Đồng USD tăng trưởng mạnh nhất trong gần 1 thập kỷ. Năm 2025, đồng bạc xanh được dự báo vẫn sẽ khá vững vàng, gây áp lực lớn lên đồng tiền tại các thị trường mới nổi.
Trên thị trường tiền tệ, đồng USD vừa có năm tăng trưởng mạnh nhất trong gần một thập kỷ, nhờ sức mạnh kinh tế Mỹ và chính sách lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Trong năm mới 2025, vị thế của đồng bạc xanh được dự báo vẫn sẽ khá vững vàng, gây áp lực lớn lên đồng tiền tại các thị trường mới nổi.
Chỉ số Bloomberg Dollar Spot Index, đo lường giá trị của đồng USD so với một số đồng tiền chủ chốt khác, đã tăng 7% trong cả năm 2024, mức tăng tốt nhất kể từ năm 2015. Làn sóng nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng của các ngân hàng trung ương, cũng góp phần kéo đồng nội tệ của nhiều nền kinh tế giảm so với USD.
Như đồng euro đã giảm khoảng 5,5% so với đồng USD trong năm 2024, giao dịch gần mức 1,04 USD đổi 1 euro. Ngày càng có nhiều dự báo rằng giá trị đồng tiền chung châu Âu này có nguy cơ rơi về mức ngang giá với đồng USD trong năm 2025.
Ông Thierry Wizman – Chuyên gia về Lãi suất và Tỷ giá, Tập đoàn Dịch vụ tài chính toàn cầu Macquarie cho biết: “Tôi cho rằng đồng bạc xanh sẽ còn điều chỉnh tăng trong thời gian tới do Fed dự báo sẽ chỉ còn 2 lần hạ lãi suất. Lý do là lạm phát dự báo có thể sẽ tăng trở lại. Trong khi đó nhiều ngân hàng trung ương lớn như ECB, BOE.. đang phát đi tín hiệu nới lỏng mạnh tay, dẫn đến việc chênh lệch lãi suất Mỹ và các nền kinh tế khác sẽ nới rộng. Đồng USD vì thế sẽ duy trì vị thế”.
Trong khi đó, chỉ số tiền tệ châu Á cũng đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn hai năm qua trong bối cảnh giới đầu tư thận trọng về triển vọng kinh tế của Trung Quốc và suy đoán rằng các chính sách mới của chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ thúc đẩy USD.
Ông Suan Teck Kin – Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Tập đoàn UOB cho biết: “Chúng tôi dự đoán rằng, USD có thể lên giá khoảng 4-5% so với đồng nhân dân tệ (NDT) trong năm 2025, tức là tương đương khoảng 7,6 NDT đổi 1 USD, nếu các mức thuế quan được đưa ra, cùng với việc nới lỏng tiền tệ được thực hiện”.
“Đồng USD tăng mạnh tạo ra các thách thức cho đồng tiền trong khu vực châu Á, chủ yếu do chênh lệch lãi suất gia tăng, nhất là đối với các nền kinh tế có triển vọng tăng trưởng yếu. Đối với các đồng tiền như đồng Rupiah của Indonesia, đồng Peso của Philippines, lãi suất cao của Mỹ có thể tạo thêm áp lực làm chậm quá trình nới lỏng chính sách tiền tệ trong nước, dẫn đến khó khăn trong việc duy trì giá trị của các đồng tiền này”, bà Nguyễn Thúy Hạnh – Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp và đầu tư, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam cho hay.
Tuy nhiên, trong dự báo mới nhất được nhiều ngân hàng lớn tại phố Wall như Morgan Stanley, JPMorgan Chase đều cho rằng, sau một đợt tăng mạnh, đồng USD có thể hạ nhiệt trong nửa cuối năm 2025. Thậm chí ngân hàng Societe Generale của Pháp nhận định rằng, chỉ số đồng USD sẽ giảm 6% vào cuối năm sau. Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế toàn cầu được kỳ vọng cải thiện vào cuối năm sau được xem có thể hỗ trợ các đồng tiền khác và kìm hãm đà tăng của đồng USD.
Nguồn: vtv.vn