Nhà sản xuất ô tô AvtoVAZ của CHLB Nga, với thương hiệu xe Lada nổi tiếng một thời, đang có kế hoạch thâm nhập thị trường Việt Nam.
AvtoVAZ là hãng sản xuất ô tô hãng đầu của Nga, với thương hiệu nổi tiếng là Lada, từng được xuất khẩu sang Việt Nam từ những năm 70 của thế kỷ trước. Vào đầu năm 2022 xung đột Nga – Ukraina nổ ra và bị phương Tây cấm vận, khi đó các thương hiệu ô tô hàng đầu thế giới như: Mercedes-Benz, Volkswagen, BMW, Audi, Toyota, Nissan…đã lần lượt rời khỏi Nga. Hãng xe Renault của Pháp sở hữu 68% cổ phần tại AvtoVaz cũng rút đi, bán toàn bộ tài sản của mình.
Ô tô Trung Quốc đội lốt?
Sau khi các hãng ô tô hàng đầu thế giới rút đi, việc cung ứng linh kiện, phụ tùng cho các nhà máy sản xuất ô tô tại Nga cũng bị đình chỉ vô thời hạn. Điều này khiến toàn bộ ngành sản xuất ô tô của Nga gần như tê liệt.
Sau khi ngành công nghiệp ô tô “xuống đáy”, Chính phủ Nga cũng như các nhà sản xuất nội địa đã bắt đầu có những giải pháp phục hồi. AvtoVAZ đã khởi động lại dây chuyền lắp ráp tại nhà máy ở thành phố St. Petersburg, trước đây thuộc về hãng Nissan của Nhật Bản. Đồng thời tìm kiếm các đối tác cung cấp linh kiện mới và nâng cao công suất sản xuất.
Vào tháng 4/2023, trong khuôn khổ hội nghị Sochi trưng bày các sản phẩm của ô tô Nga, giới quan sát đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy sự xuất hiện của mẫu Lada X-Cross 5, một chiếc SUV trông hiện đại, bắt mắt. Chiếc SUV hạng D này sử dụng hàng loạt các công nghệ mới tiên tiến và hãng xe Nga không ngần ngại tuyên bố rằng, đây chính là mẫu xe hơi đẹp, sang trọng và hiện đại nhất được giới thiệu từ trước tới nay.
Dẫu vậy, cũng không quá khó để giới chuyên gia nhận ngay ra chiêu “bình mới, rượu cũ”, trên thực tế, đây chính là một chiếc FAW Bestune T77 do hãng FAW Trung Quốc thiết kế, chế tạo, ra mắt từ năm 2018. Với sự kế thừa công nghệ từ FAW, Lada X-Cross 5 có ngoại thất và nội thất đều ưa nhìn, khác hẳn các mẫu xe thiết kế trước đây. Với bảng điều khiển kỹ thuật số và màn hình giải trí 12,3 inch, người Nga phải trầm trồ thừa nhận rằng chưa từng thấy một chiếc Lada nào có nội thất hào nhoáng đến vậy. Chiếc xe này dùng động cơ Turbo dung tích 1,5 lít, công suất 160 mã lực, dẫn động cầu trước.
Trong hoàn cảnh thiếu nguồn linh kiện, vật tư cung ứng cho xe hơi, đã khiến cho các hãng xe Nga lao đao và không còn lựa chọn nào khác ngoài hợp tác với những nhà sản xuất Trung Quốc. Cũng không chỉ có AvtoVAZ, các hãng xe khác của Nga như Moskvich hay GAZ cũng phải dựa vào Trung Quốc. Những mẫu xe Moskvich và Volga thế hệ mới giờ đều là xe Trung Quốc đội lốt. Chẳng hạn chiếc Moskvich – 3 do hãng JAC (Trung Quốc) cung cấp linh kiện, chuyển giao công nghệ nhìn không gì khác chiếc JAC JS4. Hay chiếc Volga sedan C40 dựa trên mẫu Changan Raeton Plus, chiếc Volga SUV K30 dựa trên Changan Oushang X5 plus và chiếc Volga SUV K40 dựa trên mẫu Changan UNI-Z, của hãng Changan Trung Quốc.
Không ít người sau khi chiêm ngưỡng những mẫu xe trên đã đặt câu hỏi về nguồn gốc của nó. Sau đó đã có lời kêu gọi các hãng xe Nga cần tăng hàm lượng nội địa hóa.
Tuy nhiên, theo cơ quan phân tích Autostat của Nga, các hãng xe và nhà sản xuất linh phụ kiện của Trung Quốc, sẽ vẫn giữ một vai trò quan trọng, trong sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Nga trong tương lai.
Liệu có chết yểu?
Thời gian gần đây, các hãng ô tô Trung Quốc tràn vào thị trường Việt Nam nhiều nhưng hầu hết đều bán hàng rất chật vật, doanh số vô cùng thấp. Liệu xe Trung Quốc đội lốt những thương hiệu nổi tiếng của Nga có làm nên chuyện tại Việt Nam? Nếu phải chịu mức thuế nhập khẩu cao khoảng 50%, cộng thêm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng, cùng các loại phí thì giá xe Nga nhập khẩu vào Việt Nam không hề rẻ. Chẳng hạn một chiếc Lada Niva Legend có giá bán khoảng 10.000 USD tại Nga, về Việt Nam sau khi tính đủ thuế, phí sẽ có giá trên 500 triệu đồng, sẽ khó cạnh tranh.
Thương hiệu xe UAZ nổi tiếng của Nga vào năm 2017 đã từng quay lại thị trường Việt Nam, với các mẫu xe UAZ Hunter giá 460 triệu đồng, UAZ Pickup giá 566 triệu đồng và UAZ Patriot giá 686 triệu đồng. Khi đó đại diện của UAZ đã chia sẻ: chúng tôi rất háo hức đưa UAZ vào thị trường Việt Nam, một đất nước không quá xa lạ với thương hiệu xe Nga. UAZ đặt niềm tin lớn vào sự thành công của lần chính thức quay lại sau hàng chục năm vắng bóng. Tuy nhiên, kết cục đã thất bại thảm hại. Đến năm 2019, nhà phân phối UAZ tại Việt Nam là AutoK đã ngừng kinh doanh, đóng cửa showroom. Đến nay chẳng thấy những chiếc UAZ này chạy trên đường.
Ấn tượng sâu đậm về những chiếc xe UAZ, Volga, Lada từ thời Liên Xô, liệu có đủ động lực thúc giục người tiêu dùng Việt Nam “xuống tiền” mua chiếc xe Nga hiện tại?
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn