Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cam kết sẽ định hình lại chính sách của Mỹ bằng một loạt sắc lệnh hành pháp ngay sau khi nhậm chức vào ngày 20/1 tới.
Tổng thống đắc cử Donald Trump đang chuẩn bị hơn 100 sắc lệnh hành pháp và dự kiến bắt đầu thực thi từ ngày đầu tiên ông chính thức trở lại Nhà Trắng.
Chính quyền mới của ông Trump cũng sẽ hủy bỏ nhiều chính sách của Tổng thống Joe Biden. Nhiều trong số các sắc lệnh hành pháp sẽ được ký ngay trong ngày 20/01 – thời điểm ông Trump tuyên thệ nhậm chức.
Cố vấn cấp cao của Tổng thống đắc cử, ông Stephen Miller đã nói với các Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa rằng các biện pháp về an ninh biên giới và di cư sẽ được áp dụng sớm nhất.
Ông Trump dự kiến cũng sẽ ký các sắc lệnh về phát triển năng lượng, chính sách lao động, các quy định về trường học và vaccine, cùng với những cam kết mà ông đã hứa trong chiến dịch tranh cử của mình.
Sắc lệnh hành pháp không cần Quốc hội thông qua. Các tổng thống mới ký sắc lệnh hành pháp trong ngày đầu tiên nhậm chức là điều phổ biến. Tuy nhiên, quy mô sắc lệnh mà ông Trump dự định ký khi bắt đầu nhiệm kỳ mới được đánh giá là chưa từng có từ trước đến nay.
Vậy sắc lệnh hành pháp là gì và tổng thống Mỹ có thể hoặc không thể làm gì thông qua các sắc lệnh hành pháp?
Sắc lệnh hành pháp là gì?
Sắc lệnh hành pháp là một sắc lệnh được tổng thống ban hành đơn phương và có hiệu lực như một đạo luật.
Các sắc lệnh hành pháp đáng chú ý mà ông Trump đã ban hành trong nhiệm kỳ đầu tiên bao gồm sắc lệnh cấm người Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ và một sắc lệnh mở rộng việc cho thuê các vùng biển ngoài khơi để thăm dò dầu mỏ.
Ông Trump đã ban hành 220 sắc lệnh hành pháp trong nhiệm kỳ đầu tiên, nhiều hơn bất kỳ tổng thống nào trong một nhiệm kỳ 4 năm kể từ thời Tổng thống Jimmy Carter.
Tổng thống Joe Biden đã ban hành 155 lệnh hành pháp trong 2 ngày đầu kể từ khi nhậm chức.
Sắc lệnh hành pháp sẽ có hiệu lực từ khi nào?
Một khi tổng thống ký sắc lệnh hành pháp, nó có thể có hiệu lực ngay lập tức hoặc có thể mất vài tháng, tùy thuộc vào việc sắc lệnh đó có yêu cầu hành động chính thức từ các cơ quan liên bang hay không.
Ví dụ, sắc lệnh của ông Trump về cấm người Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ đã có hiệu lực ngay lập tức, vì nó viện dẫn một đạo luật liên bang năm 1952 cho phép tổng thống có quyền cấm người nước ngoài đến Mỹ nếu ông cho rằng điều đó có thể bất lợi cho nước Mỹ.
Các sắc lệnh hành pháp khác đòi hỏi quy trình thủ tục của các cơ quan liên bang. Ví dụ, Tổng thống Biden đã yêu cầu các cơ quan y tế thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền phá thai sau khi Tòa án Tối cao Mỹ cho phép các bang cấm phá thai. Sắc lệnh này không có hiệu lực ngay lập tức, nhưng các cơ quan liên bang đã ban hành các quy định mới trong vài tháng sau quy trình xây dựng quy tắc thông thường.
Quyền lực để ban hành sắc lệnh hành pháp đến từ đâu?
Mặc dù phạm vi quyền lực của tổng thống trong việc ban hành sắc lệnh hành pháp gây nhiều tranh cãi, nhưng các chuyên gia pháp lý đều đồng ý rằng quyền lực này có thể đến từ Điều II của Hiến pháp Mỹ, trong đó nói rằng tổng thống trở là chỉ huy tối cao của quân đội và là người đứng đầu nhánh hành pháp của chính phủ; hoặc từ quyền lực mà Quốc hội trao cho tổng thống.
Các đạo luật do Quốc hội ban hành thường ủy quyền cho các cơ quan liên bang thực hiện quyền xây dựng quy tắc, và các cơ quan này cuối cùng vẫn phải báo cáo lên tổng thống.
Nhiều sắc lệnh hành pháp yêu cầu các cơ quan liên bang ban hành các quy tắc để thực hiện các mục tiêu nhất định, thực chất điều đó chỉ giống như thông báo về các chính sách của tổng thống.
Những hạn chế đối với tổng thống
Tổng thống không thể tạo ra luật mới ngoài những quyền hạn đã được Hiến pháp hoặc Quốc hội trao cho ông chỉ bằng cách ban hành sắc lệnh hành pháp.
Nếu một sắc lệnh hành pháp yêu cầu các cơ quan liên bang xây dựng quy trình thủ tục, bất kỳ quy tắc nào do các cơ quan đó ban hành đều phải tuân theo Đạo luật Thủ tục Hành chính liên bang, trong đó cấm các quy tắc “tuỳ tiện và bất hợp lý”.
Các quy tắc của các cơ quan liên bang cũng không được vi phạm các quyền hiến định cơ bản, chẳng hạn như quyền được xử lý công bằng và quyền được bảo vệ bình đẳng trước pháp luật, hoặc các đạo luật đã được Quốc hội thông qua.
Sắc lệnh hành pháp có thể bị tòa án chặn không?
Câu trả lời là có. Các sắc lệnh hành pháp có thể bị tòa án chặn vì vượt quá quyền hạn của tổng thống.
Năm 2017, một thẩm phán đã chặn sắc lệnh của ông Trump yêu cầu cắt giảm ngân sách liên bang đối với các thành phố không hợp tác với chính sách nhập cư của ông. Thẩm phán cho rằng tổng thống không thể áp đặt các điều kiện mới về chi tiêu liên bang đã được Quốc hội phê duyệt.
Năm 2023, một tòa án phúc thẩm liên bang đã chặn sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Biden trong đó yêu cầu công chức liên bang tiêm vaccine ngừa Covid-19. Tòa án cho rằng lệnh này đã vượt quá quyền hạn của tổng thống do can thiệp vào quyết định y tế cá nhân.
Mặt khác, các tòa án thường xuyên ủng hộ quyền lực sắc lệnh hành pháp của tổng thống, như năm 2018, Tòa án Tối cao đồng tình với sắc lệnh của ông Trump cấm người Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ.
Nguồn: vov.vn