VTV.vn – Hai vợ chồng ở Hải Dương, nhập viện trong tình trạng sốt cao trên 39 độ C, toàn thân gai rét và có vết thương phù nề, sưng tấy và nhiễm trùng ở bàn tay.
Vợ chồng bệnh nhân N.T.P. (68 tuổi) và P.T.V. (61 tuổi) trong lúc cùng đuổi bắt 1 con chuột thì bị cắn vào ngón tay chảy máu. Bệnh nhân nghĩ đơn giản chỉ rửa tay xà phòng và nhỏ dầu gió vào vết thương. Sau đó 5 ngày, hai bệnh nhân cùng thấy có hiện tượng sốt cao, thậm chí có lúc nằm li bì, mê sảng, toàn thân gai rét, vết chuột cắn sưng tấy, đau nhức. Theo dõi 2 ngày ở nhà không thấy đỡ, bệnh nhân đi khám ở tuyến huyện, được tiêm phòng uốn ván và chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai.
Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, hai bệnh nhân được chẩn đoán bệnh là “Sốt do chuột cắn” (Sodoku). Sau hơn 1 tuần được điều trị tích cực với phác đồ kháng sinh hiệu quả, các dấu hiệu lâm sàng đã được cải thiện rõ rệt, hai bệnh nhân đã được ra viện.
PGS.TS Đỗ Duy Cường – Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới cho biết: Sốt do chuột cắn (Sodoku) là bệnh nhiễm trùng – nhiễm độc toàn thân do xoắn khuẩn mang tên Spirillum minus có trong hầu họng của các loài chuột, lây trực tiếp qua vết cắn của chuột. Thời kỳ ủ bệnh của bệnh từ 3 ngày đến 2 tuần. Các dấu hiệu của bệnh thường là sốt cao, ớn lạnh theo từng chu kỳ và tái phát, đau cơ, đau khớp, đau đầu, viêm họng, viêm hạch, nôn mửa, mệt mỏi, thậm chí mê sảng, hôn mê. Nếu nhiễm độc nặng và không điều trị kịp thời có thể dẫn tới các biến chứng như viêm màng não, viêm gan, viêm màng phổi, viêm cơ tim, viêm khớp, nặng hơn là nhiễm khuẩn huyết, viêm nội tâm mạc, thậm chí tử vong. Tại vết chuột cắn có thể có những tổn thương như sưng tấy, phù nề, nhiều khi xuất hiện phát ban, xuất huyết hoại tử và có hạch viêm phản ứng tại khu vực.
“Không biết từ bao giờ, các bệnh nhân và người nhà, thậm chí cả nhân viên y tế, sinh viên y khoa đều hiểu lầm khi bị chuột cắn thì nghĩ ngay đến bệnh dịch hạch (plague). Thực chất sốt do chuột cắn (Sodoku) và bệnh dịch hạch là hai bệnh khác nhau. Dịch hạch là bệnh nhiễm trùng nhiễm độc cấp tính, gây ra bởi trực khuẩn Yersinia pestis, lây truyền từ loài gặm nhấm (trong đó có chuột) sang người qua vật chủ trung gian là bọ chét đốt, hoặc bệnh lây từ người sang người qua đường hô hấp. Do đó chuột cũng là nạn nhân của bệnh dịch hạch” – PGS.TS Đỗ Duy Cường chia sẻ.
Cũng có nhiều lo ngại khi bị chuột cắn sẽ bị lây bệnh dại, tuy nhiên trên thực tế chưa có những ghi nhận về chuột lây truyền bệnh dại sang người. Về bệnh uốn ván là bệnh nhiễm trùng toàn thân do trực khuẩn Clostridium tetani gây ra, tỷ lệ lây sang chuột thấp, tuy nhiên vẫn cần đề phòng do chuột sinh sống trong môi trường ẩm thấp, vết cắn của chuột là nơi yếm khí có thể là điều kiện thuận lợi cho nha bào uốn ván phát triển.
Nhiễm trùng – nhiễm độc do chuột cắn không phải là bệnh thường gặp, tuy nhiên trên thực tế đã ghi nhận không ít trường hợp phải nhập viện và có nhiều biến chứng, diễn biến bệnh phức tạp, đe dọa đến tính mạng. Do vậy, PGS.TS Đỗ Duy Cường khuyến cáo người dân các biện pháp phòng chống:
Nhà cửa luôn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng để chuột không có nơi trú ngụ.
Diệt chuột và vệ sinh khử khuẩn, xử lý chất thải đúng cách. Không sử dụng nguồn nước và thực phẩm có khả năng nhiễm độc do chuột. Những người nuôi chuột cảnh cũng cần chú ý khi tiếp xúc với chuột và vệ sinh chuồng đúng quy cách.
Khi bị chuột cắn hoặc cào xước da cần vệ sinh vết thương bằng nước sạch và xà phòng trong 15 phút đầu, sau đó rửa vết thương bằng dung dịch sát trùng như cồn 90 độ, iodine, betadine… và đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời. Tại cơ sở y tế, người bệnh được đánh giá nguy cơ phơi nhiễm và có thể tiêm phòng vaccine uốn ván và sử dụng liệu pháp kháng sinh nhóm beta-lactam (uống hoặc tiêm) trong 5 đến 7 ngày. Người bệnh nếu thấy hiện tượng sốt cao, vết thương sưng tấy, nổi hạch… cần đi đến các cơ sở y tế thăm khám và điều trị kịp thời.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!