Trước ý kiến cho rằng cần tăng mức xử phạt đối với hành vi xả rác bừa bãi, hát karaoke gây ồn ào tương tự các vi phạm giao thông, nghệ sĩ Quốc Thảo, nghệ sĩ Hạnh Thúy, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã đưa ra những góc nhìn, quan điểm riêng.
Chia sẻ với chúng tôi, nghệ sĩ Quốc Thảo cho biết ông rất bức xúc trước hành vi xả rác bừa bãi của một số người dân. Nam nghệ sĩ kể bản thân rất thích đi bộ trên vỉa hè nhưng đôi lúc không dám đi vì nhìn đâu cũng thấy rác, các bãi phóng uế. “Thật sự phải nói ý thức của một số người hiện nay rất kém. Tôi chứng kiến nhiều trường hợp, người ngồi trong chiếc ô tô sang trọng, hạ cửa xuống rồi vô tư vứt lon nước, ly nhựa, bao ni lông… xuống đường, rồi kéo cửa lên. Hay có người đang đi ngoài đường, họ ăn bánh mì xong rồi họ vứt luôn cái bao ni lông ngay tại chỗ. Những hàng quán buôn bán cũng vậy, họ rửa chén rồi đổ luôn nước bẩn ra ngay giữa đường… Những hành vi đó kém văn minh vô cùng”, ông bức xúc.
Theo nghệ sĩ Quốc Thảo, hành vi xả rác bừa bãi một phần do nhận thức của người dân còn kém, nhưng yếu tố khác là do cơ quan chức năng chưa xử phạt nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật. Nam nghệ sĩ bày tỏ quan điểm: “Khi đi một số nơi ở nước ngoài, tôi thấy hành vi vứt rác bừa bãi bị phạt rất nặng. Ví dụ ở Singapore, việc xả rác bừa bãi ở công cộng bị coi là hành động vi phạm pháp luật, bị phạt tiền rất cao. Nếu nước ta cũng xử phạt mạnh tay như vậy, tôi tin số người xả rác sẽ giảm rõ rệt. Rõ ràng người Việt Nam khi đi du lịch các nước cũng không dám xả rác vì sợ bị xử phạt. Nhưng về tới nước mình là lại ‘tiện đâu quăng đó’. Nếu cơ quan chức năng phạt nặng hành vi đó, tôi chắc chắn sẽ trích xuất camera để gửi những hình ảnh xả rác bừa bãi, làm xấu thành phố như thế. Tôi tin rằng khi mức phạt cao thì chắc chắn sẽ răn đe được. Điển hình là việc áp dụng tăng mức phạt vi phạm giao thông theo Nghị định 168, tôi thấy người dân không còn dám đi xe máy trên vỉa hè, không dám vượt đèn đỏ nữa”.
Về vấn đề hát karaoke gây ồn ào, nghệ sĩ Quốc Thảo cho rằng tình trạng ô nhiễm tiếng ồn từ việc hát hò karaoke bất kể giờ giấc của một số cá nhân thiếu ý thức không còn là chuyện hiếm, chuyện mới và luôn gây khó chịu, bức xúc cho nhiều người. Ông đánh giá đó là hành vi “tra tấn” người khác. “Nhiều người hát karaoke là kéo loa ra ngoài sân, mở loa hết cỡ, rồi hát thật to. Hầu hết những lần đó đều là tụ tập để nhậu nhẹt, rồi hát hò từ sáng đến tối không nghỉ. Ví dụ mình đi làm về mệt mỏi, gặp stress mà còn bị tra tấn bởi tiếng ồn như thế thì sao có thể chịu đựng nổi. Có người vì quá bức xúc, phải nhờ cơ quan chức năng ở địa phương tới giải quyết nhưng việc xử lý chưa tới nơi, tới chốn. Thậm chí, có trường hợp ức chế, không kiềm chế được sang tận nhà nói chuyện thì lại xảy ra xích mích, gây ra chuyện đáng tiếc. Tôi thấy chuyện dư luận bức xúc, phản ánh tình trạng này rất nhiều. Thế nhưng được một thời gian sau đó thì đâu lại vào đấy”, nghệ sĩ 6X bộc bạch.
Nghệ sĩ Quốc Thảo cho rằng cơ quan chức năng có quy định về mức xử phạt khi vi phạm quy định về bảo đảm yên tĩnh chung. Tuy nhiên, ông thấy rằng mức xử phạt vẫn chưa cao và các cơ quan chức năng địa phương dường như cũng chưa quyết liệt xử lý triệt để tình trạng vi phạm tiếng ồn.
Quốc Thảo nêu quan điểm: “Việc chấn chỉnh vấn nạn karaoke ‘tra tấn’ cần đến từ hai phía. Đầu tiên, người dân nên tự nâng cao ý thức, có thể hát karaoke nhưng trong phạm vi cho phép, hát trong nhà phải đóng kín cửa để giảm tiếng ồn và hát trong thời gian nhất định, tránh gây ảnh hưởng cho người xung quanh. Về phía cơ quan chức năng, tôi mong sẽ ban hành quy định rõ ràng, tăng thêm mức xử phạt cho hành vi này và quyết tâm xử lý triệt để. Ví dụ khi có người vi phạm, lần thứ nhất có thể nhắc nhở cảnh cáo, lần thứ hai phạt bao nhiêu tiền, đến lần thứ ba thì cấm vĩnh viễn, không bao giờ được hát nữa, nếu tái phạm thì xử lý hình sự luôn. Thật sự với tôi, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn cũng rất độc hại như là ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường”.
Về phần nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, anh cũng đồng tình với ý kiến phải có những quy định xử phạt nặng, nghiêm khắc và triệt để hơn đối với hành vi xả rác bừa bãi vì ý thức của phần lớn người dân vẫn chưa cao. Nam nhạc sĩ nêu quan điểm: “Muốn nâng cao ý thức của tất cả mọi người thì chúng ta cứ có chung một hàng rào trách nhiệm đó là tiêu chuẩn xử phạt… Nhà nước nên có những mức xử phạt khắt khe, mang tính răn đe hơn để nâng cao ý thức, biến nó trở thành một tiêu chuẩn chung”. Việc ban hành những quy định khắt khe hơn đối với các trường hợp vi phạm không chỉ nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, cải thiện chất lượng môi trường sống, mỹ quan đô thị mà còn làm thay đổi cách nhìn của du khách nước ngoài về diện mạo đường phố Việt Nam.
“Tôi nghĩ điều này nên quy về trách nhiệm xã hội luôn và sẽ xử phạt nghiêm với những hành vi vô trách nhiệm và vô ý thức. Như vậy mới nâng cao tiêu chuẩn, mặt bằng chung của ý thức chứ không thể trông chờ vào một bộ phận nhỏ như nhân viên vệ sinh hay những đội tình nguyện thu gom rác, làm sạch đường phố. Họ chỉ chiếm số lượng ít trong khi ngoài kia có hàng trăm ngàn người vẫn xả rác thì việc làm của họ bị phí công, vô ích”, Nguyễn Văn Chung bày tỏ.
Anh cũng nêu trường hợp hợp bạn trẻ tình nguyện dọn sạch các “điểm nóng” về rác thải nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó tình trạng xả rác, tồn đọng rác thải trở lại như cũ. “Dọn một lần mà sạch và mọi người có ý thức giữ gìn thì hoàn toàn xứng đáng, còn dọn xong vài hôm sau lại đâu vào đấy thì tôi cảm thấy tiếc cho công sức của mọi người”, nhạc sĩ nói thêm.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung bày tỏ rằng nếu xả rác bừa bãi là hành vi gây ô nhiễm môi trường thì việc hát karaoke làm ảnh hưởng đến người khác là hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn và cũng cần có những quy định xử phạt nghiêm khắc, chặt chẽ hơn. “Việc hát karaoke là quyền, sở thích của mỗi người nhưng họ cần ý thức về âm lượng, khung giờ, không hát quá ồn, không hát vào những khung giờ người khác cần nghỉ ngơi, làm việc, không hát quá khuya ảnh hưởng đến sinh hoạt của những người xung quanh. Ai cũng có nhu cầu ca hát nhưng cần chú ý hát sao không ảnh hưởng đến mọi người”, anh nêu ý kiến.
Nguyễn Văn Chung tiếp tục: “Tất nhiên cái gì mình cũng nên thay đổi cho triệt để thì mọi thứ mới thay đổi tích cực. Giống như vừa rồi thay đổi mức xử phạt đối với các trường hợp vi phạm giao thông, chỉ cần một nghị định ra tự nhiên hình ảnh thành phố khác hẳn liền, ngay ngắn, trật tự mỗi khi có đèn đỏ”. Anh cho rằng khi tất cả những hành vi này đều được đối chiếu trên các điều luật và xử lý nghiêm ngặt như xử lý các vi phạm giao thông hiện nay thì tự động mọi người sẽ nâng cao ý thức.
Trong khi đó, nghệ sĩ Hạnh Thúy cho rằng vấn đề xả rác bừa bãi hay hát karaoke gây ồn ào ở khu dân cư do vấn đề hành vi, ý thức kém của một số người. Nữ nghệ sĩ cho biết cả hai vấn đề này, pháp luật đều có những quy định cụ thể cũng như mức xử phạt vi phạm. Tuy nhiên, theo cô, việc xử phạt cho những hành vi này chưa được cơ quan chức năng thực hiện triệt để, nghiêm minh nên chưa ngăn chặn được. “Theo tôi, với hành vi xả rác bừa bãi hay hát karaoke gây ồn ào, vấn đề quan trọng nhất nằm ở ý thức của mỗi người. Nếu mọi người đều có ý thức tốt, nhắc nhở nhau thì người ta sẽ thay đổi được mà không cần phải đến mức bị xử phạt”, cô chia sẻ.
Nguồn: thanhnien.vn