Ở TP.HCM phồn hoa, có một người vẫn miệt mài hồi sinh những cuốn sách cũ. Ông là một trong số ít người giữ ‘hồn’ cho nghề đã từng vang bóng một thời nơi phố thị.
Tiệm của ông khá yên tĩnh và không quá lớn; chỉ đủ để cho bàn làm việc và chiếc máy cắt sách đã nhuốm màu thời gian được ông chủ xưởng in bán lại hơn 20 năm trước.
Hơn 40 năm phục chế… sách cũ
Ngồi trên chiếc ghế gỗ, người nghệ nhân cặm cụi bên bộ đồ nghề đơn sơ gồm: kim, chỉ, hồ, kéo… Bàn tay già nua, nhăn nheo vì tuổi tác của ông Rạng bỗng trở nên linh hoạt lạ kỳ khi cầm sách cũ trên tay.
Ông tỉ mẩn lật giở những tờ sách đã mục nát để “chữa bệnh” cho nó. Sau đó, ông nhẹ nhàng xếp lại thành từng xấp ngay ngắn, mượt mà rồi khéo léo khâu gáy sách bằng sợi chỉ chắc chắn.
Ông Rạng là dân Sài Gòn gốc. Sống với sách cũ từ tuổi đôi mươi, với ông đó là quãng đời dài, gần nửa đời người. Đưa ánh mắt về những cuốn sách ố vàng trên tay, ông Rạng trầm ngâm chia sẻ về cơ duyên đến với nghề.
Cuối những năm 70 của của thế kỷ 20, năm đó ông Rạng học trung học phổ thông. Gia đình của bạn thân ông Rạng làm nghề đóng sách cho hợp tác xã. Vì mê đọc sách giáo khoa nên ông thường qua nhà bạn thân để phụ đóng sách và tận dụng cơ hội đọc miễn phí. Dần dà, ông lấy đó là niềm vui và yêu thích mình.
Theo cuốn sách Sài Gòn đẹp xưa của tác giả Phạm Công Luận, sau năm 1975, sách quý từ các thư viện gia đình tuồn ra bán dọc lề đường Tự Do (nay là đường Đồng Khởi), sách xoàng hơn bán ở ngã tư Lê Lợi – Pasteur, Q.1. Dân Sài Gòn lúc đó bụng thì đói nhưng vẫn mê sách, đôi khi ra dọc các con đường bán sách để xem sách, đọc ké một chút. Ai may mắn quen những người bán hàng thì đọc ké lâu hơn.
Ông Rạng kể, thời hoàng kim của sách cũ là sau khi đất nước thống nhất đến những năm đầu thập niên 1990. Thời điểm đó, văn hóa đọc sách giấy phổ biến rộng rãi, từ trẻ nhỏ đến người lớn. Việc mua sách cũ trở thành cơ hội cho dân mọt sách. Ngày ấy, hầu hết các trường học đều có một nhà sách gần kề và cạnh đó thường là tiệm cho mượn sách.
Ông Rạng xem nghề đóng sách cũ là nguồn sống của cuộc đời mình
ẢNH: UYỂN NHI
Hơn 4 thập kỷ gắn bó nghề, ông Rạng có cơ hội làm việc với tất cả các cơ sở đóng sách ở Sài Gòn. Ông Rạng vẫn nhớ như in: “Ai làm giỏi, thành thạo thì lương 2 đồng/ngày, còn những người mới thì 1 đồng/ngày. Hồi đó bạn bè tôi cũng làm nghề đóng sách cũ nhiều lắm, vòng quanh khu này phải đông như một xóm luôn. Nhưng thành phố càng tiến bộ, văn minh thì người ta bỏ dần, chẳng mấy ai bám trụ nghề này”.
Từ năm 1990 trở về sau, internet càng phát triển, thay vì mua sách giấy thì độc giả dần chuyển qua đọc trên mạng. Nhiều sách mới cũng xuất bản nhiều hơn. Chính điều đó khiến sách giấy trở nên ế ẩm, không còn cắc củm dành tiền mua cho được những cuốn sách hay, chạy vạy mượn sách hoặc thuê sách như ngày xưa.
Tuy vậy, ông Rạng vẫn kiên trì bám trụ với nghề. Hiện, khách hàng của ông đa số là khách quen mấy chục năm, những người cao niên quý sách cũ hoặc những người có những cuốn sách kỷ niệm do người xưa để lại.
Ông Rạng không nhớ mình đã đọc bao nhiêu cuốn sách, chỉ biết là rất nhiều. Ông thích nhất là đọc sách về chủ đề văn học, lịch sử và địa lý. Chia sẻ về thời còn niên thiếu, ông nói mình có ước mơ thi vào Trường đại học Sư phạm TP.HCM nhưng do sức khỏe yếu vì con sốt bại liệt bẩm sinh nên ông bỏ ước mơ vào giảng đường.
“Trung bình, mỗi ngày ông sửa được 2 – 3 cuốn, giá phục hồi sách dao động từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng tùy độ hư hỏng”, ông Rạng nói.
“Còn sống tôi còn làm nghề sửa sách cũ”
Mỗi cuốn sách khi được bảo vệ khỏi sự mài mòn của thời gian, không chỉ là sản phẩm của đôi bàn tay khéo léo mà còn là một tác phẩm nghệ thuật với sự tâm huyết của người nghệ nhân.
Chỉ cần nhìn thoáng qua, ông Rạng đã biết sách bị “bệnh” gì và cần áp dụng cách sửa như thế nào. Tùy cuốn sẽ có nhiều cách “chữa bệnh” khác nhau như: bấm chỉ, may bằng tay, cũng có cuốn bị bể gáy sách thì phải cưa đi rồi may lại đường chỉ mới.
Sách cũ dễ bị “tổn thương” nên người nghệ nhân cần nâng niu, cẩn thận từng chi tiết. Điều đặc biệt để tái sinh cho sách, người thợ cần làm thủ công vì nếu sử dụng máy móc sẽ bị hư.
“Sách tôi sửa toàn sách mấy chục năm, mục hết rồi. Muốn chữa lành nó cần phải làm từ từ, nhẹ nhàng và tuyệt đối không được gấp gáp”, ông trần tình.
“Có bao giờ ông nghĩ đến chuyện bỏ nghề?”, chúng tôi hỏi. Ông Rạng lắc đầu: “Không”, rồi giải thích: “Tôi yêu sách và gắn bó với nó từ thời còn trẻ, sao nói bỏ là bỏ được. Nó giúp tôi thư giãn và được sống chậm lại. Còn sống tôi còn làm nghề này”.
Thấy ông vẫn độc thân, chúng tôi thắc mắc hỏi lý do. Ông Rạng cười rồi nói: “Ngoài thời gian tôi dành cho bản thân, còn lại tôi dành cho sách. Sách là niềm yêu thích và thú vui mỗi ngày của tôi. Nhìn lại năm tháng đã qua, tôi không hề tiếc nuối với những gì mình đã chọn”.
Nhưng ông Rạng cũng buồn vì không có thế hệ kế nghiệp và giới trẻ không mấy mặn mà nhiều với sách. Ông tâm sự, nếu ai muốn học sửa sách cũ, ông sẵn sàng dạy ngay.
Để sống được với nghề, người thợ cần thả “hồn” vào từng tác phẩm và có trái tim chứ không vì tiền bạc chi phối mà sửa sơ sài, gấp gáp. Ngoài ra, tính cẩn thận, kiên trì là điều không thể thiếu.
Cuộc sống có nhiều đổi thay với sự phát triển của công nghệ, song vẫn luôn tồn tại người gắn bó với nghề ‘vang bóng một thời’ đã nuôi sống họ trong quá khứ. Điều đó vô tình giúp Sài Gòn níu giữ được hồn cốt xưa cũ của một thời đã qua.
Nguồn: thanhnien.vn