Tuesday, February 4, 2025

Du lịch tàu hỏa bứt phá

Song song với việc xúc tiến những dự án tỉ USD, ngành đường sắt cũng đang “thay da đổi thịt”, xóa dần ấn tượng bao cấp, lạc hậu, trì trệ để hướng tới chất lượng dịch vụ.

Giao thừa năm nay, những hành khách đi tàu được “countdown” đón năm mới trên 2 toa tàu cộng đồng từ Hà Nội và TP.HCM, với các bức tranh rạng rỡ sắc màu mang theo hương vị tết. Trước đó, đường sắt cũng đã biến “các nhà ga thành điểm đến” với các mô hình dịch vụ, văn hóa như Hỏa xa cà phê, triển lãm nghệ thuật ở ga Hà Nội, biểu diễn thời trang ở ga Sài Gòn…

Ông Hoàng Gia Khánh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN, cho biết với hàng loạt đổi thay về chất lượng dịch vụ, 2024 cũng là năm thứ 3 liên tiếp đường sắt có lãi. Những sản phẩm kết hợp địa phương như đoàn tàu hành trình di sản Huế – Đà Nẵng đã mang lại hiệu quả tích cực, nhiều thời điểm “cháy vé”, cung cấp thêm một trải nghiệm hoàn toàn mới cho du khách đi du lịch tới 2 thành phố bằng tàu hỏa.

Thống kê cho thấy, khách du lịch đi tàu hỏa đến Đà Nẵng tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2024 với hơn 643.000 lượt, tăng hơn 43% so với năm 2023. Ngoài các chuyến tàu hỏa chạy thường ngày, đường sắt tổ chức các đoàn tàu chất lượng cao Hà Nội – Đà Nẵng, TP.HCM – Đà Nẵng, đặc biệt là tuyến du lịch “kết nối di sản miền Trung” Huế – Đà Nẵng.

Cuối tháng 12.2024, đường sắt tiếp tục mang đến sản phẩm du lịch hấp dẫn cho du khách tới Đà Lạt qua chuyến tàu hoài cổ La Reine lấy cảm hứng từ kiến trúc dinh Nam Phương Hoàng hậu. Toa xe được thiết kế đặc biệt với 36 ghế ngồi dọc 2 bên, tạo thuận lợi cho du khách ngắm nhìn phong cảnh. Những toa tàu hạng sang hay những chuyến tàu 5 sao có giá vé hàng chục triệu đồng không còn xa lạ, hướng tới phân khúc khách hàng riêng, ưa thích trải nghiệm đặc biệt với các dịch vụ sang trọng của đường sắt.

Du lịch tàu hỏa bứt phá

Dịch vụ sang trọng trên tàu La Reine lấy cảm hứng từ kiến trúc dinh Nam Phương Hoàng hậu

ẢNH: NGỌC NĂM

Du lịch tàu hỏa bứt phá

Dịch vụ sang trọng trên tàu La Reine lấy cảm hứng từ kiến trúc dinh Nam Phương Hoàng hậu

ẢNH: NGỌC NĂM

Sự kết hợp đường sắt và du lịch đã làm sống lại những tuyến tàu vắng khách. Tuyến Gia Lâm – Quán Triều, từng được xem là tuyến huyết mạch vận tải từ Hà Nội lên Thái Nguyên, song nhiều năm nay đã thất thế so với đường bộ. Hiện tuyến chủ yếu phục vụ vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là mặt hàng than, mà chưa tận dụng được để kết nối với các điểm du lịch quan trọng trong khu vực. Đây là lý do ngành đường sắt và tỉnh Thái Nguyên mới đây đã bắt tay để tái vận hành tuyến tàu chở khách kết hợp với du lịch, quảng bá văn hóa trà Thái Nguyên cũng như các sản phẩm đặc thù của địa phương.

Theo ông Lê Ngọc Linh, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Thái Nguyên, chuyến tàu thí điểm chạy thử cuối tháng 12.2024 đã gây xúc động cho nhiều người dân Thái Nguyên với bóng dáng đoàn tàu và tiếng còi thân quen. Tuyến tàu được thiết kế đặc biệt, không chỉ đáp ứng nhu cầu vận chuyển mà còn tạo ra không gian trải nghiệm văn hóa trà cho du khách. Các phòng chờ tại ga Hà Nội, Phổ Yên, Lưu Xá và Quán Triều được cải tạo thành khu trưng bày văn hóa trà, với các sản phẩm OCOP đặc sắc như trà Tân Cương nổi tiếng. Du khách đi tàu được thưởng thức trà Thái Nguyên, bánh đặc sản Hà Nội, nghe hát then, đàn tính…

Những thay đổi chất lượng dịch vụ đã thu hút hành khách quay trở lại ngày càng nhiều hơn với đường sắt. Năm 2024, đường sắt tiếp tục báo lãi với hơn 7 triệu lượt khách, tăng 14,8% so với cùng kỳ 2023, sản lượng hàng hóa đạt 5,16 triệu tấn, tăng 11,2%; doanh thu hợp nhất ước đạt gần 9.700 tỉ đồng, tăng gần 8%. “Đường sắt sẽ tiếp tục phát triển các dịch vụ du lịch như đoàn tàu di sản, tuyến tàu văn hóa trà, tàu đêm Đà Lạt – Trại Mát… làm tốt nhất, nâng cao chất lượng dịch vụ để quảng bá văn hóa VN đến bạn bè thế giới, tạo giá trị tăng thêm cho đường sắt”, ông Hoàng Gia Khánh cho hay.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img