VTV.vn – Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á TP Hồ Chí Minh tiếp nhận liên tiếp 2 trường hợp đột quỵ khi thức giấc trong cùng một buổi sáng.
Trường hợp đầu tiên là bệnh nhân N.V.Đ. (nam, 61 tuổi, trú tại Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) được đưa đến cấp cứu vào lúc 3h sáng và trường hợp khác là bệnh nhân P.T.N. (nữ, 61 tuổi, trú tại Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) nhập viện cấp cứu vào lúc 6h sáng.
Qua khai thác bệnh sử, các bác sĩ ghi nhận cả hai trường hợp bệnh nhân đều hoàn toàn bình thường trước khi đi ngủ và khi thức giấc lúc gần sáng thì phát hiện liệt nửa người, méo miệng, nói khó.
Rất may mắn là cả hai bệnh nhân đều có những kiến thức nhận biết về dấu hiệu đột quỵ nên đã báo ngay cho người nhà và nhanh chóng được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á để cấp cứu.
Sau khi thăm khám, các bác sĩ Đơn vị Đột quỵ xác nhận tình trạng bệnh nhân và lập tức cho thực hiện chụp MRI não.
Từ kết quả chụp MRI của 2 bệnh nhân, cho thấy có sự bất tương xứng (có Mismatch) giữa xung DWI và FLAIR. Do đó, sau khi hội chẩn, bệnh nhân vẫn có chỉ định điều trị bằng thuốc tiêu huyết khối (rTPA) nhằm tái thông lại mạch máu đang tắc nghẽn.
Ngay sau khi bơm thuốc tiêu sợi huyết, ghi nhận sức cơ của hai bệnh nhân đã cải thiện rõ rệt. Từ kết quả chụp CT mạch máu được thực hiện ngay sau bơm thuốc tiêu sợi huyết cho thấy cục huyết khối đã tiêu, tuy nhiên vẫn có sự hẹp của một động mạch lớn nội sọ ở cả 2 trường hợp.
Vì vậy, bệnh nhân được đưa về Đơn vị Đột quỵ để tiếp tục theo dõi và điều trị phục hồi chức năng. Sau 48 giờ, sức cơ của cả 2 bệnh nhân đã phục hồi gần như hoàn toàn và được xuất viện sau vài ngày điều trị, đồng thời tái khám định kỳ để phòng ngừa đột quỵ tái phát.
Đột quỵ khi thức giấc là tình trạng người bệnh có những dấu hiệu của đột quỵ khi vừa thức giấc vào buổi sáng. Khi đó thời điểm đột quỵ xảy ra không thể xác định, vì vậy gây khó khăn cho vấn đề chẩn đoán và điều trị.
Từ hai trường hợp nêu trên, có thể nhận định đột quỵ thức giấc vẫn có thể được điều trị thành công. Tuy nhiên, thời gian chính là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành công ấy, do đó bệnh nhân phải tới được bệnh viện có đơn vị đột quỵ sớm nhất có thể, trước 4h30 kể từ khi khởi phát triệu chứng đột quỵ, đặc biệt với các trường hợp tắc/ hẹp động mạch thân nền.
Điều đáng tiếc, vẫn có rất nhiều bệnh nhân phát hiện triệu chứng nghi ngờ đột quỵ khi thức giấc giữa đêm nhưng họ lại đi ngủ tiếp tới sáng hôm sau mới tới bệnh viện, điều này làm chậm trễ thời gian điều trị và không thể sử dụng thuốc tiêu huyết khối.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!