Friday, February 21, 2025

Buồn cho bóng đá TP.HCM: Bao giờ cho đến ngày xưa!

Vị trí thứ 9 ở V-League 2024 – 2025 thể hiện rõ tầm vóc của CLB TP.HCM lúc này, đó là tập thể tầm trung, không bản sắc, không tham vọng và cũng không có thành tựu đáng kể dù một thời được đầu tư rầm rộ.

NGÀY BUỒN Ở SÂN THỐNG NHẤT

Trận hòa 2-2 của CLB TP.HCM trước Thanh Hóa ở vòng 13 V-League 2024 – 2025 (tối 14.2) được nhắc đến nhiều, nhưng bởi yếu tố phi chuyên môn. HLV Velizar Popov của đội khách nhận thẻ đỏ vì lỗi phản ứng. Đáng buồn khi những gì đọng lại chỉ là tranh cãi.

CLB TP.HCM từng có sức hút ở giai đoạn 2019 – 2020, khi đoạt ngôi á quân V-League 2019, cùng một suất trong nhóm đua vô địch mùa kế tiếp. Hai mùa giải ấy, đội được huấn luyện bởi ông Chung Hae-seong, người từng cùng HLV Park Hang-seo đứng trong hàng ngũ ban huấn luyện đội Hàn Quốc ở World Cup 2002, với vai trò trợ lý của HLV Guus Hiddink. Dù có lực lượng khiêm tốn, nhưng CLB TP.HCM vẫn đua vô địch sòng phẳng với Hà Nội đến những vòng cuối.

Buồn cho bóng đá TP.HCM: Bao giờ cho đến ngày xưa!

CLB TP.HCM (trái) chỉ còn là đội tầm trung

ẢNH: KHẢ HÒA

Mùa giải sau đó, đội TP.HCM mang về Nguyễn Công Phượng và Bùi Tiến Dũng để tăng sức hút. Sân Thống Nhất vẫn đông đúc và sáng đèn, khi ngoài CLB TP.HCM còn có đội Sài Gòn cũng đá tốt (về vị trí thứ ba ở V-League 2020). Song giai đoạn đỉnh cao nhanh chóng qua đi. Đội Sài Gòn xuống hạng và bị giải thể, còn CLB TP.HCM dẫu tồn tại nhưng chỉ loanh quanh chống xuống hạng.

Mùa 2023 – 2024, đội TP.HCM tiến bộ hơn khi bứt tốc ở lượt về để đứng thứ 4. Tuy nhiên mùa này “mèo lại hoàn mèo”. CLB TP.HCM hiện đứng hạng 9 với 15 điểm, hơn nhóm xuống hạng 6 điểm, nhưng thầy trò ông Phùng Thanh Phương đá nhiều hơn đối thủ xếp sau từ 1 – 2 trận. Một tập thể phải “ăn đong” mỗi mùa, khó có sức hút với khán giả. Minh chứng là 3 trận gần nhất, sân Thống Nhất chỉ đón trung bình 5.000 người đến xem.

VÌ ĐÂU NÊN NỖI?

Bóng đá TP.HCM từng vang danh ở thế kỷ trước, khi Cảng Sài Gòn, Công an TP.HCM và Hải quan thay nhau vô địch quốc gia 6 lần (giai đoạn 1986 – 2002). Hơn nửa số tuyển thủ cuối thập niên 1990 trưởng thành từ cái nôi bóng đá phía nam, đến mức tài hoa như tiền vệ Nguyễn Minh Phương khi mới đến Cảng Sài Gòn cũng phải đá hậu vệ cánh, bởi có quá nhiều đàn anh tài năng đang chen nhau ở tuyến giữa như Võ Hoàng Bửu, Hồ Văn Lợi.

Cựu cầu thủ Lưu Ngọc Hùng bồi hồi nhớ lại: “Ký ức về những trận derby bóng đá TP.HCM luôn đậm nét trong trái tim người hâm mộ. Trong đó điển hình là những trận đấu giữa Cảng Sài Gòn và Công an TP.HCM thu hút cả chục nghìn người. Cầu thủ đi đâu, khán giả theo đến đó. Nhiều người sẵn sàng đi xe đò cả trăm cây số để kéo về xem bóng đá. Sân lúc nào cũng nêm chặt người, không khí rực lửa”. Nói đến bóng đá TP.HCM là nói đến tinh thần cống hiến, vô tư và hào sảng.

“Người hâm mộ yêu thương đội bóng vì họ hiểu đây là CLB của mình, với thứ bóng đá thể hiện khí chất người miền Nam”, một cựu cầu thủ TP.HCM kể lại.

Tuy nhiên từ năm 2000, khi bóng đá VN chuyển sang cơ chế chuyên nghiệp (thay cho bao cấp), các đội TP.HCM tan rã. Chuyên gia Đoàn Minh Xương, Trưởng ban Bóng đá học đường Liên đoàn Bóng đá TP.HCM, khẳng định: “Giai đoạn 2002 – 2012, nhiều đội bóng xuất hiện ở TP.HCM, nhưng đây là những đội giống như từ nơi khác đến, chứ không được xây dựng từ nội lực bóng đá TP.HCM, nên không mang tinh thần hay bản sắc bóng đá TP.HCM. Sau đó Liên đoàn Bóng đá TP.HCM xây dựng đội trẻ TP.HCM đá chuyên nghiệp theo lộ trình từ 2013 – 2016. Rồi đội bóng được bàn giao cho doanh nghiệp, trở thành CLB TP.HCM hiện tại”.

Ông Đoàn Minh Xương khẳng định dù giàu hay nghèo, CLB TP.HCM đều thiếu chiến lược và tầm nhìn. “Đội bóng này liên tục thay HLV và cầu thủ, có mùa đổi HLV đến 4 lần. Họ mải mê mua ngôi sao mà quên đi cái thực chất, đó là đào tạo cầu thủ, xây dựng bản sắc nhằm thu hút khán giả đến sân. Vì đầu tư thiếu đồng bộ nên không có bản sắc”, ông Xương phân tích. 

CLB TP.HCM lãng phí nguồn tiền dồi dào trước đây, lãng phí cả 2 năm thành công của HLV Chung Hae-seong. Để đến khi rơi vào cảnh “chắt bóp”, trong tay HLV Phùng Thanh Phương chỉ còn lực lượng chắp vá, với những cầu thủ chỉ ở mức trung bình khá. Rất lâu rồi, CLB TP.HCM không có một tuyển thủ quốc gia nào. Dù đặt mục tiêu tốp 3 hay tốp 5, thì với lực lượng hiện tại có lẽ “Chiến hạm đỏ” chỉ loanh quanh ở nửa sau bảng xếp hạng. Đáng buồn cho một đội bóng đã có thể tiến xa, nhưng vì sự không kiên định, mà giờ chỉ còn là cái bóng quá khứ.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img