Trong ngày đầu tăng mức phạt vi phạm giao thông theo Nghị định 168/2024, nhiều tài xế vi phạm nồng độ cồn đã bị trừ 4 -10 điểm hoặc tước giấy phép lái xe (GPLX).
Tối 1.1, Đội CSGT – trật tự Công an TP.Thủ Đức (TP.HCM) phối hợp công an các phường tuần tra, kiểm soát, xử lý tài xế vi phạm nồng độ cồn.
Lúc 20 giờ 30 cùng ngày, CSGT Công an TP.Thủ Đức phối hợp Công an P.Linh Trung tuần tra, phát hiện anh D.B.T chạy xe máy cà tàng, liên tục lạng lách trên đường Kha Vạn Cân nên ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra. Làm việc với CSGT, anh T. cho hay, mình làm công nhân, hôm nay lễ tết được nghỉ nên đã cùng bạn uống hơn 5 lon bia. Kết quả kiểm tra cho thấy anh này vi phạm nồng độ cồn 1,113 mg/l khí thở.
Anh T. không xuất trình được các giấy tờ liên quan và không chấp hành ký biên bản vi phạm. Anh này sau đó tháo, lấy yên xe máy vác lên vai và để xe lại, bỏ đi về.
Tiếp đó, CSGT cùng Công an P.Linh Chiểu phát hiện anh T.V.C chạy xe máy, vi phạm nồng độ cồn 0,79 gm/l khí thở. Nam tài xế thừa nhận đã uống nhiều bia tại đám giỗ và cho hay làm nghề chạy xe giao bánh kẹo, lương 8 triệu đồng/tháng.
Khoảng 21 giờ, CSGT phát hiện anh P.Q.T (làm nghề thợ xây) chạy xe máy vi phạm nồng độ cồn 0,31 mg/l khí thở. Nam tài xế cho biết đã có gia đình, nhưng đã ly dị vợ và hiện đang nuôi 2 con nhỏ. Sau khi nghe CSGT thông báo mức phạt tiền khoảng 7 triệu đồng và trừ 10/12 điểm GPLX, người này tỏ ra hối hận và nói sẽ không dám tái phạm.
Trong tối cùng ngày, lực lượng CSGT đã xử lý hàng chục tài xế vi phạm nồng độ cồn.
Mỗi giấy phép lái xe có 12 điểm, trừ hết sẽ phải thi lại lý thuyết
Từ ngày 1.1, Nghị định 168/2024 chính thức có hiệu lực thay thế Nghị định 100/2019, với nhiều quy định mới, tăng mức phạt về xử phạt vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trong số này có vi phạm nồng độ cồn.
Theo đó, vi phạm nồng độ cồn được chia thành 3 ngưỡng: chưa vượt quá 0,25 mg/l khí thở; vượt quá 0,25 – 0,4 mg/l khí thở; vượt quá 0,4 mg/l khí thở.
Nghị định 168/2024 quy định tài xế ô tô vi phạm nồng độ cồn ở ngưỡng thấp nhất sẽ bị phạt 6 – 8 triệu đồng, trừ 4 điểm GPLX; vi phạm ở ngưỡng thứ hai sẽ bị phạt 18 – 20 triệu đồng, trừ 10 điểm GPLX; vi phạm ở ngưỡng cao nhất hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn sẽ bị phạt 30 – 40 triệu đồng, tước GPLX từ 22 – 24 tháng.
Với xe máy, tài xế vi phạm nồng độ cồn ở ngưỡng thấp nhất sẽ bị phạt 2 – 3 triệu đồng, trừ 4 điểm GPLX; vi phạm ở ngưỡng thứ hai sẽ bị phạt 6 – 8 triệu đồng, trừ 10 điểm GPLX; vi phạm ở ngưỡng cao nhất hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn sẽ bị phạt 8 – 10 triệu đồng, tước GPLX từ 22 – 24 tháng.
Mức xử lý hành vi vi phạm nồng độ cồn nói trên có nhiều thay đổi so với nghị định trước đây.
Cũng từ ngày 1.1, luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định mỗi GPLX có 12 điểm. Số điểm sẽ bị trừ mỗi khi người có GPLX vi phạm giao thông, tương ứng với tính chất, mức độ của hành vi. Người có GPLX bị trừ hết điểm sẽ không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông. GPLX sẽ được phục hồi đủ 12 điểm khi chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong 12 tháng kể từ ngày bị trừ điểm gần nhất.
Sau ít nhất 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, người có GPLX được tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, kết quả đạt thì được phục hồi điểm GPLX.
Nguồn: thanhnien.vn