Thursday, January 16, 2025

Quảng Nam: Nhiều chủ dự án thủy điện xin mở rộng nhà máy, tăng cuông suất

Nhiều chủ dự án thủy điện xin đề xuất với tỉnh Quảng Nam về việc mở rộng nhà máy, tăng công suất để tận dụng lưu lượng nước xả thừa.

Mới đây, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam vừa có công văn chuyển đến Sở Công thương xem xét, giải quyết đề nghị của 2 chủ đầu tư dự án thủy điện trên địa bàn. Cụ thể, Công ty cổ phần FDEVN và Công ty cổ phần xây dựng 699 đều có văn bản gửi đến tỉnh Quảng Nam để xin mở rộng nhà máy, tăng công suất dự án thủy điện.

Trong đó, Công ty cổ phần xây dựng 699 muốn cập nhật thông tin, số liệu phục vụ tính toán, hoàn thiện đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VIII đối với nhà máy thủy điện Tà Linh 3, huyện Nam Trà My. Theo phía doanh nghiệp, nhà máy thủy điện Trà Linh 3 có công suất lắp máy 7,2MW được vận hành vào năm 2010.

Quảng Nam: Nhiều chủ dự án thủy điện xin mở rộng nhà máy, tăng cuông suất

Nhiều chủ đầu tư dự án thủy điện tại Quảng Nam muốn được mở rộng nhà máy, nâng công suất khai thác.

Trong thời gian vận hành từ năm 2010 đến nay, lưu lượng nước về hồ ngoài việc vận hành để nhà máy phát điện với công suất thiết kế là 7,2MW, còn lại phải xả thừa qua đập tràn và xả thừa đầu kênh là khá lớn.

Ông Hoàng Ngọc Khu – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xây dựng 699 thông tin để tận dụng tối đa nguồn nước, phát huy hiệu quả công trình, phía doanh nghiệp đã đã phối hợp với đơn vị tư vấn tổ chức khảo sát địa hình, địa chất và bổ sung số liệu thủy văn. Từ đây, doanh nghiệp nhận thấy có thể mở rộng nhà máy Trà Linh 3 thêm 1 tổ máy 8MW nằm bên trái nhà máy hiện hữu 7,2MW các hạng mục công trình nâng cấp và mở rộng đều nằm trong phạm vi diện tích đất của nhà máy Trà Linh 3.

“Tổng công suất, sau mở rộng là 15,2MW. Công ty cổ phần xây dựng 699 kính trình UBND tỉnh Quảng Nam, Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam xem xét tổng hợp cập nhật thông tin, thông số nhà máy Trà Linh 3 mở rộng phục vụ tính toán, hoàn thiện đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VIII để có cơ sở thực hiện các bước tiếp theo”, vị đại diện doanh nghiệp kiến nghị.

Tương tự, Công ty cổ phần FDEVN cho hay nhà máy thủy điện Đăk Sa (huyện Phước Sơn) có công suất 1,96 MW được đưa vào vận hành năm 2016, hàng năm cung cấp cho lưới điện khu vực khoảng 8,445 triệu kWh. Tại văn bản, phía doanh nghiệp cho rằng trong quá trình vận hành thực tế cho thấy đối với các dự án thủy điện có dung tích hồ bé (điều tiết ngày) như thủy điện Đăk Sa vào mùa mưa lượng nước nhiều nên mặc dù đã phát hết công suất lắp máy nhưng vẫn phải xả thừa tương đối lớn, do đó chưa khai thác – sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước trên lưu vực.

Ông Nguyễn Sơn Tùng – Công ty cổ phần FDEVN thông tin doanh nghiệp cũng đã thuê đơn vị tư vấn chuyên ngành nghiên cứu, khảo sát, lập phương án mở rộng, nâng công suất nhà máy thủy điện Đăk Sa nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước trên lưu vực và tăng điện năng cung cấp lên lưới điện. Sau khi khảo sát, phương án mở rộng nhà máy sẽ giữ nguyên vị trí tuyến đập, nâng cao mực nước dâng bình thường lên 3m bằng cửa van phẳng. Đồng thời, tăng tiết diện kênh và bể áp lực bằng biện pháp tăng chiều cao thành kênh, thành bể áp lực, giữ nguyên đường ống áp lực hiện hữu, đoạn cuối lắp thêm 01 đường ống nhánh dẫn nước vào nhà máy mới.

Quảng Nam: Nhiều chủ dự án thủy điện xin mở rộng nhà máy, tăng cuông suất

Huyện Nam Trà My là một trong những địa phương có nhiều dự án thủy điện nhất.

Song song với đó là mở rộng nhà máy hiện hữu về bên phải lắp thêm 01 tổ máy có công suất 2,04MW. Theo đó, phương án đấu nối là mở rộng TBA hiện hữu, lắp thêm 01 MBA 6,3/22kV- 2,5MVA, đầu nối lưới điện bằng đường dây 22kV hiện hữu. Diện tích chiếm dụng đất khoảng 0,68ha làm đường vào nhà máy.

“Với phương án mở rộng nhà máy thủy điện Đăk Sa như nêu trên sẽ nâng công suất nhà máy từ 1,96MW lên 4,00 MW (tăng 204%), điện lượng tăng từ 8,445 triệu kWh”, phía doanh nghiệp đề xuất.

Từ đây, Công ty Cổ phần FDEVN trình UBND tỉnh Quảng Nam xem xét và kiến nghị cấp thẩm quyền chấp thuận phương án mở rộng nhà máy thủy điện Đăk Sa từ 1,96MW lên 4MW để doanh nghiệp có cơ sở triển khai các thủ tục tiếp theo.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 40 dự án thủy điện nằm trong quy hoạch, với tổng công suất thiết kế hơn 1.775 MW, điện lượng trung bình năm theo thiết kế khoảng 6.183 triệu kWh. Trong đó, có 10 dự án thủy điện bậc thang do Bộ Công thương lập, thẩm định, phê duyệt và 30 dự án thủy điện vừa và nhỏ do địa phương phê duyệt.

Về phát triển thủy điện trên địa bàn, trước đó, tỉnh Quảng Nam đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị phê duyệt cập nhật, bổ sung 11 dự án thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam với tổng công suất 202,1MW vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.

Tại công văn do ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ký thông tin các chủ đầu tư đã thực hiện việc nộp tiền ký quỹ đảm bảo thực hiện đầu tư dự án sau khi được cấp chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư. Đồng thời, các dự án đều đã có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương, đã được cập nhật để đưa ra khỏi quy hoạch lâm nghiệp, quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn, đáp ứng 09 tiêu chí của Bộ Công thương.

Cùng với đó, công suất 11 dự án thủy điện nhỏ tỉnh Quảng Nam là rất nhỏ so với công suất hệ thống điện quốc gia, rất nhỏ so với công suất các nguồn điện gió, điện mặt trời. Việc bổ sung 11 dự án thủy điện nhỏ tỉnh Quảng Nam vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII vẫn không làm vượt công suất thủy điện nhỏ đã được quy hoạch trong Quy hoạch điện VIII.

“Nếu bất kỳ dự án nào không được vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII để tiếp tục thực hiện thì sẽ xảy ra các hệ lụy rất lớn… Các dự án sẽ chậm tiến độ so với tiến độ tại các quyết định chủ trương đầu tư đã được cấp, khi đó dự án sẽ bị phạt, xử lý tiền ký quỹ, thậm chí không thể gia hạn, bị chấm dứt chủ trương đầu tư; các dự án đã được cập nhật, bổ sung vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; nếu trong một khoảng thời gian nhất định mà không triển khai thực hiện sẽ đưa ra khỏi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phải lập và trình phê duyệt lại hồ sơ Báo cáo đánh giá tác động môi trương;

Tác động, ảnh hưởng rất lớn đến việc cấp vốn, giải ngân vốn của các tổ chức tín dụng, trong khi nhà đầu tư đã bỏ ra chi phí rất lớn; vấn đề tài chính của các chủ đầu tư, dẫn đến khiếu kiện, khiếu nại”, công văn do ông Bửu ký thể hiện.

 
 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img