Nhiều thương hiệu chụp ảnh phim từng ‘vang bóng một thời’ gắn liền với ký ức của người dân Sài Gòn, vẫn duy trì sức sống dù trải qua bao cuộc đổi vần của thời cuộc.
60 năm làm họa sĩ khung hình
Đến ảnh viện Lộc khi trời chiều bóng ngả về đông giữa tháng 12, tôi khá ấn tượng với bảng hiệu mang dấu tích của 5 thập kỷ được vẽ bằng tay, thờ ơ với lớp bụi thời gian phủ lên nét chữ.
Đi sâu vào bên trong tiệm, tôi gặp một người đàn ông tuổi bát tuần, mái tóc bạc đang chậm rãi điều chỉnh chiếc máy ảnh đã gắn bó với ông hàng chục năm. Đó là ông Nguyễn Ngọc Lộc (80 tuổi), chủ của hiệu ảnh cổ xưa này.
Ông Lộc là người gốc Đà Lạt (Lâm Đồng), mê chụp ảnh từ nhỏ. Ông xuống Sài Gòn mưu sinh từ tuổi đôi mươi, khi mà số đông trên đường phố vẫn là người buôn thúng bán bưng, đạp xích lô và phu khuân vác.
Thời đó, ông làm thuê tại tiệm ảnh Hậu rất nổi tiếng. Ổn định công việc và tích cóp được vốn, năm 1974 ông mở tiệm ảnh riêng, lấy tên “ảnh viện Lộc”.
Hướng ánh mắt nhìn về những tấm ảnh của các nghệ sĩ mà ông đã chụp như: Thẩm Thuý Hằng, Bạch Tuyết, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ…, còn treo trước tiệm. Ông Lộc không khỏi bùi ngùi nhớ lại dĩ vãng đã qua. Trước khi đất nước thống nhất, ở Sài Gòn có rất nhiều hiệu chụp và rửa ảnh phim. Nhưng đến nay, chỉ còn vài tiệm lay lắt hoạt động, đa phần đã đổi chủ hoặc con cháu của chủ cũ kế nghiệp.
Những hiệu ảnh nổi tiếng còn lưu trong ký ức của ông Lộc như: Tiệm chụp hình Mỹ Lai ở ngã tư Phú Nhuận, tiệm Ngọc Chương trên đường Trần Quang Khải (Q.1) hay tiệm ảnh Hậu trên đường Trần Hưng Đạo (Q.5)…
Chia sẻ về thời hoàng kim trong nghề ảnh ở Sài Gòn – TP.HCM, ông Lộc nói khoảng thập niên 1955 đến 1963 của thế kỷ trước. Lúc đó, chỉ có ảnh đen trắng, mãi đến sau năm 1975 mới có ảnh màu.
Hỏi ông cần học trong bao lâu thì có thể sống được với nghề, thì ông mỉm cười, chắc mẩm: “Khó!”, rồi nói với giọng thật trầm: “Không có thước đo nào nói được với nghề này, tùy theo niềm yêu thích và sự năng khiếu của người thợ. Làm ảnh thời xưa “rất đã”, người nào làm hay thì nổi tiếng, mặc dù cùng học chung 1 tiệm”.
Rồi ông nói thêm: “Đây là nghệ thuật, mà nghệ thuật cần năng khiếu. Quan trọng là bản thân mình, có người học 3 năm mới thành thạo, cũng có người học đến 10 năm nhưng khi xuất ra ảnh vẫn không đẹp”.
“Làm nghệ thuật sao bỏ được…”
Để tạo ra một tấm hình đẹp, người “nghệ nhân” phải nhìn thật kỹ để tìm ra điểm chưa đẹp trên khuôn mặt của khách hàng rồi sử dụng ánh sáng để làm đẹp điểm đó. Ngoài ra, người thợ giống như người đạo diễn dàn dựng một bộ phim, cần sự tinh tế để chọn góc chụp. Khi sửa hình bằng tay, người thợ giống như một họa sĩ, cần sự kiên nhẫn và tài năng.
Ông Lộc kể trước đây khách phải chờ cả tháng mới được ảnh, nhưng ai cũng hài lòng về chất lượng ảnh đẹp, bền và giá cả phải chăng. Khách ruột của tiệm ông Lộc chủ yếu là khách quen mấy chục năm và các nghệ sĩ của Đoàn văn nghệ Việt Nam.
Ông Lộc nhớ lại, những năm đầu thập niên 1980, thành phố thường xuyên bị cúp điện, nên tiệm phải sử dụng ánh sáng trời. Còn ban đêm có điện, người thợ thức xuyên đêm để chạy máy móc làm ảnh cho khách.
“Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, hơn 6 thập kỷ sống với nghề, ông Lộc nói chưa bao giờ có ý định đổi qua nghề khác. “Nghề của tôi là nghề nghệ thuật, mà làm nghệ thuật thì sao bỏ được…”, ông trần tình.
Giấc mơ 100 năm của nhà chụp ảnh Mỹ Lai
Theo giới thiệu của ông Lộc, chúng tôi tìm đến hiệu ảnh Mỹ Lai tồn tại gần 100 năm, là điểm đến quen thuộc của giới mộ điệu yêu thích ảnh phim trong và ngoài nước. Ông Nguyễn Đức Vượng (70 tuổi) là thế hệ thứ 3 trong gia đình có truyền thống làm ảnh, ông tính nhẩm cũng đã gần 50 năm ông bám trụ với nghề nghiệp của mình.
Cha của ông Vượng tên Nguyễn Văn Đoàn, học nghề chụp ảnh của gia đình rồi mở tiệm ảnh riêng mình. Năm 1936, ông Đoàn di cư từ làng Lai Xá (Hà Nội) vào Sài Gòn lập nghiệp và lấy tên “Mỹ Lai ảnh viện”. Những năm đầu thống nhất, tiệm chuyển về đường Phan Đình Phùng (Q.Phú Nhuận).
Ông Vượng theo cha làm ảnh từ nhỏ nên hiểu rõ về kỹ thuật chụp và làm ảnh thủ công. Năm 1978, ông Vượng bỏ nghề phóng viên ảnh Báo Khăn Quàng Đỏ và thay cha quản lý tiệm ảnh Mỹ Lai. Ông Vượng biết tiếng Anh, trầm tính và khiêm tốn về bản thân; nhưng ông có thể kể hằng giờ về cách làm ảnh phim, chỉnh sửa ảnh và quan điểm sống.
Theo ông Vượng, ở tiệm ông có 4 loại giấy để làm ảnh, gồm: giấy nhung (sần nhẹ), giấy soie (giấy lụa), giấy láng và giấy mat (có bề mặt mờ nhẹ). Khách ưa chuộng giấy lụa vì bền hơn, không lo bị ẩm mốc và không bị dính khi đóng khung mặt kính. Nhưng sau đó, phong trào dùng giấy láng thịnh hành vì nhìn ảnh đẹp, có chiều sâu. Tuy nhiên, giấy láng không bền vì khi cầm dễ in dấu vân tay.
Chia sẻ về các bước làm ảnh, ông Vượng nói, sau khi chụp và ra phim, người “nghệ nhân” phải dùng bút chì để chấm sửa trên phim. Tiếp theo, người thợ sẽ rọi hình và sử dụng bút lông để chỉnh sửa đến khi bức ảnh hoàn hảo nhất. Tùy vào ảnh phim hay ảnh màu, người thợ sẽ sử dụng mực tàu hay mực màu.
Tất cả các công đoạn này đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ và con mắt thẩm mỹ tinh tế, giúp bức ảnh đạt đến độ hoàn hảo. Ông Vượng nói với giọng thật trầm: “Làm ảnh kỹ thuật số bây giờ nhanh và nhàn hơn nhiều. Thời trước, mọi công đoạn phải làm thủ công và tốn thời gian”.
Chia sẻ về mong muốn của mình, ông Vượng thủ thỉ: “Tôi hy vọng có thể duy trì tiệm ảnh cho đến ngày kỷ niệm 100 năm, vào 11 năm nữa. Không biết có đợi được đến lúc đó không…”.
Nguồn: thanhnien.vn