Wednesday, February 12, 2025

Triệt bỏ bẫy lừa đảo qua mạng

Bạn đọc mong muốn lực lượng công an tiếp tục đẩy mạnh việc triệt phá các đường dây lừa đảo qua mạng.

Như Thanh Niên đề cập, ngày 7.2, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, góp ý kiến vào báo cáo công tác dân nguyện, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải đánh giá cao việc Bộ Công an, công an các tỉnh đã triệt phá, trấn áp các tội phạm lừa đảo qua mạng thời gian qua.
Triệt bỏ bẫy lừa đảo qua mạng

Công an tỉnh Bắc Ninh phân loại, lấy lời khai các nghi phạm trong đường dây lừa đảo, chiếm đoạt tài sản xuyên quốc gia với số nạn nhân hơn 13.000 người

ẢNH: T.Y

Bà Nguyễn Thanh Hải đề nghị sau khi ngành công an triệt phá loại tội phạm này thì công việc tiếp theo cần tuyên truyền, công khai các thủ đoạn lừa đảo để người dân biết và tránh. Đơn cử như vụ lừa đảo do Công an Bắc Ninh triệt phá, số lượng người bị lừa lên tới 13.000 người, số tiền lên tới cả nghìn tỉ đồng, là rất lớn.

Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ đã đề cập đến lý do người dân dễ bị lừa đảo qua mạng. Theo ông Tỏ, ngoài nguyên nhân thủ đoạn của loại hình tội phạm lừa đảo qua mạng là tinh vi, sử dụng công nghệ cao, thì còn có nguyên nhân là “tính hám lời của người dân”.

Ông Tỏ nói, trong phòng chống tội phạm này thì phòng ngừa nghiệp vụ là của lực lượng công an, còn phòng ngừa xã hội, công tác tuyên truyền thì cả hệ thống chính trị phải vào cuộc.

“Ma trận” lừa đảo

Nhận xét về nạn lừa đảo qua mạng vẫn đang gây bất ổn trong đời sống xã hội, bạn đọc (BĐ) Nguyễn Anh Nghi nêu: “Các kiểu lừa đảo ngày càng biến tướng. Người dân chỉ cần sơ sẩy mất cảnh giác, hoặc thiếu hiểu biết, nhận biết… là dính bẫy ngay”.

Cùng nhận định, BĐ Thủy phân tích thêm: “Đúng là một phần cũng vì nạn nhân thấy cái lợi dễ dàng trước mắt mà lao theo. Nhưng đọc thông tin phá án mới thấy các đường dây lừa đảo này dựng lên những kịch bản tinh vi ghê gớm để thao túng tâm lý các nạn nhân. Để tỉnh táo nhận biết thì không dễ dàng”.

Nhắc đến hàng loạt những hình thức lừa đảo của các nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao, BĐ Minh Nghĩa cho rằng rất khó để người dân có thể nhận biết hết nếu không được liên tục cảnh báo. “Tôi thấy gần như lĩnh vực nào của đời sống xã hội cũng xuất hiện những cái bẫy lừa đảo trên mạng. Thậm chí các bẫy rập này còn bám sát những thay đổi về chính sách, quy định mới… khiến người dân dễ mất cảnh giác”.

“Các chiêu trò lừa đảo trên mạng như ma trận vậy. Vướng vào sẽ khó thấy đường ra. Đáng lo nhất là tiền lừa đảo lại chạy ra nước ngoài một cách dễ dàng”, BĐ BuonLy nhận xét thêm.

Cần tiếp tục mạnh tay

Bày tỏ sự lo lắng vì nhiều người dân vẫn dễ dàng bị lừa đảo qua mạng, đa số BĐ mong muốn lực lượng công an tiếp tục đẩy mạnh việc triệt phá các đường dây tội phạm. BĐ Tuấn An phân tích: “Theo dõi một số vụ án gần đây mới thấy quy mô và tính chất của các đường dây tội phạm này quá phức tạp, dính dáng tới yếu tố nước ngoài. Muốn triệt phá thì còn cần ngành công an phối hợp với các nước khác”. Tán thành, BĐ Nang cho rằng: “Các anh công an phải tiếp tục mạnh tay với các đường dây tội phạm lừa đảo, vì chúng dễ biến tướng, lơi lỏng chút là nảy ra kiểu lừa đảo mới”.

Từ những ý kiến trên, BĐ Trường Lưu đề nghị: “Cũng cần đặt câu hỏi tại sao tội phạm lừa đảo lại dễ dàng tiếp cận người dân như thế. Ngoài việc hệ thống chính trị, xã hội tiếp tục tuyên truyền cho người dân hiểu rõ, còn cần tăng cường triệt phá các đường dây lừa đảo công nghệ cao xuyên quốc gia này, như công an đang làm mạnh thời gian qua”.

* Vai trò của các nhà mạng như thế nào chứ tôi thấy sim rác hằng ngày vẫn gọi lừa đảo người dân, không hề là số từ nước ngoài.

minhnguyet88

* Rất mong các cơ quan thẩm quyền phối hợp đồng bộ để đấu tranh, triệt phá tội phạm công nghệ cao, nhằm đảm bảo an toàn an ninh cho người dân.

Xuân Lê

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img