Friday, February 21, 2025

Nhà Lê sơ làm trong sạch chốn quan trường: Xếp đặt đúng người, đúng việc

Chính sách xếp đặt quan chức (quan chế) của nhà Lê góp phần ngăn nạn biếm công vi tư, tham ô, nhũng nhiễu dân lành. “Đã không có người nào ăn hại, mà trách nhiệm lại có nơi quy kết, khiến cho quan to, quan nhỏ đều ràng buộc với nhau; chức trọng chức khinh cùng kiềm chế lẫn nhau”, Toàn thư chép.

Quan viên không được lấy vợ nơi trị nhậm

Nhà nước định rõ tiêu chí tuyển chọn, sắp xếp, bổ dụng quan lại: “Quan chức chỉ bổ dụng người có tài cán, không vì lòng yêu thiên tư; tước lộc chỉ phong cho người hiền, không bao giờ phong đến người gian ác”, Kiến văn tiểu lục ghi. Đó là tiêu chí tài (chuyên môn) đi liền với đức (phẩm chất tốt). Năm Đinh Tỵ (1497), vua Lê Hiến Tông định lệnh chọn bổ các chức vụ khó khăn “nếu khuyết viên nào thì Lại bộ chọn lấy người nào liêm khiết, có tài, cương trực, siêng năng làm việc mà thuyên bổ”.

Nhà Lê sơ làm trong sạch chốn quan trường: Xếp đặt đúng người, đúng việc

Bản dập bia tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1478) có tên Bùi Xương Trạch trong danh sách “đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân”

NGUỒN: SÁCH VĂN BIA TIẾN SĨ VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM THĂNG LONG

Phẩm chất quan trọng nhất của người làm quan chính là sự liêm khiết, Sĩ hoạn châm quy lưu ý: “Thanh liêm là điều quan trọng nhất của người làm quan […] ngạn ngữ có câu rằng: “Trong sáu kế thì liêm đứng đầu, trong ba điều thì thanh cũng là đầu tiên”. Để ngăn ngừa tệ nạn nơi quan trường, nhà nước sắp xếp các cơ quan, tổ chức theo hướng giám sát, ràng buộc trách nhiệm. Hoạt động của Lục bộ có sự kiểm tra, giám sát và đàn hặc của Lục khoa. Đúng, sai của quan lại và vua có tai mắt từ Ngự sử đài. Sách Trị bình bảo phạm viết: “Lại bộ phải kính giữ công bằng, cân nhắc bổ dùng người, phải thận trọng dè dặt khi trao quan chức, giữ trong sạch quan trường”.

Thời Lê Thánh Tông, vua răn đe, trách phạt công thần phạm tội như Nguyễn Xí tham ô bị tịch thu bạc, Lê Lăng âm mưu làm loạn bị giết… Để dứt nạn công thần lộng quyền, vua cải cách quan chế theo hướng chuyên chế trung ương tập quyền. “Tất cả công việc của triều đình phải báo cáo trực tiếp đến nhà vua và phải được đích thân ngài quyết định”, theo Luật và xã hội Việt Nam thế kỷ XVII – XVIII của GS Yu Insun.

Đối với quan lại địa phương, năm Đinh Tỵ (1497), vua Lê Hiến Tông định lệnh “người nào có quê quán ở ngay bản phủ, huyện mình cai trị, có nhà ở gần nha môn mình làm việc, thì Lại bộ điều động đi nơi khác, chọn người khác bổ thay” để ngăn ngừa thân thích cậy thế ức hiếp, nhũng lạm dân lành. Năm Bính Ngọ (1486) “cấm quan nhận chức ở các tỉnh ngoài lấy con gái thuộc bản hạt” để tránh tình trạng nhờ oai quyền mà làm tội dân. Đối với xã trưởng, có nhiều quy định ngăn ngừa tình trạng bè cánh. “Nếu là con cô cậu, đôi con dì với nhau và thông gia cùng gả bán cho nhau đều không được cùng làm xã trưởng một xã”. Nếu xã trưởng “gian lận, ăn hối lộ, làm việc không công minh rõ ràng thì quan Hiến ty kiểm tra xem xét rồi tâu lên”, Thiên Nam dư hạ tập viết. Xã trưởng được bầu chọn phải chịu sự khảo hạch của quan châu huyện, xứng đáng mới trình lên Lại bộ chuẩn định (Lệ chọn xã trưởng năm Bính Thìn – 1496).

Làm quan phải được “bảo kết”

Năm Kỷ Sửu (1469), Nhà nước quy định bổ dụng, thăng chức cho quan lại phải do xã trưởng đứng ra “bảo kết” (làm tờ cam đoan) bảo đảm tên tuổi, giá thú, dư luận bản quán. Nếu người bảo kết “đổi trắng thay đen”, làm cho kẻ xấu được vào hàng quan chức sẽ bị thích chữ, đi đày.

Nhà Lê sơ làm trong sạch chốn quan trường: Xếp đặt đúng người, đúng việc

Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn đề cập việc xếp đặt quan chức thời Lê sơ

ẢNH: TRẦN ĐÌNH BA

Nhà nước còn có quy định kiểm tra năng lực, phẩm chất quan viên: Quan văn võ, trung quan (hoạn quan) mới được bổ thí chức (chức vụ không chính thức) thì bộ Lại tâu lên vua để cấp cho giấy khám hợp, áo mũ cân đai và 1/3 tiền lương. Sau ba năm, nhà nước khảo khóa (sơ khảo), xét thấy họ hoàn thành nhiệm vụ, xứng chức và không phạm lỗi thì thăng cấp cho thực thụ, dự hàng quan chức chính thức, không xứng thì bãi miễn cho về vị trí ban đầu. Lệ này được ban hành năm Tân Mão (1471).

Mục đích việc tổ chức, sắp xếp quan lại để đạt hiệu quả cai trị cao nhất. Quan lại phát huy được phẩm chất, năng lực của bản thân, ngăn ngừa kẻ yếu kém, thiếu năng lực (tản quan), nguy cơ tạo bè cánh (xã trưởng), dựa vào quyền thế (không cho quan trị nhậm lấy vợ ở nơi cai quản…). Những quy định đó góp phần làm cho tệ hối lộ, tham ô được giảm thiểu.

Với quan chế quy củ, nhà Lê sơ chọn được nhiều quan lại thực tài, đức độ, xứng đáng với vị trí, chức vụ của họ. Đời sau vẫn còn ca ngợi nhiều vị quan trung lương, tài giỏi như Nguyễn Bá Ký làm quan thời Nhân Tông, Thánh Tông, được vua khen “thờ vua có lòng trung, giữ mình ngay thẳng”; Bùi Xương Trạch có tiếng là “thanh liêm, kiệm ước, không mưu tính của riêng một tí nào; bổng lộc được bao nhiêu đều chia cho họ hàng làng mạc. Lòng tốt tiếng to được người đương thời tôn phục”, Lịch triều ghi nhận. Nhiều quan lại tiêu biểu cho sự thanh khiết như Hữu thị lang Bộ Lại Ngô Tuấn Kiệt thời Lê Chiêu Tông (1516 – 1522) được Kiến văn tiểu lục thông tin là người “thanh liêm, thẳng thắn, cứng rắn, trong sạch, thường mặc áo rách, ăn cơm hẩm, chỗ ở che bằng cỏ lau”.

Dù vậy, quan chế nhà Lê sơ vẫn không thải loại hết những quan lại phẩm chất kém như Trần Phong, Nguyễn Như Đổ bảo cử sai người, bị vua Lê Thánh Tông phê là “ngoài mặt thì kêu căng, trong bụng thì xu nịnh”. (còn tiếp) 


(Lược trích từ tác phẩm Nhà Lê sơ (1428 – 1527) với công cuộc chống nạn “sâu dân, mọt nước”, NXB Tổng hợp TP.HCM, có bổ sung tư liệu)

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img