Sunday, January 5, 2025

TP.HCM đề xuất giữ nguyên trạm y tế khi sáp nhập phường

Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM đề xuất giữ nguyên các trạm y tế phường để đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Sáp nhập tinh gọn các phường, trạm y tế sẽ ra sao? 

Ngày 2.1, Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP.HCM tổ chức buổi khảo sát về phát triển hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe người dân. 

Sau các báo cáo về hoạt động trọng tâm của ngành y tế TP.HCM năm 2024, PGS-TS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM đề xuất giữ nguyên các trạm y tế phường. Về việc sáp nhập, tinh gọn bộ máy các phường, ông Dũng xin giữ nguyên các trạm y tế để đảm bảo chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc người dân. 

TP.HCM đề xuất giữ nguyên trạm y tế khi sáp nhập phường

Người dân khám sức khỏe tại trạm y tế phường 

ẢNH: DU YÊN

Bên cạnh đó, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết một số hạn chế vẫn còn như một số bệnh viện đã xuống cấp, quá tải như Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Trung tâm tầm soát, phát hiện sớm bệnh bằng công nghệ cao chậm khởi công. 

Do vướng các quy định nên các trạm y tế vẫn còn khó khăn về số biên chế. Ngoài ra, ngành y tế gặp khó khăn trong việc đề xuất tăng số lượng người làm việc tại trạm y tế. 

Cơ cấu giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng, đủ. Năng lực quản lý tài chính một số bệnh viện chưa được đầu tư đúng mức, một số bệnh viện có nguy cơ mất cân đối thu, chi… 

Q.Tân Phú xin nâng cấp bệnh viện 

Trong buổi khảo sát, đại diện UBND Q.Tân Phú cho biết trong công tác phát triển hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe cho người dân tại quận vẫn còn một số khó khăn. 

“Hiện Bệnh viện Q.Tân Phú đang rất quá tải, bệnh viện khám và trị luôn bệnh nhân của Q.Tân Bình, Q.Bình Tân. Bệnh viện chỉ có 250 giường bệnh nhưng theo ghi nhận số người bệnh nằm điều trị đến 450 người, nằm cả ngoài hành lang. Kiến nghị Sở Y tế TP.HCM tham mưu UBND TP.HCM bố trí kinh phí sửa chữa, xây dựng mới cơ sở 2 của Bệnh viện Q.Tân Phú, 7 trạm y tế…”, đại diện UBND Q.Tân Phú cho biết. 

Ngoài ra, một số người dân lơ là, chủ quan trong chăm sóc sức khỏe, không coi trọng các khuyến cáo về công tác phòng bệnh. Tỷ lệ người cao tuổi tham gia khám sức khỏe, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm đạt thấp, dù đã được tuyên truyền, vận động thường xuyên. 

Bên cạnh đó, do vướng cơ chế chính sách và nhiều quy định nên việc nâng cấp, hình thức xã hội hóa Bệnh viện Q.Tân Phú còn chậm. Các bác sĩ trẻ không ở lại làm việc sau thời gian thực hành tại trạm y tế phường.

Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP.HCM cho biết năm qua nhiều đề án, chương trình y tế phát triển đặc biệt là chuyển đổi số. 

Ông Bình đề nghị các sở ngành tiếp tục nâng cao tuyến y tế cơ sở, khảo sát cơ sở trang thiết bị, năng lực khám chữa bệnh của các trạm y tế phường xã. Tăng cường đầu tư các loại thuốc cho các trạm y tế, nhất là đảm bảo quyền lợi cho người dân sử dụng bảo hiểm y tế. 

Bên cạnh đó, Sở Y tế TP.HCM và Sở Du lịch TP.HCM cần đánh giá lại dữ liệu để nghiên cứu phát triển du lịch y tế hơn nữa. Thực tế nhiều bệnh viện quan tâm đến loại hình y tế du lịch…

Chuẩn bị cho chương trình Dân hỏi – chính quyền trả lời sắp tới, ông Cao Thanh Bình đặt ra các vấn đề để các sở ngành chuẩn bị như: “Còn hay không tình trạng thiếu vắc xin trong chiến dịch tiêm chủng mở rộng, một số thuốc phòng bệnh không có kịp thời. Nếu người dân đặt ra vấn đề đến các cơ sở y tế không có loại thuốc đó nhưng ra các cơ sở dịch vụ lại có thì sao?”. 

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img