15/1/2025.
Đối với công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, yêu cầu các huyện hoàn thành xong theo tiến độ từng dự án các địa phương đã cam kết và chậm nhất trước ngày 30/4/2025 tất cả các dự án đặt ra tại hội nghị này phải hoàn thành bàn giao đất cho nhà đầu tư thực hiện.
Ông Chủ tịch tỉnh Hải Dương giao BQL các KCN nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính của ban, cải thiện vị trí xếp hạng công tác cải cách hành chính để năm 2025 nằm trong trong nhóm dẫn đầu các sở, ban, ngành của tỉnh.
Trong đó, BQL các KCN cần xây dựng ngay phương án cắt, giảm, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính như đã cam kết. Đối với các dự án chậm tiến độ, khi xem xét gia hạn thời gian thực hiện dự án. Đặc biệt đối với các dự án chậm tiến độ có nguyên nhân chủ quan từ phía nhà đầu tư, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp xem xét nguyên nhân, lý do điều chỉnh của nhà đầu tư, tham mưu, đề xuất phương án xử lý, báo cáo lãnh đạo UBND tỉnh về chủ trương.
Tránh tình trạng gia hạn thời gian thực hiện dự án nhiều lần, nhưng nhà đầu tư chây ì, không thực hiện đúng cam kết với tỉnh, không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước hoặc đang vi phạm, chậm tiến độ tại các dự án khác trong và ngoài tỉnh.
Giao UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện, bám sát kế hoạch giải phóng mặt bằng chi tiết của từng khu công nghiệp, cam kết rõ tiến độ hoàn thành dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng để sớm bàn giao đất cho nhà đầu tư triển khai thi công, bảo đảm đúng tiến độ chấp thuận tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Khẩn trương rà soát, lập quy hoạch phân khu KCN, trình thẩm định, phê duyệt để làm cơ sở thu hút các nhà đầu tư lập hồ sơ đề xuất dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp theo quy định.
Đối với các KCN nằm trong khu vực dự kiến thành lập khu kinh tế chuyên biệt, cần bảo đảm khớp nối đồng bộ đối với định hướng, phân khu chức năng, hạ tầng kỹ thuật trong khu kinh tế chuyên biệt.
Đối với các KCN Đại An mở rộng giai đoạn 2, Lai Cách, Kim Thành, Lương Điền Ngọc Liên, Tân Trường mở rộng cần tập trung phối hợp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thành trước 30/4/2025.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các nhà đầu tư lựa chọn nhà thầu thi công có uy tín chất lượng. Trong đó, tập trung đầy đủ nhân lực, máy móc thiết bị để bảo đảm tiến độ xây dựng hạ tầng nhanh nhất, chất lượng tốt nhất. Hoàn thành vượt tiến độ về thời gian đầu tư hạ tầng đã cam kết.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn