Tuesday, February 4, 2025

Nam Định: Đưa sản phẩm OCOP vươn xa

Thời gian qua, các sản phẩm OCOP của tỉnh Nam Định đã khẳng định vị trí trên thị trường trong nước và quốc tế.

Để tiếp tục đưa sản phẩm vươn xa, các doanh nghiệp đã chú trọng nâng chất lượng sản phẩm.

Hàng trăm sản phẩm OCOP

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, bằng các giải pháp xúc tiến thương mại, kết nối cung – cầu linh hoạt, có thể nhận thấy, thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP của tỉnh ngày càng mở rộng, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Ông Trần Quốc Toản – Giám đốc Công ty TNHH Toản Xuân cho biết: Sản phẩm OCOP hạng 4 sao “Gạo sinh thái ruộng rươi” và “Gạo sạch chất lượng cao Toản Xuân 999” của Công ty ngày càng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn sử dụng hiểu.

Nam Định: Đưa sản phẩm OCOP vươn xa

Tỉnh Nam Định có 489 sản phẩm OCOP. Trong đó có 434 sản phẩm OCOP 3 sao, 55 sản phẩm OCOP 4 sao.

Theo ông Toản để được thành quả như vậy, tôi đã lăn lộn để nắm rõ từng vùng đất, giống lúa và tập quán canh tác của nông dân các địa phương. Tôi đã quyết định lựa chọn trồng lúa xen lẫn việc nuôi rươi ở vùng đất trù phú miền hạ của huyện Nghĩa Hưng. Hai giống lúa đặc sản của quê hương là Dự Hương và ST25 vốn đã cho sản phẩm gạo thơm, ngon thì nay được cấy trên những thửa ruộng nuôi rươi lại càng thơm ngon hơn.

Ông Toản chia sẻ: “Mối liên kết giữa Công ty TNHH Toản Xuân với nông dân để trồng lúa trên ruộng nuôi rươi mang lại “lợi ích kép” cho cả nông dân và doanh nghiệp. Bên cạnh nguồn lợi từ rươi, nông dân có thêm thu nhập từ lúa, trong khi doanh nghiệp có sản phẩm gạo chất lượng cao, được sản xuất theo quy trình hữu cơ phục vụ chế biến, xây dựng thương hiệu… cung cấp cho thị trường. “Gạo rươi” mang vị đậm đà riêng có song vẫn giữ được mùi thơm đặc trưng của gạo Dự Hương, ST25 tự nhiên.

Công ty đã nghiên cứu thiết kế các mẫu mã bao bì đóng gói sang trọng, đẹp mắt rất phù hợp cho việc vận chuyển và làm quà biếu. Đây là một hình thức chuyển tải, quảng bá nét đặc sắc trong văn hóa ẩm thực của người dân Nam Định đến với người tiêu dùng”.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Định: Sản phẩm OCOP “Gạo sinh thái ruộng rươi” chỉ là một trong 489 sản phẩm OCOP hạng 3 sao, 4 sao của tỉnh. Sau 6 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP, Nam Định được Ban Chỉ đạo Trung ương đánh giá nằm trong tốp đầu của cả nước về phát triển sản phẩm OCOP.

Đến thời điểm này, Chương trình OCOP đang được các địa phương trong tỉnh triển khai tích cực, hiệu quả và phát triển được hệ sinh thái sản phẩm OCOP vừa mang nét truyền thống vừa sáng tạo, không bị hòa lẫn với sản phẩm của các địa phương khác.

Ông Nguyễn Văn Hữu – Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh nhấn mạnh: “Nam Định có đa dạng sản phẩm mang tính bản địa, đặc sắc. Do đó, khi triển khai Chương trình OCOP, tỉnh tập trung phát triển các sản phẩm đặc sản, lợi thế, sản phẩm từ làng nghề truyền thống gắn với khai thác nguồn nguyên liệu địa phương cùng văn hóa và tri thức bản địa.

Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, HTX, hộ cá thể đã tập trung khai thác phát triển các vùng nguyên liệu nông sản, dược liệu đặc trưng, dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa, tập quán sản xuất của người dân.

Anh Vũ Văn Kỷ – Giám đốc Công ty TNHH Hải sản Hải Thịnh, thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu), cho biết: “Nước mắm Tân Phú” là kết tinh giá trị từ những thành quả lao động cần cù, chăm chỉ, sáng tạo từ bao đời nay của gia đình tôi và người dân địa phương.

Trước đây, sản phẩm được thị trường và người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, song chỉ được tiêu thụ ở quy mô nhỏ. Khi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện, thị trấn hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng thương hiệu và đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh. Đồng thời Công ty đầu tư nâng cấp mẫu mã, quảng bá sản phẩm và đa dạng hoá các hình thức bán hàng trực tiếp, qua mạng internet, các nền tảng xã hội zalo, tiktok, facebook… thì “Nước mắm Tân Phú” đã mở rộng thị trường tiêu thụ và được người tiêu dùng trên cả nước biết đến.

Nâng cao chất lượng để đưa sản phẩm đi xa

Tính đến nay, các sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao và 4 sao của tỉnh Nam Định, đa số là các sản phẩm đặc sản, đặc trưng, truyền thống của địa phương, đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc, bao bì nhãn mác theo xu hướng thị trường tiêu dùng và theo quy định.

Nam Định: Đưa sản phẩm OCOP vươn xa

Năm 2024 toàn tỉnh Nam Định hiện có 122 sản phẩm tham gia đánh giá (Ảnh minh họa)

Các sản phẩm OCOP sau khi được chứng nhận tiếp tục duy trì sản lượng, chất lượng. Nhiều sản phẩm được thị trường đón nhận, có sức cạnh tranh. Theo thống kê, mức tăng bình quân về doanh thu sản phẩm sau khi được chứng nhận sản phẩm OCOP đạt trên 10%, đặc biệt có những đơn vị tăng doanh thu trên 20%…

Chính những điều này đã khuyến khích được sự tham gia của cộng đồng, khai thác được những giá trị tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo ra nhiều sản phẩm OCOP đảm bảo về chất lượng, sản lượng cho các năm tiếp theo.

Đến nay, tại các cửa hàng, siêu thị trên địa bàn tỉnh, những sản phẩm OCOP Nam Định luôn được bày bán ở vị trí trang trọng. Tại một số siêu thị như: Go!, Winmart, Co.opmart, các đại lý, cửa hàng tiện ích… dù chưa chiếm tỷ trọng lớn nhưng sản phẩm OCOP nói chung và sản phẩm OCOP tỉnh Nam Định nói riêng đã được bán rộng rãi, trở thành một trong những mặt hàng được người tiêu dùng quan tâm, lựa chọn.

Điều đáng ghi nhận là dưới sự hướng dẫn của ngành chức năng, các chủ thể sản phẩm OCOP đã chủ động đầu tư, thay đổi công nghệ tiên tiến, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào quản lý, tiết kiệm chi phí gián tiếp để nâng cao chất lượng hàng hóa, đa dạng mẫu mã, tăng cường quảng bá sản phẩm… từ đó tạo dựng được niềm tin đối với người tiêu dùng với sự tự hào về hàng Việt Nam nói chung và sản phẩm OCOP Nam Định nói riêng.

Với những nỗ lực của các chủ thể sản xuất, các sản phẩm OCOP của tỉnh đã được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường, hình thành 150 chuỗi cửa hàng tiện ích, 39 chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ bền vững, góp phần nâng cao giá trị kinh tế và thu nhập cho người sản xuất.

Thời gian tới, để tiếp tục hỗ trợ các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP của tỉnh tham gia các chuỗi liên kết, mở rộng thị trường tiêu thụ, nhất là xuất khẩu, vươn ra thế giới, trước hết cần nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, đây là yếu tố quyết định.

Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, năm 2024 toàn tỉnh Nam Định hiện có 122 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tại cấp huyện; trong đó có 98 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao và 24 sản phẩm có số điểm đánh giá từ 70 điểm trở lên.

Lũy kế đến thời điểm này tỉnh Nam Định có 489 sản phẩm OCOP. Trong đó có 434 sản phẩm OCOP 3 sao, 55 sản phẩm OCOP 4 sao. Nhiều sản phẩm OCOP đã và đang khẳng định được thương hiệu, chất lượng, chinh phục được thị trường trong nước và một số sản phẩm tiềm năng tham gia xuất khẩu sang các quốc gia được coi là thị trường khó tính như: Gạo sinh thái ruộng rươi, Gạo sạch chất lượng cao Toản Xuân 999, Gạo sạch chất lượng cao 888 của Công ty TNHH Toản Xuân.

Gạo nếp bắc Nghĩa Bình của HTX Sản xuất – Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Bình. Trà mầm đậu đen – Gạo lứt đỏ và Trà mầm gạo lứt đỏ của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hạnh Tâm. Cá mai tẩm gia vị của Công ty TNHH một thành viên Hải sản Hùng Vương. Ốc hương An Hòa của HTX Nông nghiệp và Nuôi trồng, Chế biến thủy hải sản An Hòa. Sứa ăn liền Phương Trang của Công ty TNHH Quý Thịnh.

Để khẳng định thương hiệu, vị thế và hướng tới xuất khẩu, các chủ thể OCOP cần tiếp tục nâng “chất” sản phẩm, phát triển thương hiệu, nhãn hiệu, tiêu chuẩn, chất lượng, đăng ký mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục hỗ trợ các chủ thể ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất, tiếp thị sản phẩm; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu… để những sản phẩm OCOP của tỉnh được quảng bá rộng rãi và vươn tầm quốc tế.

 
 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img