Khoa Ngoại tổng hợp – Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh) vừa tiếp nhận bé trai 4 tuổi, trú tại tỉnh Bình Phước, đến khám và nhập viện vì tình trạng táo bón kéo dài.
Người nhà cho biết bé đã điều trị tại nhiều nơi nhưng không thuyên giảm. Bé không tự đi tiêu được và phải dùng thuốc nhuận tràng hàng ngày kết hợp bơm hậu môn hoặc phải thụt tháo. Tình trạng kéo dài từ khi mới sinh, khiến bé ăn uống kém, kém hấp thu, suy dinh dưỡng, bụng lúc nào cũng trướng to do ứ đọng phân trong khung đại tràng.
Sau khi vào Bệnh viện Nhi đồng 2, bé được thăm khám khám, chụp X-quang đại tràng có cản quang, sinh thiết hút trực tràng. Kết quả sinh thiết bé mắc bệnh Hirschsprung (phình đại tràng) đoạn ngắn. Phần trực tràng sát hậu môn không có tế bào hạch thần kinh là nguyên nhân gây ra bệnh táo bón kéo dài.
Bé được ekip bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp của bệnh viện cắt bỏ đoạn ruột bệnh lý. Một tháng sau mổ, bé đi tiêu gần như trẻ bình thường, tình trạng suy dinh dưỡng dần cải thiện.
Liên quan đến vấn đề này, TS.BS Phạm Ngọc Thạch – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết: Táo bón là bệnh lý thường gặp ở trẻ em. Tuy nhiên khi tình trạng kéo dài và không điều trị kịp thời có thể dẫn đến việc trẻ kém hấp thu dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất. Nguy hiểm hơn có thể dẫn đến các bệnh viêm ruột nặng, tắc ruột, thủng ruột… Hiện điều trị bón ở trẻ em có thể chia thành 2 phương pháp: táo bón nội khoa (điều trị nội khoa) và táo bón ngoại khoa (điều trị phẫu thuật).
Hàng năm, tại Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận và phẫu thuật dao động trong khoảng 250 – 300 trường hợp bệnh Hirschsprung từ trẻ sơ sinh đến trẻ lớn. Vì vậy, bác sĩ Thạch nhấn mạnh các bậc phụ huynh cần lưu ý khi trẻ táo bón kéo dài đã điều trị thuốc, thay đổi chế độ ăn uống… nhưng vẫn không đáp ứng, cần đưa đến các bác sĩ chuyên khoa ngoại nhi để được chẩn đoán và điều trị phù hợp, tránh các biến chứng nguy hiểm.
Nguồn: vtv.vn