Wednesday, February 12, 2025

Tư vấn bảo hiểm sai có thể bị phạt tới 100 triệu đồng

Theo Nghị định 174 năm 2024 của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 15.2, người bán bảo hiểm không tư vấn rõ ràng nội dung hợp đồng bảo hiểm, có thể bị phạt tiền tối đa đến 100 triệu đồng.

Nghị định 174 năm 2024 của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 15.2 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, quy định mức phạt tiền đối với cá nhân có hành vi vi phạm tối đa 100 triệu đồng, với tổ chức tối đa 200 triệu đồng.

Theo khoản 2 điều 16 Nghị định 174, người bán bảo hiểm không tư vấn rõ ràng nội dung hợp đồng bảo hiểm có thể bị phạt tiền tối đa đến 100 triệu đồng. Cụ thể, phạt tiền từ 60 – 100 triệu đồng đối với doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài vi phạm một trong các hành vi:

  • Không cung cấp cho bên mua bảo hiểm các tài liệu trong quá trình giao kết hợp đồng bảo hiểm theo quy định của pháp luật, quy định tại điểm a khoản 2 điều 20 luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15
  • Không giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm theo quy định của pháp luật, quy định tại điểm b khoản 2 điều 20 luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15
  • Không cung cấp cho bên mua bảo hiểm bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm theo quy định của pháp luật, quy định tại điều 18 luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15
  • Đe dọa, cưỡng ép giao kết hợp đồng bảo hiểm, quy định tại khoản 5 điều 9 luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15.

Như vậy, theo quy định trên, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài nếu không giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm sẽ bị phạt tiền từ 60 – 100 triệu đồng.

Ngoài phạt tiền, doanh nghiệp bảo hiểm buộc giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm của các hợp đồng bảo hiểm chưa hết thời hạn hợp đồng tại thời điểm phát hiện hành vi vi phạm.

Ngoài ra, hành vi không cung cấp tài liệu hợp lệ trong quá trình giao kết hợp đồng bảo hiểm, không cung cấp bằng chứng giao kết hợp đồng, hoặc có hành vi đe dọa, cưỡng ép giao kết hợp đồng, doanh nghiệp cũng sẽ bị xử phạt tương tự. Biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm yêu cầu doanh nghiệp cung cấp các tài liệu và giải thích đầy đủ về quyền lợi bảo hiểm cho bên mua.

Nghị định 174 năm 2024 cũng quy định mức xử phạt hành vi gian lận bảo hiểm như thông đồng với người thụ hưởng để bồi thường trái pháp luật, giả mạo tài liệu hoặc tự gây thiệt hại để hưởng quyền lợi bảo hiểm. Mức phạt từ 20 – 200 triệu đồng, tùy theo số tiền chiếm đoạt hoặc thiệt hại. Đối tượng vi phạm phải hoàn trả số tiền chiếm đoạt.

Nghị định 174 cũng nêu rõ quy định phạt từ 140 – 180 triệu đồng đối với doanh nghiệp môi giới bảo hiểm vi phạm quy định về người quản lý, bao gồm phó giám đốc, phó tổng giám đốc, kế toán trưởng hoặc trưởng bộ phận nghiệp vụ không đáp ứng tiêu chuẩn theo luật; chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc không đủ tiêu chuẩn theo quy định; thay đổi các vị trí quản lý mà không có sự chấp thuận của Bộ Tài chính.

Đối với hành vi quảng cáo sản phẩm bảo hiểm nhân thọ không theo quy định pháp luật bị phạt 80 – 100 triệu đồng.

Tư vấn bảo hiểm sai có thể bị phạt tới 100 triệu đồng

Tư vấn bảo hiểm sai có thể bị phạt tới 100 triệu đồng

ẢNH: NHẬT THỊNH

Thẩm quyền xử phạt trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm

Thẩm quyền xử phạt trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm được quy định tại điều 41 Nghị định 174 năm 2024, cụ thể:

1. Người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thuộc Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm Bộ Tài chính có quyền:

  • Phạt cảnh cáo
  • Phạt tiền đến 500.000 đồng
  • Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 5 điều 3 Nghị định 174 năm 2024.

2. Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành thuộc Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm Bộ Tài chính có quyền:

  • Phạt cảnh cáo
  • Phạt tiền đến 50 triệu đồng
  • Đình chỉ hoạt động có thời hạn
  • Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 5 điều 3 Nghị định 174năm 2024.

3. Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm có quyền:

  • Phạt cảnh cáo
  • Phạt tiền đến 100 triệu đồng
  • Đình chỉ hoạt động có thời hạn
  • Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 5 điều 3 Nghị định 174 năm 2024.

4. Giám đốc Công an tỉnh có quyền:

  • Phạt cảnh cáo
  • Phạt tiền đến 50 triệu đồng
  • Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 5 điều 3 Nghị định 174 năm 2024.

5. Cục trưởng Cục An ninh kinh tế, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ có quyền:

  • Phạt cảnh cáo
  • Phạt tiền đến 100 triệu đồng
  • Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 5 điều 3 Nghị định 174 năm 2024.

6. Thanh tra viên ngân hàng có quyền:

  • Phạt cảnh cáo
  • Phạt tiền đến 500.000 đồng
  • Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 5 điều 3 Nghị định 174 năm 2024.

7. Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng có quyền:

  • Phạt cảnh cáo
  • Phạt tiền đến 70 triệu đồng
  • Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 5 điều 3 Nghị định 174 năm 2024.

8. Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng có quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 điều 40 Nghị định 174 năm 2024:

  • Phạt cảnh cáo
  • Phạt tiền đến 100 triệu đồng
  • Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 5 điều 3 Nghị định 174 năm 2024.
 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img