Nhân lực là yếu tố mấu chốt làm nên chất lượng nền khoa học – công nghệ. Bên cạnh thu hút nhân tài, cần có chính sách đào tạo nguồn nhân lực cao ngay trong nước.
Khi nói về chương trình CNTT Việt – Nhật (HEDSPI), Đại học Bách khoa Hà Nội giới thiệu đây là chương trình mà “sinh viên ra trường có mức lương trung bình cao nhất trong các ngành đào tạo liên quan đến CNTT của Đại học Bách khoa Hà Nội”.
Theo PGS Tạ Hải Tùng, Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin truyền thông, cách đây 18 năm, khi mở chương trình HEDSPI để đào tạo nhân lực CNTT định hướng làm việc tại Nhật Bản, đã có nhiều nghi ngại rằng một chương trình đào tạo tại Việt Nam liệu có đáp ứng được yêu cầu của một thị trường khó tính như Nhật Bản ? Thực tế đã cho thấy HEDSPI là một trong những chương trình đào tạo thành công nhất về CNTT ở Việt Nam. Dù học hoàn toàn tại Việt Nam, với mức học phí Việt Nam, phần lớn sinh viên tốt nghiệp (khoảng 80%) đã sang làm việc trực tiếp tại Nhật Bản, với mức đãi ngộ tương tự như kỹ sư tốt nghiệp tại các đại học bản xứ, tạo ra một thương hiệu nhân lực HEDSPI được các tập đoàn, công ty Nhật Bản săn đón.
Một câu chuyện khác, tại một doanh nghiệp sản xuất ô tô điện của Việt Nam, nơi mà ban đầu các chuyên gia nước ngoài làm việc ở mọi khâu nhưng dần dần các vị trí quản lý công nghệ cao nhất đã từng bước được chuyển giao cho người Việt. Sinh viên tốt nghiệp tại các đại học Việt Nam sau một giai đoạn đào tạo bổ trợ, dưới sự hướng dẫn của chuyên gia nước ngoài đã sẵn sàng gánh vác những khâu quan trọng và nhanh chóng làm chủ công nghệ nền tảng, công nghệ cốt lõi trong một lĩnh vực rất mới, và là tương lai của nhân loại. Đến thời điểm hiện tại, sau 7 năm, 3/4 trong số hơn 2.000 kỹ sư của nhà sản xuất ô tô này là những người tốt nghiệp từ Đại học Bách khoa Hà Nội.
Hai ví dụ trên và nhiều ví dụ tương tự khác cho thấy tài năng trẻ Việt Nam nếu được đào tạo bài bản với định hướng quốc tế hóa hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ mới, công nghệ chiến lược, đảm đương những công việc thách thức, và thành công tại những nơi cạnh tranh, với chuẩn mực công nghiệp cao nhất. Chúng giúp chúng ta thêm tự tin khi khẳng định với nguồn lực con người, nguồn lực của sức trẻ, của tài năng, của khao khát khẳng định mình là sức mạnh cạnh tranh của Việt Nam trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
“Nhận thức được tiềm năng to lớn đó cũng đồng thời đặt áp lực lên hệ thống đào tạo để làm thế nào những tài năng, những viên ngọc thô thực sự được mài giũa trở thành những viên ngọc quý. Lời giải cho bài toán trên chính là ở việc phát triển hệ thống giáo dục đại học, trong đó tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhanh chóng tạo ra một đội ngũ nhân tài về công nghệ, hội nhập toàn cầu với ý thức tự cường mạnh mẽ”, PGS Tạ Hải Tùng chia sẻ.
TĂNG ĐẦU TƯ CHO GIÁO DỤC ĐẠI HỌC
TS Bùi Hải Hưng, Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo VinAI Research, Tập đoàn Vingroup, cho biết đơn vị mình cũng có những trải nghiệm tốt về đào tạo chuyên sâu, đào tạo tinh hoa trong lĩnh vực AI tại Việt Nam. Đến nay, VinAI đào tạo được hơn 100 thực tập sinh về AI, thông qua chương trình thực tập sinh AI đầu tiên tại Đông Nam Á và một mô hình tương tự như mô hình của Google. Sáng kiến chương trình thực tập sinh AI này có nhiều điểm tương đồng với nhiệm vụ thứ 4 (phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài) trong 7 nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị.
“Hiện chúng ta có những tài năng trẻ rất triển vọng. Tuy nhiên, để họ thực sự bứt phá, chúng ta cần định hướng tập trung vào những bài toán mà thế giới thực sự quan tâm. Cũng như đồng thời trang bị cho họ những hạ tầng, công cụ cần thiết để hỗ trợ quá trình làm việc. Khi hỗ trợ đầy đủ những yếu tố này, các tài năng trẻ hoàn toàn có thể cất cánh, trở thành nguồn lực then chốt đóng góp vào sự phát triển của trí tuệ nhân tạo cũng như công nghệ của nước nhà trong tương lai”, TS Bùi Hải Hưng nói.
Theo PGS Tạ Hải Tùng, để phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao, giải pháp đầu tiên Chính phủ cần thực hiện là tăng cường ngân sách đầu tư để nhanh chóng phát triển hệ thống giáo dục đại học tiệm cận trình độ quốc tế. Nếu giáo dục đại học chỉ dựa vào học phí mà không nhận được sự đầu tư của nhà nước, các đại học có thể xa rời sứ mệnh của mình trong duy trì và phát triển nền tảng nhân lực, nền tảng khoa học – công nghệ cho đất nước, cả hệ thống đứng trước nguy cơ xóa sổ một loạt ngành thiết yếu (nhưng kém hấp dẫn trong tuyển sinh) như vật liệu, luyện kim, ô tô, vật lý hạt nhân… Như vậy, quyết tâm làm đường sắt cao tốc, làm điện hạt nhân, làm ô tô điện… sẽ trở thành những mục tiêu duy ý chí, vì không có đội ngũ nhà giáo, đội ngũ chuyên gia, không có nguồn lực tạo nên nền tảng khoa học – công nghệ…
“Hiện tại, ngân sách đầu tư cho cả hệ thống giáo dục đại học Việt Nam còn rất khiêm tốn, như năm 2020 mới dừng lại ở mức hơn 11.000 tỉ đồng, chiếm 0,18% GDP, trong khi các nước ASEAN như Malaysia, Thái Lan, Singapore đều ở mức 0,65 – 0,75% GDP. Con số đầu tư của chúng ta chỉ bằng gần 9% ngân sách của một đại học hàng đầu của Trung Quốc (Đại học Thanh Hoa)”, PGS Tạ Hải Tùng chia sẻ và đề xuất: “Trong giai đoạn hiện tại, đầu tư phải đi kèm trách nhiệm giải trình, với cam kết đầu ra được đo lường cụ thể, và đơn vị đào tạo, nghiên cứu nào hoạt động càng hiệu quả thì càng nhận được nhiều sự đầu tư để tiếp tục phát huy hơn nữa, làm đầu tàu kéo cả hệ thống vươn lên”.
Bỏ “quy trình đặc thù Việt Nam”
Theo GS Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng đại học, Đại học Bách khoa Hà Nội, Nghị định số 179/2024/NĐ-CP ngày 31.12.2024 của Chính phủ là văn bản pháp quy có tính đột phá trong thu hút và trọng dụng người tài, trong đó quy định rõ nét các chính sách thu hút và trọng dụng người tài, quy định cụ thể từ chính sách trợ cấp thu hút lần đầu sau tuyển dụng, đào tạo bồi dưỡng, điều kiện và trang thiết bị làm việc, chính sách tiến cử và công nhận, bố trí sử dụng người tài, tôn vinh người tài. Các nội dung này đã chạm đến tất cả các điểm nghẽn hiện nay về thể chế trong thu hút nhân tài, từ môi trường làm việc đầy đủ, lành mạnh, minh bạch và dân chủ thực chất đến các giải pháp ưu đãi, trọng dụng và tôn vinh người tài.
Tuy nhiên, để đưa Nghị định 179/2024 vào cuộc sống một cách bền vững, cần sớm ban hành các hướng dẫn liên quan đến nguồn lực tài chính trong thu hút người tài, cơ chế tài chính đặc thù chi cho người tài, cơ chế đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để người tài có cơ hội phát triển nghề nghiệp; quy định, quy chế đặc thù để người tài có cơ hội thực hiện đam mê và hiện thực hóa khát vọng của bản thân.
“Thực tiễn hiện nay có nhiều điểm nghẽn cần phải sớm được quan tâm tháo gỡ để nhà khoa học có cơ hội, môi trường để phát triển. Môi trường và cơ hội tốt chính là động lực quan trọng để thu hút nhân tài”, GS Lê Anh Tuấn nêu ý kiến.
Theo PGS Tạ Hải Tùng, để xây dựng nguồn nhân tài công nghệ trở thành lợi thế cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển công nghệ chiến lược và chuyển đổi số, ngoài tăng cường đầu tư đào tạo chất lượng cao trong nước thì thu hút nguồn lực bên ngoài phát triển nhanh chóng đội ngũ khoa học – công nghệ trình độ quốc tế là quan điểm đúng đắn. Ông đề xuất nhà nước nên cho phép các đại học xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư, coi các chức danh nghề nghiệp giáo sư, phó giáo sư như các vị trí việc làm trong một đại học. “Thật khó khi để một nhà khoa học đã thành danh ở nước ngoài với vị trí giáo sư, phó giáo sư nhưng về nước vẫn phải trải qua quy trình thẩm định đặc thù Việt Nam theo các đợt xét duyệt để được công nhận”, PGS Tạ Hải Tùng nêu ý kiến.
Nguồn: thanhnien.vn