VTV.vn – Bệnh nhân 68 tuổi, tiền sử viêm da cơ địa nhiều năm, nhập viện trong tình trạng tổn thương da là các mảng đỏ, dày da, nhiều vảy, khô và nứt rải rác vùng mặt, tay chân…
Theo lời kể của bệnh nhân, trước đó 1 tháng, bệnh nhân có tự mua thuốc uống và bôi không rõ loại được quảng cáo trên mạng, nhưng tình trạng da ngày càng nặng hơn.
Bệnh nhân được chẩn đoán xác định viêm da cơ địa mức độ nặng, được điều trị tích cực bằng kết hợp thuốc đường toàn thân và thuốc bôi tại chỗ. Sau 5 ngày, đáp ứng cải thiện rất nhanh, người bệnh ra viện được kê đơn thuốc và được tư vấn về cách phòng bệnh tái phát, tránh các yếu tố làm nặng, sao cho sức khoẻ ổn định lâu dài.
Viêm da cơ địa là bệnh lý mạn tính. Tỷ lệ người mắc bệnh lý này ở mức tương đối cao và có xu hướng ngày càng tăng. Bệnh có nhiều mức độ khác nhau, nếu không điều trị có thể diễn tiến từ triệu chứng nhẹ đến nặng, gây mất thẩm mỹ và khiến người bệnh gặp khó khăn trong cuộc sống thường nhật.
Viêm da cơ địa phổ biến ở cả người lớn và trẻ em, bệnh nặng lên từng đợt thường vào mùa hanh khô. Nhiều người bệnh coi nhẹ bệnh tự điều trị ở nhà bằng các phương pháp như tắm lá, tắm nước muối, uống thuốc nam, bệnh không thuyên giảm, thậm chí có nguy cơ nặng lên. Những ngày gần đây, Khoa Da liễu, Trung tâm Da liễu – Dị ứng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiếp nhận nhiều trường hợp viêm da cơ địa mức độ nặng, khó khăn trong quá trình điều trị.
Các chuyên gia khuyến cáo người bệnh viêm da cơ địa không nên tắm lâu hay tắm nước quá nóng vì làm nặng thêm tình trạng khô da. Nên sử dụng sữa tắm có tính tẩy rửa nhẹ nhàng, không có mùi thơm; sử dụng dưỡng ẩm đúng cách, ngày ít nhất 2-3 lần, trong đó có một lần sau tắm 5-10 phút, bôi duy trì lâu dài để hạn chế tính chất tái phát của bệnh. Nếu tình trạng viêm da cơ địa tiến triển nặng hơn cần đến thăm khám tại cơ sở y tế chuyên khoa để có phác đồ điều trị phù hợp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!