Wednesday, January 15, 2025

Tận dụng nguồn lực tổng thể phát triển bền vững ngành da giày

Cần sớm có Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày để tận dụng nguồn lực tổng thể cho mục tiêu giảm phát thải, phát triển bền vững.

Bà Phan Thị Thanh Xuân – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày và túi xách Việt Nam (Lefaso) đã đề cập đến nội dung này khi trao đổi về những tác động của các quy định, tiêu chuẩn xanh theo xu hướng phát triển chung của toàn cầu và Việt Nam.

Tận dụng nguồn lực tổng thể phát triển bền vững ngành da giày

Bà Phan Thị Thanh Xuân – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Lefaso

Trong đó, tại châu Âu – thị trường trọng điểm lớn thứ 2 của ngành da giầy, Chỉ thị về thẩm định tính bền vững – một phần của Thỏa thuận Xanh của khối có nhiều quy định nghiêm ngặt về môi trường, lao động. Theo đánh giá của các chuyên gia, Chỉ thị về thẩm định tính bền vững đặt ra cho các ngành sản xuất truyền nhiều áp lực trong việc đáp ứng được các tiêu chí môi trường mới; trong đó có ngành da giầy.

Đánh giá về những tác động của các quy định, tiêu chuẩn xanh với các doanh nghiệp trong ngành, bà Phan Thị Thanh Xuân nhìn nhận, đây vừa là cơ hội vừa là thách thức.

Từ nhiều năm nay, thị trường EU ban hành nhiều quy định, chính sách mới đối với các loại hàng hoá xuất khẩu, trong đó có quy định, tiêu chí xanh. Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, ngành da giày tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng toàn cầu và đáp ứng khá tốt các yêu cầu của các nhãn hàng. Tuy nhiên, hiện nay các quy định, tiêu chí về môi trường, lao động đã được nâng lên thành luật với mức độ mở rộng.

“Nếu thực hiện tốt, Chỉ thị về thẩm định tính bền vững mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, các đơn hàng được dịch chuyển về nhiều hơn. Đồng thời làm cho chuỗi cung ứng trở nên minh bạch, đạo đức, có trách nhiệm và bền vững hơn. Đáp ứng yêu cầu của đối tác cũng giúp nâng cao năng lực nội tại của doanh nghiệp, nâng cao chất lượng sản xuất, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu một cách bền vững” – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Lefaso chia sẻ.

Bên cạnh cơ hội là những thách thức liên quan đến tăng chi phí tuân thủ tăng; đòi hỏi đổi mới đầu tư công nghệ, nhất là tiêu chí về môi trường. Đây là thách thức rất lớn với doanh nghiệp SME vốn có nội lực thiếu và yếu, cập nhật thông tin hạn chế.

Tận dụng nguồn lực tổng thể phát triển bền vững ngành da giày

Tận dụng nguồn lực tổng thể giúp doanh nghiệp da giầy đạt mục tiêu chung là giảm phát thải và đáp ứng chỉ tiêu phát triển bền vững, tăng trưởng bền vững

Trong thời gian qua, để hỗ trợ doanh nghiệp, Lefaso đã bám sát và cập nhật thông tin trong Thoả thuận xanh của EU để các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch chuẩn bị thực thi. Đồng thời, liên tục phối hợp với các cơ quan quản lý thúc đẩy tư vấn chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp triển khai hiệu quả; kết nối với các nhãn hàng lớn để có sự đồng hành trong quá trình thực thi.

Với đặc thù có số lượng doanh nghiệp SME nhiều, không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ nguồn lực để đáp ứng các tiêu chí phát triển bền vững, bà Phan Thị Thanh Xuân bày tỏ mong muốn cần có Kế hoạch hành động của ngành thực hiện Chiến lược phát triển đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2035 với sự tham gia của các bên để tận dụng nguồn lực tổng thể.

Đó là nguồn lực chính sách rất quan trọng của Nhà nước trong thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số – sự hỗ trợ cần thiết cho doanh nghiệp SME; kêu gọi sự hợp tác của các nhãn hàng trong chuỗi cung ứng để đạt mục tiêu chung là giảm phát thải và đáp ứng chỉ tiêu phát triển bền vững, tăng trưởng xuất khẩu bền vững.

Trong Chiến lược phát triển đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2035, dự kiến đến 2030 kim ngạch xuất khẩu của dệt may và da giày đạt 100 tỷ USD. Kết thúc năm 2024, hai ngành dệt may và da giầy đã đạt kim ngạch 70 tỷ USD.

 
 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img