Đà Nẵng đang nỗ lực mở rộng quỹ đất công nghiệp, tìm kiếm nhà đầu tư khu công nghiệp đến với địa phương để hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội.
Theo thông tin, vốn góp của nhà đầu tư hơn 930 tỷ đồng và vốn huy động hơn 5.272 tỷ đồng. Trong đó, tiến độ xây dựng cơ bản, đưa công trình vào hoạt động hoặc khai thác vận hành Khu công nghiệp Hòa Ninh không quá 42 tháng kể từ ngày được Nhà nước bàn giao đất. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày được Nhà nước cho thuê đất.
Đến nay, quỹ đất cho công nghiệp tại Đà Nẵng đang dần hạn hẹp, địa phương đang kỳ vọng các dự án khu công nghiệp mới sớm hình thành.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Thủ tướng Chính Phủ đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư khu công nghiệp Hòa Ninh vào cuối năm 2024. Thành phố Đà Nẵng được giao nhiệm vụ hiện thủ tục chấp thuận nhà đầu tư theo quy định, mục tiêu dự án là đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, quy mô diện tích hơn 400 ha.
Hiện nay, Đà Nẵng cũng đang lựa chọn nhà đầu tư cho một khu công nghiệp khác là Hòa Cầm (giai đoạn 2) với quy mô 120 ha, tổng vốn đầu tư xây dựng hơn 2.200 tỷ đồng. Công tác lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế.
Quy trình và thủ tục đấu thầu với khu công nghiệp Hòa Cầm (giai đoạn 2) thực hiện trong khoảng 6 tháng. Còn lại với Khu công nghiệp Hòa Nhơn, Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng đang đôn đốc đơn vị tư vấn tách hồ sơ quy hoạch phân khu Khu công nghiệp Hòa Nhơn trong tổng thể quy hoạch phân khu Trung tâm lõi xanh.
Được biết, đến nay trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 6 khu công nghiệp, 1 khu công nghệ thông tin tập trung và 1 khu công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 2.300 hecta. Với thực tế quỹ đất cho công nghiệp còn ít, Đà Nẵng đã thực hiện đầu tư thêm 3 khu công nghiệp mới với tổng diện tích khoảng 700 héc ta, gồm Khu công nghiệp Hòa Ninh, Khu Công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn 2 và Khu công nghiệp Hòa Nhơn.
Ngoài việc mở rộng các khu công nghiệp mới, Đà Nẵng đã lên định hướng về việc phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao. Vì vậy, địa phương tích cực khuyến khích các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tự động hóa, và các ngành công nghiệp xanh, nhằm hướng tới một nền công nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường.
Đà Nẵng muốn các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tự động hóa, và các ngành công nghiệp xanh,… đến đầu tư và phát triển.
Để thu hút được các nhà đầu tư, Đà Nẵng đã triển khai nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn như miễn giảm thuế, hỗ trợ hạ tầng và các thủ tục hành chính đơn giản hóa để thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước. Cùng với đó, Đà Nẵng cũng khuyến khích các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp mới triển khai các giải pháp sản xuất xanh, sử dụng năng lượng tái tạo và giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường,…
Đại diện Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng thông tin đơn vị đang tiếp tục rà soát quy hoạch KCN Hòa Khánh, Khu Công nghệ cao để có đề xuất điều chỉnh phù hợp với thực tiễn và pháp luật hiện hành, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Đồng thời, Ban quản lý cũng yêu cầu các công ty hạ tầng triển khai thực hiện theo quy định thủ tục lập điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu công nghiệp hiện hữu nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất, đáp ứng nhu cầu quản lý, phát triển, thu hút đầu tư,…
Trả lời báo chí trước đó, ông Trần Chí Cường – Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cũng đã có thông tin về các vướng mắc đất đai ở khu công nghiệp Liên Chiểu và khu công nghiệp Hòa Cầm. Theo đó, nhà đầu tư không còn “mặn mà” vì thời gian đầu tư vào đây không còn nhiều, chi phí giải tỏa đền bù, các vướng mắc về mặt pháp lý liên quan đến việc giao đất, giá tiền thuê đất,… cũng ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư.
Ông Trần Chí Cường cho hay thành phố sẽ có chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ban Quản lý Khu CNC và các KCN Đà Nẵng, UBND quận Liên Chiểu và nhà đầu tư tập trung có hướng đề xuất, tháo gỡ sớm. Nếu nhà đầu tư không còn khả năng giải toả đền bù, không còn nhu cầu cao để thu hút đầu tư thì thành phố phải tính đến chuyện làm sao để khai thác được quỹ đất này ở những nội dung mới, dự án mới nhằm tránh việc lãng phí đất đai.
“Thời gian qua thành phố vẫn còn chậm thông tin liên quan đến đất đai ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để thu hút, kêu gọi đầu tư đến với doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đặc biệt là việc di dời các nhà máy trong khu dân cư vào cụm công nghiệp”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng nhìn nhận.
Sau một thời gian nỗ lực tháo gỡ, Đà Nẵng đang đặt kỳ vọng vào việc hình thành các khu công nghiệp mới trong thời gian sớm nhất và đưa các cụm công nghiệp mới vào sử dụng. Qua đó, tạo thêm quỹ đất sạch cũng như tạo đà thu hút thêm nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp xanh,… đến “đóng chân” và phát triển.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn