Tản văn viết về Hà Nội không thiếu cây bút để lại dấu ấn, có thể kể đến Đỗ Phấn, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Ngọc Tiến, Nguyễn Trương Quý…
Cầu Long Biên là nơi mà bọn trẻ con thế hệ của tác giả đã có ký ức tươi đẹp. Đó là “thiên đường” vui chơi bên dưới chân cầu với trốn tìm, nhảy dây, đánh chuyền… Đó cũng còn là lần trốn ngủ trưa, rủ nhau lên cầu đi ra bãi Giữa tìm vào ruộng ngô, ruộng khoai vặt trộm và rồi nướng ăn…
Cây cầu này cũng là minh chứng cho mối lương duyên đưa tác giả gắn với một người đặc biệt. Trong cuốn sách này, trong khi phân nửa được dành để nói về ký ức tuổi thơ, thì nửa còn lại chính là chuyện đời của bản thân cô. Trong mối quan hệ với người đàn ông ngoại quốc mà cô hài hước đặt là Tây Độc, cháu trai của một người Pháp từng góp phần xây dựng cầu Long Biên, cô đã cho thấy được những đối lập trong góc nhìn của người ngoại quốc đối với văn hóa – con người VN, từ đó khẳng định và làm rõ thêm những điểm tốt đẹp của tết cổ truyền, của phụ nữ Việt hay lòng hiếu khách, tôn trọng đức tin… Giọng văn của cô đôi khi châm biếm, đôi lúc sắc sảo, qua đó không chỉ mang đến nụ cười mà còn khiến cho người đọc không ngừng tự vấn.
Rộng hơn ký ức và chuyện cá nhân, thì cầu Long Biên cũng là đoạn nối nằm giữa quá khứ cũng như hiện đại. Ở đó ta thấy hiện lên một thế hệ cũ gồm những ông bố, bà mẹ coi trọng truyền thống lễ nghĩa song song với thế hệ trẻ có sự đổi khác trong phong cách sống, trong thế giới quan hay nhân sinh quan… Cuốn sách có thể nói không chỉ là một tản văn viết về Hà Nội, mà còn hiện rõ lên những khác biệt và sự thay đổi của thời thế, thời đại… đến từ góc nhìn của một công dân toàn cầu.
Nguồn: thanhnien.vn