VTV.vn – Tại tỉnh Khánh Hòa, trong vòng chưa tới 1 tháng, có 3 trường hợp bị thương nặng do tự chế pháo nổ phải vào bệnh viện điều trị.
Ngày 2/1, BSCKII. Phạm Đình Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình – Bỏng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết: Bệnh viện vừa mới tiếp nhận thêm một trường hợp vào viện điều trị do pháo nổ. Bệnh nhi B.G.N. (10 tuổi, trú tại phường Cam Nghĩa, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) vào viện chiều ngày 1/1, trong tình trạng có nhiều vết thương phức tạp. Bàn tay trái mất xương, bong điểm bám gân nhiều đốt; bệnh nhi còn bỏng da mi, bỏng kết mạc mắt bên trái, xây xát nhiều nơi vùng mặt.
Các bác sĩ của Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình – Bỏng đã mổ cấp cứu cắt lọc, khâu mỏm cụt, khâu vết thương, kết hợp xương bằng đinh. Hiện tại, bệnh nhi đang được kiểm tra, theo dõi vùng mắt trái.
Mẹ bệnh nhi cho biết: Bệnh nhi tự mua thuốc nổ trên mạng về nhà tự chế pháo và gây nổ.
Trước đó 10 ngày, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình – Bỏng cũng tiếp nhận bệnh nhi N.V.V. (14 tuổi, trú tại thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) vào viện trong tình trạng đa chấn thương nặng ở tay, chân, mặt, tổn thương vùng tai trái và thủng màng nhĩ trái do tai nạn pháo nổ tự chế. Sau khi được các bác sĩ tích cực điều trị, hiện nay các vết thương vùng tay, mặt của bệnh nhi tạm ổn. Tuy nhiên, tổn thương vùng tai trái và màng nhĩ trái khá nặng nên bệnh nhi vẫn đang được theo dõi để có hướng điều trị tiếp theo.
Ngày 18/12/2024, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình – Bỏng tiếp nhận bệnh nhi T.G.H. (9 tuổi, trú tại thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) vào điều trị tại bệnh viện trong tình trạng bị thương ở bàn tay trái do chế tạo pháo.
Vào dịp giáp Tết Nguyên đán hằng năm, tại các bệnh viện trong nước nói chung và tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa nói riêng tiếp nhận nhiều trường hợp bị thương do pháo nổ, đa số bệnh nhân ở độ tuổi từ 10 – 16 tuổi, tự chế pháo để chơi Tết. Tuy các em được cấp cứu kịp thời, nhưng những tổn thương do pháo gây ra sẽ để lại di chứng, có trẻ có thể khó phục hồi hoặc mất luôn chức năng tại các vùng tổn thương.
BSCKII. Phạm Đình Thành cho biết thêm: Tai nạn do pháo nổ tự chế gây ra rất nghiêm trọng. Do tiếp xúc gần, nên khi hóa chất phát nổ, dễ bị các tổn thương nặng ở vùng mặt, mắt, tay, cổ, ngực… Vết bỏng nặng gây nhiễm trùng và để lại những di chứng nặng nề về thẩm mỹ như sẹo xấu, sẹo co kéo, nặng hơn là ảnh hưởng tới cơ, xương, gây khó khăn trong việc tái hòa nhập cộng đồng của nạn nhân, thậm chí ảnh hưởng kéo dài đến sức khỏe và tính mạng. Vì thế, rất cần sự quản lý nghiêm của phụ huynh và truyền thông giáo dục của nhà trường để các em hiểu, nâng cao nhận thức và tuyệt đối không tự ý chế tạo, sử dụng pháo nổ để ngăn chặn nguy cơ, hậu quả đáng tiếc xảy ra.