Cụm linh vật rắn thần Naga 5 đầu cùng tháp Dương Long ở TP.Quy Nhơn (Bình Định) mang đậm nét văn hóa đặc trưng của người Bình Định, xen lẫn chút huyền bí hấp dẫn du khách.
Chiều 21.1, tại quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP.Quy Nhơn, Bình Định), Sở VH-TT tỉnh Bình Định tổ chức lễ khánh thành cụm linh vật Ất Tỵ năm 2025. Cụm linh vật năm nay được du khách đánh giá rất huyền bí và mang đậm văn hóa con người Bình Định.
Theo lãnh đạo Sở VH-TT tỉnh Bình Định, cụm linh vật năm Ất Tỵ 2025 tại quảng trường Nguyễn Tất Thành lấy ý tưởng từ tượng rắn thần Naga 5 đầu tại di tích quốc gia đặc biệt Tháp Chăm Dương Long (H.Tây Sơn, Bình Định). Trong tiếng Phạn, Naga có nghĩa là rắn hổ mang lớn. Rắn Naga là con vật thần thoại và thường được thể hiện là con rắn có nhiều cái đầu (thường là 5, 7 hoặc 9 đầu). Với hình thể độc đáo, rắn Naga có cái mang phình ra rất to, che phủ nhiều cái đầu.
Theo quan niệm người xưa, rắn Naga là linh hồn của thiên nhiên, bảo vệ các nguồn nước như sông, suối, mạch ngầm, giúp mùa màng tốt tươi. Do vậy, rắn thần Naga là biểu tượng cho sự thịnh vượng, ấm no và hạnh phúc.
Cụm biểu tượng linh vật mặt sau hướng ra biển, tạo hình cách điệu hiện đại theo xu hướng chuyển đổi số và công nghệ của tương lai; phía sau cụm linh vật tạo hình đôi bàn tay nắm chặt tượng trưng cho sự đoàn kết, quyết tâm của Bình Định bắt kịp xu thế của công nghệ 4.0.
Khu vực 2 bên cụm linh vật chính được bố trí 2 cụm biểu tượng mang bản sắc văn hóa của Bình Định, gồm: cụm các nhân vật cách điệu với dáng biểu diễn trống trận Tây Sơn và cụm các nhân vật biểu diễn tuồng với phong cách vui tươi