Với quy định cho phép dạy thêm trong nhà trường nhưng không được thu tiền của học sinh, hầu hết ý kiến đều đánh giá đây là quy định lý tưởng để giảm tình trạng ép học sinh học thêm.
VẪN CÓ CÁCH CHI CHO GV
Bà Nguyễn Thị Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), cho biết nhà trường không gặp khó khăn gì với việc thực hiện thông tư này vì lâu nay nhà trường vẫn tổ chức dạy phụ đạo, bồi dưỡng HS giỏi, tổ chức ôn tập cho HS thi tốt nghiệp THPT… mà không thu bất cứ khoản tiền nào. Điều đó cũng không có nghĩa là GV dạy không công. Trước hết trách nhiệm của GV là dạy đủ số tiết quy định, nếu dạy thêm giờ thì sẽ được trích từ quỹ chi thường xuyên để trả theo quy định dạy thêm giờ. “Quan trọng là nhà trường phải căn cứ vào các văn bản hướng dẫn để xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ phù hợp, chi tiêu tiết kiệm để có kinh phí chi trả dạy thêm giờ cho GV thay vì thu của HS. Tuy nhiên, số tiết dạy thêm như vậy phải không quá nhiều”, bà Quỳnh nói.
Bà Quỳnh ủng hộ quy định mới về dạy thêm và cho rằng GV giỏi nếu muốn dạy thêm thì chắc chắn sẽ rất đông HS ở các nơi tìm đến học, không cần dạy thêm HS chính khóa.
Hiện nay, trong trường hợp GV được huy động tham gia hướng dẫn HS giỏi thì một tiết hướng dẫn, bồi dưỡng sẽ được tính bằng 1,5 tiết định mức. Căn cứ vào số tiết dạy bồi dưỡng thực tế để quy đổi sang định mức tiết dạy đúng theo quy định pháp luật. Tuy vậy, GV dạy phụ đạo HS yếu kém thì không được quy đổi sang định mức tiết dạy, coi như làm nghĩa vụ. Một số trường có nguồn thu thì hỗ trợ cho GV theo quy chế chi tiêu nội bộ.
NHIỀU TRƯỜNG HỢP PHẢI DỪNG HẲN
Trong khi đó, một GV dạy ngữ văn cấp THCS ở Bắc Giang chia sẻ, trường THCS chỉ dạy 1 buổi/ngày nên lâu nay, nhà trường vẫn tổ chức dạy các môn toán, ngữ văn, tiếng Anh cho HS vào buổi thứ 2 trong ngày, có thu tiền để phục vụ ôn thi vào lớp 10. Việc thu chi thực hiện theo thỏa thuận với phụ huynh và theo hướng dẫn của sở GD-ĐT. “Ví dụ, mỗi tuần tôi dạy thêm cho 4 lớp, mỗi lớp 3 tiết, tổng cộng dạy tối đa 12 tiết/tuần, thu nhập từ nguồn dạy thêm tại trường khoảng 7 – 8 triệu đồng/tháng. Do vậy từ ngày 14.2 khi quy định mới về dạy thêm có hiệu lực thì các lớp dạy thêm cũng sẽ dừng lại và GV sẽ mất một nguồn thu đáng kể”, GV này ngậm ngùi nói.
Một GV chia sẻ dù quy định cho phép dạy thêm ở trường nhưng không cho thu tiền HS thì hầu hết GV sẽ không dạy thêm nữa. Lý do vì thu nhập từ lương của GV còn thấp, nếu có thời gian trống GV sẽ dành để làm việc khác hoặc dạy thêm ở trung tâm ngoài nhà trường. “Quy định của Bộ là lý tưởng nhưng GV cũng phải có tiền để trang trải cuộc sống hoặc nếu không có nhu cầu kiếm tiền thì cũng cần nghỉ ngơi tái tạo sức lao động, không thể bắt GV dạy “không công” mãi được”, GV trên nêu thực tế.
Hiện nhiều trường trung học ở Hà Nội cũng đang tổ chức dạy buổi 2 có thu tiền của HS, trường tiểu học thì dạy thêm dưới danh nghĩa “bồi dưỡng kiến thức” hoặc tăng cường… Có trường THCS cho trung tâm bồi dưỡng kiến thức vào dạy thêm cho HS của mình nhưng thực chất đây chỉ là hình thức “lách luật” vì tiếng là trung tâm nào đó đứng ra tổ chức dạy thêm, thỏa thuận và thu tiền của HS nhưng GV đứng lớp vẫn là đội ngũ GV chính khóa của trường. Tất cả các trường hợp này sau khi quy định mới về dạy thêm có hiệu lực sẽ không được phép tổ chức có thu tiền của HS nữa.
CƠ HỘI ĐỂ DẠY THÊM TRỞ VỀ ĐÚNG NGHĨA TỰ NGUYỆN
TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục VN, Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), cho rằng việc Bộ GD-ĐT quy định 3 đối tượng được dạy thêm trong nhà trường nhưng không được thu tiền HS mang ý nghĩa nhân văn, khoa học. Quy định sẽ giúp định hướng cho các nhà trường, GV trong việc dạy và học làm sao đảm bảo chất lượng theo yêu cầu mà không cần “đẻ” ra những giờ học thêm, thu phí; giúp HS có thêm thời gian vui chơi, nghỉ ngơi.
PGS Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học giáo dục VN, ủng hộ quy định của Bộ GD-ĐT và chia sẻ GV, các nhà trường hãy “dám thay đổi để dạy thêm chuyên nghiệp hơn”. GV cần dám từ bỏ thói quen “hộp kín”, tự làm, tự hưởng, dám thay đổi thì GV sẽ được tự tin, tự hào khi thực hiện một dịch vụ đặc biệt dành cho con người.
Bà Thơ cũng cho biết từ sau khi Bộ GD-ĐT công bố thông tư, bà nhận được nhiều tâm tư của GV về việc “giờ trường học không được tổ chức dạy thêm, thì dạy thêm ở đâu? Khác với thành phố lớn, ở nhiều địa phương, gần như không có trung tâm dạy thêm. Bằng kinh nghiệm của mình, bà Thơ cho rằng GV muốn dạy thêm HS không phải HS mình dạy chính khóa thì cần có đề án, gồm những nội dung chính như: chương trình giáo dục, thể hiện rõ mục tiêu, đối tượng, kế hoạch nội dung, phương pháp, đánh giá, nhân sự thực hiện; cơ sở vật chất, phương tiện đáp ứng chương trình giáo dục… Khi thực hiện thì cần tuân thủ đề án ấy, nếu không sẽ bị rút giấy phép…
Về quy định GV dạy thêm phải đăng ký kinh doanh, bà Thơ cho rằng nhiều người ấm ức cho rằng tại sao họ dạy tốt, HS khắp nơi đua nhau xin học thế mà phải “xin phép”; dạy thêm chân chính, phải lao động (gần như là chủ chốt toàn phần, vì lớp học thêm, ngoài người dạy ra, chẳng cần ai nữa), thế mà lại phải chi trả phần trăm cho trung tâm…
Tuy nhiên, bà Thơ cho rằng nếu liên hệ với các ngành nghề khác thì cũng tương tự. “Ca sĩ hát hay như thế, nhiều người hâm mộ, hát bài hát cũng là công sức toàn phần, sao cần đến công ty, ông bầu xin phép biểu diễn; bác sĩ đã học hành vất cả thế, uy tín thế, thế mà khám bệnh cũng phải xin phép, lâu lâu phải thi sát hạch tay nghề”, bà Thơ nhận xét. (còn tiếp)
Cần thêm “liều thuốc” giải quyết triệt để
TS Nguyễn Tùng Lâm khẳng định các quy định trong thông tư mới chưa phải là “liều thuốc” duy nhất để giải quyết triệt để vấn đề dạy thêm hiện nay. Nguyên nhân là do nền giáo dục của chúng ta lâu nay chưa hướng tới thực chất nhằm phát triển phẩm chất, năng lực, khả năng sáng tạo cho từng HS mà vẫn nặng nề về thi cử, điểm số.
Hiện nay, dù đã thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được một chặng đường với yêu cầu mới là giảm nhẹ truyền thụ kiến thức một chiều, thay đổi phương pháp để hình thành, phát triển năng lực HS nhưng thực tế các nhà trường, phụ huynh, HS vẫn chạy đua với điểm số, thi cử, các loại bằng cấp, chứng chỉ…
Ngoài ra, hiện vẫn tồn tại các loại hình trường học khác nhau, chất lượng các nhà trường không đồng đều, cơ sở vật chất nơi rộng rãi, nơi nhỏ hẹp, nơi được đầu tư, nơi còn hạn chế… do đó, phụ huynh luôn có nhu cầu chọn trường tốt cho con. Bài toán đặt ra là Bộ GD-ĐT cùng các tỉnh, thành phố cần có phương án để đảm bảo chất lượng giáo dục các trường học đồng đều, trong đó có cả điều kiện cơ sở vật chất. Các trường học được tự chủ, được quyền tuyển GV, tự chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục, khi đó họ phải sáng tạo, hướng đến giáo dục hội nhập. Ngược lại, vẫn tồn tại trường top, trường chất lượng cao và GV vẫn ra đề kiểm tra, đánh giá mang tính chất đánh đố, mẹo mực thì sẽ vẫn còn tình trạng học thêm.
“Hướng tới nền giáo dục không cần dạy thêm, học thêm là đúng nhưng tôi cho rằng việc này chỉ thực hiện được khi giải quyết tận gốc rễ vấn đề thi cử; đảm bảo chất lượng giáo dục ở mức độ đồng đều ở các nhà trường, lương GV phải đủ trang trải cuộc sống…”, TS Nguyễn Tùng Lâm nói.
Nguồn: thanhnien.vn