TP.HCM cần nguồn vốn khổng lồ lên đến 5 triệu tỉ đồng để hoàn thiện hạ tầng, trong đó 75% là ngoài ngân sách nên cần cơ chế, cách thức huy động, theo ông Phan Văn Mãi.
Tại hội nghị công bố quy hoạch mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao nhiệm vụ cho TP.HCM huy động 5 triệu tỉ đồng trong giai đoạn 2025 – 2030 để thực hiện quy hoạch, vậy địa phương đã chuẩn bị những gì, thưa ông?
Ông Phan Văn Mãi: Quy hoạch TP.HCM xác định giai đoạn từ nay đến năm 2030 để đạt tăng trưởng từ 10% trở lên phải cần ít nhất 4,4 triệu tỉ đồng, trong đó đầu tư công chiếm 25%, tức 1,1 triệu tỉ đồng, còn lại 3,3 triệu tỉ đồng huy động ngoài ngân sách. Thủ tướng yêu cầu TP.HCM huy động ít nhất là 5 triệu tỉ để đầu tư cho hạ tầng, giao thông, đô thị, hạ tầng công nghệ thông tin, khoa học công nghệ.
Hàng loạt dự án đã được xác định trong danh mục kèm theo hồ sơ quy hoạch. TP.HCM đặt mục tiêu đến 2030, cơ bản sẽ hoàn thành hệ thống hạ tầng giao thông gồm nội bộ và kết nối, trừ đường sắt đô thị phải đến năm 2035.
Không chỉ cải thiện chuyện giao thông, điều kiện sống, giải quyết các vấn đề ngập nước, ô nhiễm môi trường mà còn giải quyết nhu cầu về chỗ học, nơi khám bệnh, vui chơi cho người dân và đặc biệt hạ tầng về khoa học công nghệ. Đây là khối lượng công việc rất lớn và cần vốn rất lớn.
Nguồn vốn bên ngoài chiếm đến 75% nhu cầu, vậy TP.HCM sẽ huy động bằng cách nào, thưa ông?
Chúng tôi đã tính toán tương đối chi tiết. Đầu tư công khoảng 25%, còn lại vốn ngoài ngân sách nên phải có cơ chế, chính sách. Quy hoạch sắp tới phải dành nguồn lực đất đai, khuyến khích các dự án đầu tư lớn và tạo những điều kiện thuận lợi về mặt thủ tục, giải quyết vướng mắc để doanh nghiệp đầu tư.
Chúng ta có thêm cơ chế, chính sách bằng cách phát huy Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội, thậm chí sắp tới sẽ nghiên cứu thêm các cơ chế, chính sách để ngân sách bỏ ra 1 đồng, thu hút thêm 8 – 9 đồng từ ngoài ngân sách.
Vừa rồi, TP.HCM có cơ chế hợp vốn giữa Công ty đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) với ngân hàng. Khi cho vay một cái dự án nào đó thì HFIC bỏ ra 2 đồng, ngân hàng bỏ ra 8 đồng, thành 10 đồng.
TP.HCM sẽ tính toán tùy theo công trình, dự án có thể phát hành trái phiếu chính quyền đô thị, trái phiếu công trình, trái phiếu dự án để huy động nguồn vốn trong dân. Năm 2024, kiều hối về TP.HCM 9,6 tỉ USD là số tiền lớn nếu có chính sách sẽ huy động được 1 phần trong số này, là nguồn vốn quan trọng cho thành phố.
Tôi tin nguồn vốn không thiếu, có thể nói là tiền không thiếu. Cách chúng ta huy động thế nào, đặc biệt là sử dụng thế nào, tiêu thế nào, giải ngân thế nào, đó mới là vấn đề.
Sau khi công bố quy hoạch, TP.HCM sẽ triển khai quy hoạch ra sao?
Để chuẩn bị cho việc triển khai quy hoạch, chúng tôi không chỉ nghĩ đến chuyện đi kiếm nguồn tiền ở đâu, cách nào, mà đang khẩn trương triển khai quy hoạch chuyên ngành, phân khu, chi tiết, rà soát lại các thủ tục đất đai, thủ tục đầu tư để đảm bảo trong năm nay và những năm sau dự án được triển khai.
Sự chuẩn bị không phải 5 triệu tỉ đồng mà phải sâu hơn về mặt quy hoạch, hồ sơ, đội hình, đội ngũ, tâm thế. Đó mới là sự chuẩn bị đồng bộ đáp ứng được yêu cầu phát triển trong giai đoạn sắp tới.
Vừa qua, Tập đoàn Vingroup đề xuất bỏ tiền nghiên cứu dự án đường sắt đô thị từ trung tâm TP.HCM xuống Cần Giờ, ông đánh giá gì về việc các doanh nghiệp lớn muốn tham gia cùng thành phố?
Chúng tôi đã làm việc với nhà đầu tư, thống nhất nhà đầu tư bỏ kinh phí ra nghiên cứu. Các cơ quan của thành phố sẽ phối hợp, hỗ trợ nhà đầu tư nghiên cứu và cập nhật vào quy hoạch chuyên ngành, phân khu. Không chỉ Vingroup trong dự án này mà với các nhà đầu tư khác, ở dự án khác, chúng tôi đều phối hợp triển khai.
Còn về trung tâm tài chính quốc tế, TP.HCM sẽ làm những gì để sớm đưa vào vận hành, huy động nguồn vốn quốc tế?
Sau khi Bộ Chính trị có chủ trương, UBND TP.HCM đang khẩn trương cùng với Đà Nẵng và Bộ KH-ĐT trình Quốc hội thông qua nghị quyết, trong đó sẽ có cơ chế chính sách để thu hút nhà đầu tư, các thành phần kinh tế tham gia. Đây chắc chắn là nguồn lực cho nhu cầu đầu tư rất lớn của TP.HCM.
Chúng tôi đã có kế hoạch đầu tư hạ tầng, nguồn nhân lực cho hoạt động trung tâm tài chính, cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế của trung tâm tài chính. Trung tâm tài chính quốc tế là kênh huy động vốn không chỉ cho thành phố mà còn cả nước.
Năm 2025 TP.HCM sẽ giải ngân kỷ lục
Đầu tư công của TPHCM có sự cải thiện thần tốc trong tháng 12.2024. Vậy TP.HCM sẽ tập trung vào những giải pháp nào để duy trì “phong độ” này trong năm 2025, tránh cảnh đầu năm thong thả cuối năm vất vả?
Kế hoạch đầu tư công 2025, kể cả vốn trung ương và thành phố khoảng 85.000 tỉ đồng, cộng với hơn 20% chưa giải ngân hết của năm 2024 chuyển sang, TP.HCM đặt ra mục tiêu năm nay giải ngân hơn 105.000 – 110.000 tỉ đồng. Đây là số vốn lớn.
Với sự chủ động qua từng năm, hoàn thành khâu chuẩn bị, năm 2025 chắc chắn sẽ giải ngân số vốn kỷ lục. Năm 2024 giải ngân không hết còn có độ lùi, chứ năm 2025 phải phấn đấu giải ngân hết. Vừa rồi, tôi họp với các cơ quan về kế hoạch giải ngân đầu tư công, xác định rõ nhiệm vụ, phân nhóm, vướng mắc và chia cho từng đầu mối.
Trách nhiệm đầu tiên là chủ đầu tư, kế đến là các quận huyện, sở chuyên ngành về quy hoạch, giao thông, kế hoạch đầu tư. Bên cạnh đó là sự chỉ đạo của Thường vụ Thành ủy, Thường trực UBND TP.HCM lập các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc.
Năm 2024, tôi trực tiếp chỉ đạo chung và phụ trách 2 dự án rạch Xuyên Tâm và bờ bắc kênh Đôi. Dù khó khăn, vướng mắc nhưng cuối năm 2 dự án này giải ngân khoảng 16.000 – 17.000 tỉ đồng. Đây là những kinh nghiệm phải tiếp tục phát huy trong năm 2025.
Nhiều quận huyện năm qua giải ngân rất tốt, nhất là công tác bồi thường. TP.HCM có giao thêm dự án về cho địa phương hay không?
Chúng tôi đánh giá cao kết quả của phân cấp, phân quyền về cho quận, huyện trong năm qua. Khi phân cấp, phân quyền về thì quận, huyện giải quyết vấn đề của mình rất nhanh. Sắp tới sẽ tiếp tục phân cấp mạnh mẽ hơn nữa. Những dự án nào chuẩn bị đầu tư, dự án nào của quận, huyện thực hiện được sẽ giao về.
Không phải chỉ có dự án nhóm B, nhóm C mà kể cả dự án nhóm A nếu làm được cũng sẽ giao về. Tại cuộc họp kế hoạch giải ngân đầu tư công, các chủ đầu tư và quận, huyện thống nhất với nhau dự án nào chuyển về quận, huyện và chúng tôi ký và giao ngay từ đầu.
Phân quyền triệt để, không phải hỏi ý kiến sở ngành
Ngoài đầu tư công, các lĩnh vực khác sẽ được phân cấp, phân quyền ra sao?
Từ khi có Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội và sau đó là Nghị định 84/2024 của Chính phủ, chúng tôi tham mưu HĐND TP.HCM các nghị quyết về phân cấp. UBND TP.HCM và Chủ tịch UBND TP.HCM cũng quyết định ủy quyền tương đối toàn diện.
Tuy nhiên, trong xu hướng tổ chức lại các cơ quan khi sắp xếp tổ chức bộ máy và tái cơ cấu chức năng, nhiệm vụ thì sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát để phân cấp, phân quyền mạnh hơn nữa, triệt để hơn nữa. Đã phân cấp rồi thì UBND quận, huyện hay chủ tịch UBND quận, huyện cứ theo đó mà thực hiện, không cần hỏi lại sở ngành nữa.
Quá trình đó, chúng tôi sẽ theo dõi, đánh giá năng lực tiếp nhận, năng lực thực thi để hỗ trợ. Nếu tất cả dồn về quận huyện mà không đi kèm với năng lực tiếp nhận, năng lực thực thi thì có khi sự phân cấp phân quyền đó dẫn đến bị động hoặc sai sót.
Về việc tinh gọn bộ máy, TP.HCM triển khai như thế nào?
TP.HCM đang thực hiện khẩn trương, nghiêm túc theo chỉ đạo của Trung ương. Công việc này phải thống nhất, đồng bộ từ Trung ương. Tất nhiên, TP.HCM có nghiên cứu đặc thù của mình nhưng đặc thù đó cũng phải phù hợp trong tổng thể chung.
TP.HCM đã yêu cầu các cơ quan thuộc diện hợp nhất, sắp xếp triển khai nhiệm vụ. Kể cả những cơ quan không thuộc diện này cũng phải sắp xếp đầu mối bên trong. Chúng tôi đặt vấn đề không chỉ là kết thúc hoạt động hay hợp nhất một cách cơ học mà rà soát tất cả chức năng nhiệm vụ để sắp xếp hợp lý.
Sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tái cơ cấu chức năng, nhiệm vụ, đồng thời rà soát, tái cơ cấu đội ngũ. Không chỉ giảm 20% biên chế mà trong quá trình đó phải giữ lại những nhân lực tốt. Còn những nhân sự không phù hợp thì sắp xếp và có chính sách hỗ trợ.
Trong một thời điểm vừa phải tăng tốc để đạt chỉ tiêu cao, vừa xáo trộn về mặt tổ chức và ảnh hưởng nhất định đến con người. Việc này thành phố đã ý thức được và triển khai, quán triệt, có kế hoạch, bước đi cụ thể. Tôi nghĩ ít nhiều cũng có sự ảnh hưởng nhưng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và nghiêm túc chấp hành chủ trương chung thì sẽ vượt qua.
Như ông chia sẻ, việc sắp xếp bộ máy phải giữ lại được nhân lực tốt, vậy TP.HCM sẽ có cách thức nào để xây dựng nền hành chính hiện đại?
TP.HCM cũng đang nghiên cứu, đầu tư để hiện đại hóa nền hành chính. Khi con người giảm đi thì các phương tiện hiện đại khác phải hỗ trợ thì công việc mới thông suốt được.
Hiện chúng tôi đã ban hành kế hoạch triển khai đề án xây dựng nền công vụ hiệu lực, hiệu quả. Việc này thành phố đã thấy và cũng mong muốn có nền hành chính hiện đại, kiến tạo phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.
Trong năm 2025, gắn với việc sắp xếp bộ máy thì sẽ rà soát lại quy trình công vụ, sự phối hợp để giải quyết công việc khoa học, thông suốt, chi phí về thời gian ngắn nhất, chi phí tiền bạc thấp nhất. Thứ 2 là tập trung xây dựng đội ngũ công chức ưu tú, áp dụng các chính sách mới về tuyển dụng, đề bạt, đào tạo, bồi dưỡng, nhà ở… Thứ 3 là công nghệ, bao gồm trang thiết bị, cơ sở dữ liệu, các ứng dụng.
Trong chủ đề năm 2025, chúng tôi vẫn giữ nội dung chuyển đổi số ở đây và hiện diện trong nền hành chính hiệu lực, hiệu quả này bằng cách xây dựng chính quyền số cho thật là tốt. Nền công vụ TP.HCM năm 2025 sẽ có những kết quả rõ nét hơn.
Để tăng trưởng 2 con số, TP.HCM sẽ có giải pháp gì, thưa ông?
TP.HCM xác định tăng trưởng năm 2025 và giai đoạn 2026 – 2030 từ 10%. Cả nước muốn đạt tăng trưởng 2 con số thì những trung tâm đầu tư như Hà Nội, TP.HCM và các địa phương đang lãnh trọng trách này phải đạt từ 2 con số trở lên. Sắp tới, nếu Trung ương có khoán lên 11 – 12% nữa thì thành phố cố gắng.
Vấn đề tăng trưởng cần một loạt giải pháp đồng bộ. Các động lực tăng trưởng truyền thống phải rất là tập trung. TP.HCM đang tái cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao để tạo ra giá trị xuất khẩu, tái cơ cấu các ngành dịch vụ chất lượng cao, tạo giá trị gia tăng cao. Cùng với đó, thành phố sẽ có những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Những động lực truyền thống này, như Thủ tướng nói đó là chúng ta phải làm mới liên tục bởi vì suy cho cùng nó vẫn là nền tảng, chiếm tỷ trọng lớn trong đóng góp cho tăng trưởng.
Song song đó, TP.HCM cũng ưu tiên các động lực mới như kinh tế số, kinh tế xanh. Trong mấy năm qua, nhất là năm 2023 – 2024, TP.HCM tập trung rất nhiều, kinh tế số tương đối rõ nét còn kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn cũng có những đóng góp nhất định. Nhiều doanh nghiệp đã thực hành các tiêu chí xanh để tiếp cận những thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ cho thấy những sự chuyển động. Từ năm 2025 trở đi, mảng kinh tế xanh, kinh tế số sẽ đóng góp lớn hơn cho tăng trưởng thành phố.
Năm 2024, TP.HCM thu ngân sách hơn nửa triệu tỉ đồng, công tác tháo gỡ khó khăn được thực hiện quyết liệt và mang lại nhiều kết quả, xin ông chia sẻ thêm về việc này?
Giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp nghe thì đơn giản nhưng thực tế pháp lý rất phức tạp. Có những vấn đề, vướng mắc là trách nhiệm của nhiều cơ quan, cả Trung ương và TP.HCM.
Có thể nói năm 2024, TP.HCM nhận được sự quan tâm của những lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, nhiều bộ trưởng đã vào cùng tháo gỡ với thành phố, rồi nỗ lực của thành phố nên chúng ta gỡ vướng mắc được nhiều. Nhiều dự án được tháo gỡ, tạo ra công ăn việc làm, doanh thu, đóng góp ngân sách.
Tiếp tục đà này, năm 2025, TP.HCM phân loại các nhóm vướng mắc theo thẩm quyền. Nhóm nào thuộc thẩm quyền của Trung ương thì đề nghị với Thủ tướng, ban chỉ đạo Trung ương chủ trì giải quyết. Nhóm nào của địa phương thì phân công cho từng tổ công tác, phân công Chủ tịch và từng phó chủ tịch UBND TP.HCM phụ trách từng dự án cụ thể.
Dường như hằng tuần chúng tôi đều giải quyết, có những dự án đã được giải quyết xong. Cho nên năm 2025, số dự án được tháo gỡ càng nhiều hơn và hoạt động của dự án sẽ sôi động trở lại, hoạt động kinh tế sẽ tốt hơn.
Cải cách thể chế là đột phá của đột phá
Câu chuyện cải cách thể chế đang được người dân, cộng đồng doanh nghiệp quan tâm, TP.HCM sẽ vận dụng như thế nào trong bối cảnh tinh gọn bộ máy?
Như tôi có lần chia sẻ về Nghị quyết 98 thì không có một luật nào, nghị quyết nào giải quyết được tất cả. Và cơ chế, chính sách chúng ta nói ở đây cũng phải là một sự đồng bộ.
Tôi thấy trong dự thảo văn kiện Đại hội 14 của Đảng sắp tới thì câu chuyện cải cách thể chế được đặt lên đầu tiên, coi đây như một nhiệm vụ rất quan trọng để tháo gỡ, mở đường cho tăng trưởng, phát triển.
Vừa rồi khi chuẩn bị sắp xếp tổ chức bộ máy, chúng tôi nghe Bộ Tư pháp nói rà soát ban đầu có gần 200 luật và hàng trăm nghị định, thông tư, văn bản khác phải sửa đổi. Riêng TP.HCM rà soát có 286 văn bản của HĐND, UBND, Chủ tịch UBND các cấp phải sửa đổi, bổ sung, ban hành mới.
Vấn đề thể chế, các lãnh đạo Trung ương đã có chỉ đạo quyết liệt, xác định cải cách thể chế là đột phá của đột phá. Đó là tinh thần chỉ đạo nhưng làm sao để làm được việc đấy trong thời gian ngắn mà phải đồng bộ thì là vấn đề lớn. TP.HCM cũng đang nghiên cứu thực tiễn của địa phương để kiến nghị với Trung ương.
Tôi thấy thể chế kinh tế cần được tiếp tục cải cách theo hướng người dân được làm những gì mà luật không cấm, tạo luồng xanh với những nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào các khu công nghiệp công nghệ cao rồi tiến hành hậu kiểm. Nhà nước tập trung quản lý những việc cần thiết, còn lại giao cho thị trường, xã hội thực hiện. Như vậy sẽ nhanh hơn.
Nếu để dùng một từ để nói về năm 2025, ông sẽ nói từ gì?
Nếu nói năm 2024 là nền tảng, tạo điều kiện để sẵn sàng cho tăng tốc, bứt phá thì năm 2025 là chung sức, đồng lòng, bứt phá, thành công.
Muốn phát triển kinh tế – xã hội thì không chỉ chính quyền, doanh nghiệp hay người dân mà tất cả phải chung sức đồng lòng. Hành động quyết liệt, bứt phá, chắc chắn sẽ đạt được kết quả thành công năm 2025.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: thanhnien.vn