Monday, January 20, 2025

Thích ứng với xu hướng phát triển mới: Khơi dòng đổi mới sáng tạo

Những chuyển động của kinh tế thế giới đòi hỏi Việt Nam trong 2025 phải tiếp tục thích ứng để khai thác tối đa từ hội nhập quốc tế, ứng phó hiệu quả với các rủi ro.

Kinh tế Việt Nam đã có sự tăng trưởng tốt. Việc chúng ta giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo được các cân đối lớn của nền kinh tế như thu chi ngân sách, nợ công, lạm phát… tạo không gian để thực thi các chính sách tài khoá hỗ trợ sự phục hồi của doanh nghiệp.

Thích ứng với xu hướng phát triển mới: Khơi dòng đổi mới sáng tạo

Từ thực tiễn phát triển kinh tế gắn với toàn cầu hoá thời gian qua, chúng ta đang trong giai đoạn hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, đòi hỏi một môi trường kinh doanh năng động, sáng tạo và cạnh tranh.

Đột phá cải cách thể chế

Sự phát triển của công nghệ số và kinh tế số đặt ra những yêu cầu mới về quản lý, đòi hỏi các quy định pháp luật phải linh hoạt và kịp thời. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh khẳng định vị thế trong nước cũng như tham gia sâu hơn chuỗi giá trị toàn cầu, rất cần một môi trường pháp lý ổn định, minh bạch và thuận lợi để phát triển.

Sự thay đổi tư duy xây dựng và hoàn thiện thể chế cũng đã bước đầu nhấn mạnh sự cần thiết phải chuyển đổi từ một tư duy quản lý cứng nhắc, tập trung vào kiểm soát, sang một tư duy hướng tới tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển, đổi mới và sáng tạo.

Để xây dựng các chính sách và thể chế nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thì cần tạo ra một môi trường pháp lý khuyến khích các ý tưởng mới, các mô hình kinh doanh mới, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế dựa trên các mô hình tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh qua đó giúp các doanh nghiệp Việt Nam thích ứng nhanh chóng với những thay đổi của thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Bên cạnh đó, nó cũng sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh tự do hơn, giảm chi phí và rủi ro từ đó tạo hấp dẫn đầu tư, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước có niềm tin vào tương lai của nền kinh tế đất nước.

Nâng cao năng lực cạnh tranh

Với tư duy cải cách thể chế mới, nhà nước cũng sẽ không cần làm thay, không cần quản lý quá chi tiết như hiện nay, mà để cho xã hội tự chủ, doanh nghiệp chủ động giải quyết những vấn đề của mình mà không đòi hỏi, không yêu cầu Nhà nước phải can thiệp, phải hỗ trợ, phải giúp đỡ. Khi xã hội càng tự chủ thì Nhà nước càng bớt gánh nặng và bớt sự can thiệp của mình vào xã hội thì từ đó nền kinh tế thị trường sẽ càng tự do, xã hội sẽ phát triển sáng tạo và bền vững hơn.

Trong bối cảnh kinh tế mặc dù đã có phục hồi tích cực nhưng tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2024 vẫn chậm hơn so với các năm trước. Tỷ lệ doanh nghiệp gia nhập thị trường so với doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn chưa thực sự cao, quy mô vốn và lao động trung bình trong doanh nghiệp đều thấp hơn so với các năm trước. Chúng ta vẫn cần tiếp tục thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo cải cách và tinh gọn thể chế, bộ máy nhà nước theo hướng xây dựng một hệ thống thể chế và quản lý nhà nước hiện đại, minh bạch, dễ hiểu và dễ thực thi.

Các nhà hoạch định chính sách và quản lý cũng cần có tư duy mở, sẵn sàng tiếp thu những ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, doanh nghiệp và người dân, rà soát toàn diện các quy định pháp luật hiện hành, loại bỏ những quy định chồng chéo, lạc hậu, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đối với những vấn đề mới nổi của cuộc sống, cần thiết phải đưa ra chính sách rõ ràng và ban hành văn bản pháp luật.

Trong những năm tới, Chính phủ cũng cần tăng cường việc tham vấn ý kiến của các bên liên quan trong quá trình xây dựng và sửa đổi pháp luật, áp dụng công nghệ thông tin để đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img