Đối mặt với tranh chấp thương mại, chỉ 1-2 lô hàng không được thanh toán, doanh nghiệp SME có thể rơi vào tình trạng khủng hoảng, thậm chí là phá sản.
Ông Phí Văn Lượng – Giám đốc điều hành công ty Đại Á Plastic:
Với quy mô nhỏ, tham gia thị trường xuất khẩu rộng lớn, doanh nghiệp mới thấy mình còn không ít hạn chế, thách thức. Trong đó, thách thức lớn là doanh nghiệp không chỉ cạnh tranh ở trong nước mà còn cạnh tranh cả với doanh nghiệp nước ngoài.
Hiện nay, Đại Á Plastic đã xuất khẩu đến 48 quốc gia. Các thị trường chính là Trung Quốc, Ấn Độ, Bắc Phi và đang dự kiến xúc tiến xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian tới.
Hơn 10 năm tham gia vào thị trường xuất khẩu, chúng tôi thấy một số vấn đề cản trở doanh nghiệp Việt Nam tiến ra nước ngoài, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME). Đặc biệt là tranh chấp thương mại ở các doanh nghiệp SME không có bộ phận pháp lý chuyên trách, dẫn đến không hiểu rõ về những vấn đề liên quan đến tranh chấp thương mại hay luật pháp ở các nước mà mình xuất khẩu. Đây là “nỗi đau” của doanh nghiệp SME.
Đại Á Plastic đang vấp phải tranh chấp thương mại kéo dài 2 năm tại thị trường Trung Quốc. Hiện nay tòa đã phán quyết, đối tác đang bị phong tỏa tài khoản để trả cho Đại Á. Tuy nhiên, tranh chấp thương mại tại Trung Quốc – thị trường pháp luật khá minh bạch nhưng ở các thị trường khác Ấn Độ, Paskistan, Bangladesh thì xảy ra tranh chấp thương mại thực sự khó khăn hơn.
Ngoài ra, là vấn đề liên quan đến văn hoá kinh doanh. Thấu hiểu văn hóa kinh doanh của từng vùng miền, từng quốc gia của doanh nghiệp SME cũng hạn chế.
Chẳng hạn, tại thị trường Ấn Độ là văn hóa kinh doanh của cá nhân. Thông thường một sale làm việc với một ông chủ nên chỉ có thông tin từ sale chứ không mang tính đại diện công ty với công ty.
Từ thực trạng trên, doanh nghiệp mong muốn các bộ ngành, các cơ quan có liên quan, nhất là các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có những định hướng, gợi ý cho từng thị trường để các doanh nghiệp SME thông qua đó có thể lường trước được những rủi ro về thương mại. Điều này rất quan trọng bởi chỉ cần 1-2 lô hàng không được thanh toán, doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể rơi vào tình trạng khủng hoảng, phá sản.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn