VTV.vn – Ung thư ảnh hưởng đến tất cả mọi người, từ già – trẻ, giàu – nghèo, nam – nữ, là gánh nặng to lớn về thể chất, tinh thần và tài chính đối với cá nhân, gia đình và xã hội.
Ung thư là bệnh lý ác tính của tế bào, khi bị kích thích bởi các tác nhân sinh ung thư, tế bào tăng sinh một cách vô hạn, vô tổ chức và không tuân theo các cơ chế kiểm soát về phát triển của cơ thể. Ung thư không phải là một bệnh mà là tên gọi chung của một tập hợp rất nhiều bệnh có những đặc tính cơ bản giống nhau của bệnh ung thư và có khoảng hơn 200 bệnh ung thư khác nhau ở người.
Theo ước tính của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC), vào năm 2022, trên thế giới có khoảng 20 triệu ca ung thư mới và 9,7 triệu ca tử vong. Ước tính số người còn sống trong vòng 5 năm sau khi được chẩn đoán mắc ung thư là 53,5 triệu. Khoảng 1 trong 5 người mắc ung thư trong suốt cuộc đời, khoảng 1 trong 9 nam giới và 1 trong 12 phụ nữ tử vong vì căn bệnh này. Trong đó, ung thư phổi, tuyến tiền liệt, đại trực tràng, dạ dày và gan là những loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới. Còn ở nữ giới phổ biến nhất là ung thư vú, đại trực tràng, phổi, cổ tử cung và tuyến giáp. Ước tính có hơn 35 triệu ca ung thư mới vào năm 2050, tăng 77% so với ước tính 20 triệu ca vào năm 2022.
Các yếu tố nguy cơ gây ung thư
Sử dụng thuốc lá, uống rượu, chế độ ăn uống không lành mạnh, ít vận động là những yếu tố nguy cơ gây ung thư và các bệnh không lây nhiễm khác. Trong đó, hút thuốc lá là nguyên nhân của 30% các loại ung thư, gây ra 20 loại ung thư khác nhau và 90% nguyên nhân của ung thư phổi; lạm dụng rượu bia là nguyên nhân gây ra các loại ung thư như ung thư miệng, họng, ung thư gan…; thói quen ít vận động cũng là nguyên nhân gây nên một số bệnh ung thư như ung thư vú, ung thư đại trực tràng; vấn đề về ô nhiễm không khí và môi trường cũng là những yếu tố nguy cơ gây ung thư.
Một số bệnh nhiễm trùng cũng là yếu tố nguy cơ gây ung thư. Khoảng 13% số ca ung thư được chẩn đoán vào năm 2018 trên toàn cầu là do nhiễm trùng gây ung thư, bao gồm vi khuẩn Helicobacter pylori, virus gây u nhú ở người (HPV), virus viêm gan B, virus viêm gan C và virus Epstein-Barr.
Virus viêm gan B và C và một số loại HPV làm tăng nguy cơ ung thư gan và ung thư cổ tử cung. Nhiễm HIV cũng làm tăng nguy cơ phát triển ung thư cổ tử cung gấp 6 lần và làm tăng đáng kể nguy cơ phát triển một số loại ung thư khác như ung thư Kaposi.
Biện pháp phòng tránh và giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư
Các biện pháp phòng tránh và giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư bao gồm:
Không hút thuốc lá hoặc sử dụng thuốc lá dưới bất kỳ hình thức nào; không sử dụng rượu bia, chất kích thích.
Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh: ăn nhiều rau, củ, quả; hạn chế sử dụng chất béo, thịt đỏ, thức ăn chứa nhiều muối, tránh đồ uống có đường; không ăn thực phẩm mốc, ôi thiu, thực phẩm nhiễm hóa chất, thuốc trừ sâu, thuốc tăng trọng…
Xây dựng chế độ tập luyện, nghỉ ngơi hợp lý, giữ tinh thần thoải mái, tích cực.
Cho con bú cũng giúp giảm nguy cơ ung thư ở mẹ. Sinh hoạt tình dục lành mạnh, an toàn giúp phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục như HIV…
Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các bệnh truyền nhiễm có vaccine phòng bệnh như viêm gan B, ung thư cổ tử cung.
Thường xuyên vệ sinh nơi ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống. Tránh tiếp xúc quá nhiều với nắng, nên dùng kem chống nắng, sử dụng khẩu trang, kính bảo vệ mắt khi đi ra khỏi nhà.
Ngoài ra, với bệnh ung thư, phát hiện càng sớm, tỷ lệ chữa khỏi càng cao, tiết kiệm về chi phí, do đó người dân cần duy trì thói quen khám sức khoẻ định kỳ, khi có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ ung thư cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám, phát hiện sớm hoặc loại trừ bệnh ung thư.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!