Monday, January 13, 2025

Hải Dương: Nhiều trẻ mắc cúm A nhập viện

VTV.vn – Những ngày gần đây, số trẻ nhập viện tại Bệnh viện Nhi Hải Dương do cúm A tăng cao, có những trường hợp bị biến chứng viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy cấp.

Bệnh nhi N.V.T. (12 tháng tuổi, trú tại huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) đến Bệnh viện Nhi Hải Dương khám với triệu chứng sốt cao, ho nhiều, quấy khóc. Các bác sĩ đã thực hiện test nhanh cho kết quả bệnh nhi mắc cúm A. Bệnh nhi cần phải nhập viện điều trị do tình trạng viêm phổi kèm nhiễm cúm, dẫn đến suy hô hấp.

Tương tự, chị L.H.H cũng đã đưa bệnh nhi H.T.N. (10 tuổi, trú tại thành phố Hải Dương) đến khám khi phát hiện cháu có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe. Chị L.H.H cho biết: “Trước khi khởi phát sốt cao, cháu bị nôn, kêu đau đầu, mệt mỏi nhiều, chán ăn. Gia đình cho cháu uống hạ sốt chỉ được một thời gian ngắn là sốt lại. Khi test và biết nguyên nhân gây bệnh cho cháu là virus cúm A, chị nhận định nguồn lây bệnh cho con có thể từ các bạn cùng lớp học, vì trước đó, trong lớp đã có một số bạn mắc bệnh phải nghỉ học”.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi Hải Dương, mỗi ngày bệnh viện có từ 200-250 trường hợp đến khám và điều trị, trong đó số trẻ bị nhiễm cúm A chiếm hơn 30%. Tại Khoa Truyền nhiễm (ngày 10/1) đang điều trị cho 45 trường hợp, mỗi ngày khoa tiếp nhận từ 10-15 ca nhiễm cúm A vào điều trị. Tỷ lệ trẻ nhập viện do cúm A từ đầu tháng 12 đến nay tăng gấp 3 lần so với những tháng trước đó. Trẻ nhập viện từ 10 tuổi trở xuống, trong đó phần lớn là trẻ dưới 5 tuổi.

ThS.BS Trần Thị Thanh Nhàn, Trưởng Khoa Truyền nhiễm cho biết: Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Bệnh xảy ra hàng năm, thường vào mùa Đông – Xuân. Bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi. Tại Việt Nam, các virus gây bệnh cúm mùa thường gặp là cúm A/H3N2, cúm B và A/H1N1. Bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già, trẻ em và phụ nữ có thai. Bệnh có thể gây các biến chứng viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng, làm nặng bệnh lý nền dẫn đến tử vong. Một số các biến chứng do virus cúm A có thể gây ra suy hô hấp, sốt cao co giật, viêm phổi, viêm não, viêm phế quản, viêm tai giữa…

Biến chứng nặng nhất của cúm A là suy hô hấp với các triệu chứng như thở gấp, khó thở… dẫn đến viêm phổi, cơ thể thiếu oxy dẫn đến tử vong. Do đó, cần cẩn trọng phòng bệnh cho trẻ nhỏ và lưu ý theo dõi sát trong quá trình chăm sóc trẻ khi mắc cúm để tránh biến chứng. Khi bệnh nhân có biểu hiện nặng, như thở khò khè, khó thở, co giật, bệnh nhân có biểu hiện sốt cao >39 độ C, khó hạ cũng cần cho trẻ đến cơ sở y tế, đặc biệt lưu ý không tự ý điều trị bằng kháng sinh hoặc thuốc kháng virus.

Cách tốt nhất để phòng ngừa cúm A là thực hiện tiêm vaccine cúm hàng năm. Mỗi mũi tiêm phòng cúm có thể chống lại 3-4 loại virus cúm khác nhau. Các đối tượng nguy cơ cao cần được tiêm vaccine cúm hàng năm vào trước mùa dịch, trước tiên là người cao tuổi và trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi, đặc biệt từ 6 tháng đến 2 tuổi.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Nguồn: vtv.vn

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img