Wednesday, January 8, 2025

Để phụ huynh yên tâm gửi con 6-18 tháng tuổi đi nhà trẻ

Số trẻ từ 6-18 tháng tuổi được gửi ở các cơ sở giáo dục mầm non của TP.HCM tăng gấp gần 15 lần trong 10 năm qua, từ 175 trẻ năm 2014 lên 2.593 trẻ trong năm học 2024-2025. Tuy nhiên, Sở GD-ĐT TP.HCM nhìn nhận con số này vẫn chưa phản ánh hết nhu cầu thực tế.

Cơ chế, đề án của UBND TP.HCM, cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên (GV) đã sẵn sàng. Làm thế nào để nhiều hơn nữa phụ huynh yên tâm gửi con 6-18 tháng tuổi đi nhà trẻ ở những trường, lớp mầm non đầy đủ cơ sở pháp lý chứ không phải đưa con tới những cá nhân, địa điểm giữ trẻ tự phát, là câu chuyện cần sự tham gia của cả phía GV, trường học và phụ huynh.

KINH NGHIỆM CỦA CÁC TRƯỜNG

Qua 10 năm thực hiện giữ trẻ 6-18 tháng tuổi ở các trường mầm non trên địa bàn huyện (gồm Đồng Xanh, Hướng Dương và Vàng Anh), bà Lê Thị Oanh, Trưởng phòng GD-ĐT H.Nhà Bè, cho biết thực tế nhu cầu gửi con ở độ tuổi này khá cao. Huyện có khu công nghiệp Hiệp Phước nên muốn tạo điều kiện cho các phụ huynh là công nhân có thể gửi trẻ 6-18 tháng tuổi để yên tâm làm việc. Phòng GD-ĐT huyện đã phối hợp với Ban quản lý khu công nghiệp tu sửa cơ sở vật chất cho các lớp tại khu lưu trú của công nhân. Các lớp giữ trẻ trong độ tuổi 6-18 tháng được lót sàn gỗ các phòng pha sữa, khu vực tắm, thay tã, khu vực bé tập đi và còn có khu vực dành riêng cho mẹ và bé…

Để phụ huynh yên tâm gửi con 6-18 tháng tuổi đi nhà trẻ

Cô và trẻ 6-18 tháng tuổi tại Trường mầm non Măng Non 1, Q.10, TP.HCM

ẢNH: THÚY HẰNG

Hiện nay, có khoảng 37 trẻ trong lứa tuổi 6-18 tháng học ở 3 trường mầm non nói trên. Đội ngũ cán bộ quản lý và GV các lớp này đều đạt trình độ từ ĐH trở lên.

Bắt đầu từ năm 2015, Trường mầm non Bé Ngoan, Q.1, cũng bắt đầu nhận nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ 6-18 tháng tuổi. “Trường có 1 lớp nhận trẻ 6-18 tháng tuổi, nhiều người có nhu cầu gửi con độ tuổi này nhưng đơn vị không thể tiếp nhận hơn”, cô Nguyễn Thị Mỹ Phương, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết.

Tại Trường mầm non Bé Ngoan, cơ sở vật chất để chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục an toàn, hiệu quả cho trẻ 6-18 tháng tuổi được quan tâm đầu tư. Phòng sinh hoạt chung được lát sàn gỗ với đầy đủ đồ dùng, trang thiết bị theo danh mục phù hợp độ tuổi. Đặc điểm của trẻ nhỏ là nằm nhiều, ngủ nhiều, nên trường trang trí thêm trên trần nhà các hình vẽ, vật dụng sinh động giúp trẻ phát triển thị giác.

Cô Mỹ Phương cũng cho hay tại góc mẹ cho con bú nay được bố trí thêm khu vực hút sữa mẹ bằng máy, do phụ huynh chỉ có thời gian tới trường vào giờ nghỉ trưa, thời điểm trẻ đang ngủ. Các thiết bị trong phòng pha sữa hiện đại, vừa đảm bảo vệ sinh vừa giúp giảm tải công việc cho GV, gồm máy tiệt trùng bình sữa, máy đo nhiệt độ pha sữa bột, máy ủ sữa mẹ. Trường còn có một khu riêng để chế biến thức ăn cho trẻ 6-18 tháng tuổi như bột, cháo, đồng thời cải tạo thêm sân chơi riêng biệt cho các bé độ tuổi này.

MỜI PHỤ HUYNH VÀO TRƯỜNG TRẢI NGHIỆM LÀM GV

Các nhà chuyên môn cho rằng để phát huy hiệu quả đề án chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ 6-18 tháng tuổi trong các cơ sở giáo dục mầm non TP.HCM thì công tác truyền thông rất quan trọng. Phụ huynh cần được tham gia những hoạt động mở, được biết về cơ chế giám sát, kiểm tra của cơ quan chức năng nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ trong thời gian ở trường. Và phụ huynh cũng cần được hiểu vì sao gửi con đi nhà trẻ sẽ có lợi hơn là để trẻ ở nhà với người giúp việc hoặc gửi sang hàng xóm.

Thời gian qua, Trường mầm non Nhiêu Lộc, Q.Tân Phú – nơi đang có 25 trẻ trong độ tuổi 6-18 tháng tuổi, thường mời phụ huynh vào trường để trải nghiệm một ngày “làm GV mầm non”.

Cô Nguyễn Thị Tuyết Mai, Hiệu trưởng Trường mầm non Nhiêu Lộc, cho hay khi vào trường, phụ huynh sẽ tham gia làm những công việc hằng ngày của GV để nắm bắt các hoạt động ở trường của trẻ 6-18 tháng.

“Nhiều cha mẹ, ông bà cho rằng trẻ ở độ tuổi 6-18 tháng chỉ cần ăn được, ngủ được, không bệnh là phát triển tốt. Nhưng thật ra giai đoạn 6-18 tháng rất quan trọng với trẻ, do lúc này khả năng nhận thức, ngôn ngữ, kỹ năng vận động và xã hội của trẻ bắt đầu hình thành và phát triển. Tại trường, GV khuyến khích cha mẹ, ông bà dành thời gian chơi và trò chuyện với trẻ để xây dựng mối quan hệ gần gũi, kích thích và phát triển khả năng nói, giao tiếp của trẻ; khuyến khích trẻ vận động để phát triển thể chất, trí tuệ và cảm xúc”, cô Mai nói.

Để phụ huynh yên tâm gửi con 6-18 tháng tuổi đi nhà trẻ

Phòng học dành cho trẻ từ 6-18 tháng tuổi được đầu tư, trang bị đầy đủ. Phòng sinh hoạt chung được lát sàn gỗ với đầy đủ đồ dùng, trang thiết bị theo danh mục phù hợp độ tuổi

ẢNH: THÚY HẰNG

YÊU TRẺ NHƯ CON MÌNH

Cô Lê Thị Thu Vân, GV phụ trách lớp 6-18 tháng tuổi ở Trường mầm non 12, Q.5, người vừa được Sở GD-ĐT TP.HCM tặng giấy khen về thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ 6-18 tháng tuổi giai đoạn 2014-2024, đã gắn bó với trẻ độ tuổi này 8 năm qua.

Theo cô Vân, để trẻ tin tưởng, đầu tiên các cô phải là người bạn đáng tin cậy của trẻ. Khi mẹ đưa bé đến lớp những ngày đầu tiên, bé thường ôm chặt lấy mẹ không muốn rời và nhìn xung quanh dò xét. Nếu lúc đó cô giáo cố bế bé ra khỏi tay mẹ thì bé sẽ rất ghét và sợ cô. Chính vì vậy, cô Vân chỉ tiến lại chào hỏi phụ huynh và mỉm cười với bé, có thể hỏi chuyện bé, nói chuyện với mẹ nhưng không bế trẻ.

Trên lớp, cô Vân cởi mở, ân cần, khen ngợi để trẻ thấy vui và có cảm giác an toàn với cô và các bạn. Cô cho trẻ làm quen với những câu chuyện, bài thơ, ca dao, bài hát quen thuộc như khi ở nhà với mẹ. Vào giờ ngủ, trẻ nào khó ngủ, cô ôm, vỗ về hát ru.

Theo cô Vân, việc trò chuyện, giao tiếp với cha mẹ trẻ cũng quan trọng không kém. Khi cha mẹ đưa trẻ đến lớp, cô giáo sẽ khoanh tay chào bé để bé học cách chào và nói theo cô. Ngoài ra, cô thường trò chuyện với cha mẹ về thói quen, sở thích của trẻ để tìm biện pháp giúp trẻ thích nghi. Vào các giờ đón, trả trẻ, cô trao đổi với cha mẹ về tình hình sức khỏe, sự tiến bộ của trẻ. Qua bảng tin, group Zalo của lớp, cô giáo thường xuyên gửi hình ảnh các bé lúc học và chơi, đánh giá trẻ theo từng giai đoạn.

“Điều quan trọng và cốt lõi nhất của GV khi chăm sóc trẻ 6-18 tháng tuổi là phải thật sự yêu thương, nhẹ nhàng, chăm sóc trẻ tận tâm, tận lực, bằng tất cả trái tim của người mẹ thứ hai. Khi đó, trẻ mới cảm nhận được tình cảm của cô để có sự tương tác, phối hợp tốt, giúp GV hoàn thành tốt vai trò, nhiệm vụ của mình và phụ huynh thật sự an tâm khi gửi con tại trường”, cô Vân bộc bạch.

Hỗ trợ đắc lực cho phụ huynh

Cô Lê Thị Hà, GV nhóm 6-18 tháng tuổi của Trường mầm non Hoa Hồng, Q.7, kể: “Mười mấy năm trước, trường mầm non của thành phố chưa giữ trẻ từ 6 tháng tuổi. Tôi làm tại một trường mầm non ở Q.Gò Vấp. Không có ông bà hai bên ở cùng để trông cháu, may mắn là gần nhà có một cô giáo về hưu, thương hai vợ chồng tôi nên trông bé giùm. Bé được hơn 1 tuổi thì sáng tôi địu con trên xe máy tới trường, mẹ vào làm, con vào lớp học. Bây giờ trường mầm non giữ trẻ từ 6 tháng tuổi là rất đỡ cho nhiều phụ huynh, đồng thời trẻ cũng được phát triển toàn diện”.

Tương tự, chị Nguyễn Thu Thu Hồng, có con học Trường mầm non Nhiêu Lộc, Q.Tân Phú, cho biết cảm thấy may mắn khi nhà ở gần trường, vừa hết chế độ nghỉ thai sản là có thể gửi con từ lúc bé 6 tháng tuổi để đi làm.

TP.HCM đang có 241 cơ sở giáo dục mầm non nhận chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ 6-18 tháng tuổi ở hầu hết các quận, huyện và TP.Thủ Đức, chỉ còn Q.4 chưa thực hiện. Thông tin các cơ sở này được công khai ở cổng thông tin ngành giáo dục TP.HCM: https://pgdmamnon.hcm.edu.vn/congkhaicosogiaoduc.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img