Bạn đọc đặt câu hỏi: Dừng đèn đỏ nhưng có xe ưu tiên như cứu hỏa, cấp cứu, ưu tiên khác… phía sau thì có nhường đường hay không, bởi tâm lý người tham gia giao thông sợ bị phạt?
Lý do không nhường đường bởi có thể người lái xe lo sẽ phạm lỗi vượt đèn đỏ. Cho đến khi đèn tín hiệu giao thông chuyển sang xanh, xe 7 chỗ nói trên mới di chuyển, xe cứu thương mới tiếp tục chạy.
Tại nút giao thông này có camera phạt nguội nên nhiều người lái xe có tâm lý e ngại sợ bị phạt nguội, hay phải giải trình với CSGT.
Một số ý kiến trên mạng lại cho rằng lái xe 7 chỗ phải nhường đường và lỗi vượt đèn đỏ để nhường cho xe ưu tiên sẽ không bị xử phạt.
Giải đáp thắc mắc này của bạn đọc, luật sư Nguyễn Thành Công (thuộc Đoàn luật sư TP.HCM) lý giải, về khía cạnh pháp lý, nguyên tắc đầu tiên là phải nhường đường nhưng cần xem xét từng trường hợp cụ thể để xác định hành động đó đúng sai ra sao?
Nhường đường cho xe ưu tiên sẽ không bị phạt
Luật sư Công phân tích, theo quy định tại điều 27 luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ hiện hành thì phải nhường đường và quy định rõ cách giảm tốc độ, đi sát lề thậm chí dừng cụ thể ra sao, nhưng ở đây người tham gia giao thông lại đang ở vạch dừng đèn đỏ.
Trong khi đó luật cũng quy định phải dừng trước vạch khi đèn đỏ. Tưởng chừng hai quy định này “đá” lẫn nhau nhưng cần biết luật cũng quy định về tình huống khẩn cấp.
“Vậy ứng xử đúng luật trường hợp này phải đặt tình huống khẩn cấp lên cao hơn các quy định khác. Tức là khi đang dừng tại vạch dừng thì phải di chuyển vượt qua vạch về bên trái hoặc phải tùy theo tình huống xe ưu tiên đang ở làn đường nào. Tất nhiên việc vượt qua vạch dừng khi đèn đỏ trường hợp đặc biệt này cũng phải quan sát để an toàn, tránh gây tai nạn. Như vậy, người vượt đèn đỏ hoặc dừng sai vị trí trong trường hợp nhường đường cho xe ưu tiên là không vi phạm pháp luật”, luật sư Công nói.
Luật sư Hoàng Tư Lượng (thuộc Đoàn luật sư TP.HCM) cũng cho biết, theo khoản 5 điều 27 luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 thì khi có tín hiệu của xe ưu tiên, người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ, đi sát lề đường bên phải hoặc dừng lại để nhường đường, trạm thu phí phải ưu tiên cho xe ưu tiên qua trạm trong mọi tình huống, không được gây cản trở.
Về các trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính, điều 11 luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 có quy định gồm 5 trường hợp, trong đó có thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết, do phòng vệ chính đáng, do sự kiện bất ngờ, do sự kiện bất khả kháng…
Theo đó, luật sư Hoàng Tư Lượng nhấn mạnh, xe ưu tiên hoạt động trong tình thế cấp thiết nên khi tín hiệu đèn giao thông chuyển sang màu đỏ mà người lái xe thực hiện nhường đường cho xe ưu tiên (như xe cấp cứu, xe chữa cháy…) mà không chấp hành tín hiệu đèn giao thông thì sẽ không bị xử phạt.
Luật sư Lượng nói thêm, tình thế cấp thiết là tình thế của cá nhân, tổ chức vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.
Như vậy, tùy vào từng trường hợp nhường đường cho xe ưu tiên dẫn đến việc không chấp hành tín hiệu đèn giao thông trên thực tế mà cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét quá trình trước, trong và sau khi thực hiện việc nhường đường để quyết định.
“Do đó, người dân yên tâm, việc không chấp hành tín hiệu đèn giao thông để nhường đường cho xe ưu tiên như cấp cứu, chữa cháy… trong trường hợp tình thế cấp thiết sẽ không bị xử phạt vi phạm hành chính”, luật sư Lượng khẳng định.
Tại sao đang dừng đèn đỏ, nhiều người sợ không dám nhường đường?
Cũng theo luật sư Công, hiện nay vấn đề này là thực tế khá phổ biến trong ứng xử khi tham gia giao thông xuất phát từ sự am hiểu quy định pháp luật hạn chế gây ra để tạo thành các tình huống đèn xe cấp cứu inh ỏi nhưng không được nhường đường chỉ vì đang dừng đèn đỏ.
Quy định pháp luật đã đầy đủ nên cần tuyên truyền mạnh mẽ để người dân hiểu được một cách tường minh thì sẽ khắc phục được tình trạng này.
Luật sư Công nói thêm, người dân cũng cần biết, để xử phạt vi phạm trong giao thông thì phải có bằng chứng xác thực.
Chẳng hạn, tình huống trên, phải có đoạn phim của camera khu vực đó ghi lại hình ảnh để xác định phương tiện giao thông có thực sự vượt đèn đỏ, dừng sai vị trí để nhường đường cho xe ưu tiên hay không, thì lúc đó cơ quan thẩm quyền lấy căn cứ để lập biên bản vi phạm hành chính và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Luật sư Công cho biết, hiện nay còn có một quy định khác là khuyến khích người dân cung cấp thông tin vi phạm giao thông.
Giả sử trường hợp này, người cung cấp thông tin vi phạm nêu trên mà chỉ là hình ảnh chụp xe dừng quá vạch khi đèn đỏ thì cơ quan tiếp nhận thông tin này cũng xác minh rõ ràng về việc có hay không sự vi phạm; căn cứ vào nhiều chứng cứ, tài liệu khác để thực hiện việc xử lý hay tuyên dương.
Luật sư Công cũng đề xuất các cơ quan có thẩm quyền cũng cần tuyên truyền thêm về quy định tình huống khẩn cấp phải vượt đèn đỏ hay đi vào làn khẩn cấp trên cao tốc đối với xe dân dụng, xe không chuyên dùng khi chở người đi cấp cứu, cứu hỏa; hay chứng minh được hoạt động thuộc trường hợp khẩn cấp mà pháp luật cho phép, thì không bị xem là hành vi vi phạm pháp luật.
Nguồn: thanhnien.vn