Thời tiết mưa rét tại miền Bắc nước ta hiện nay là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp lây lan, trong đó có cúm A.
Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ gần đây đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể các ca mắc bệnh cúm. Mỗi ngày, phòng khám của khoa tiếp nhận hàng chục trường hợp mắc bệnh cúm, trong đó có từ 2-3 người mắc cúm A. Hiện tại, khoa cũng đang điều trị hàng chục người bệnh cúm A trong tình trạng bệnh nặng, đã biến chứng, một số trường hợp phải thở oxy.
Người bệnh B.V.T. (68 tuổi, trú tại Sông Lô, Vĩnh Phúc) nhập viện trong tình trạng mệt mỏi nhiều, ăn uống kém, sốt cao, ho nhiều, khó thở, tím tái, đau tức ngực, tiểu cặn, gầy sút cân, phù nhiều hai mu bàn chân. Được biết, người bệnh có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường, suy tim, suy thận, bệnh phổi mạn tính.
Qua thăm khám, xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán người bệnh mắc cúm A, biến chứng viêm phổi. Do tuổi cao sức yếu và có nhiều bệnh nền, tình trạng của người bệnh rất yếu, phải thở oxy.
Sau 5 ngày điều trị, tuy vẫn phải thở oxy nhưng tình trạng của người bệnh đã khá hơn, người bệnh tiếp xúc tốt, đỡ mệt, ăn tốt hơn, không còn tình trạng phù.

Hình ảnh phim chụp phổi của người bệnh.
Một trường hợp biến chứng phổi do cúm A khác là người bệnh H.T.H.H. (45 tuổi, trú tại Văn Miếu, Thanh Sơn, Phú Thọ). Người bệnh có các biểu hiện sốt cao, gai rét kèm theo có đau đầu, đau mỏi cơ khớp, đã tự điều trị tại nhà ba ngày nhưng không đỡ nên đã nhập viện điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ. Kết quả xét nghiệm cho thấy người bệnh H. cũng mắc cúm A. Sau hai ngày điều trị tại bệnh viện, hiện tại người bệnh đã đỡ sốt và các biểu hiện đã nhẹ hơn.
BSCKII. Nguyễn Thị Thanh Lý, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết: Những trường hợp nêu trên chỉ là hai trong số rất nhiều người bệnh mắc cúm A bị biến chứng đang được điều trị tại khoa. Do các dấu hiệu của cúm A rất giống với cảm cúm thông thường nên người bệnh thường chủ quan không đi khám để điều trị sớm dẫn tới các biến chứng nặng nề, nhất là ở các đối tượng người cao tuổi, người mắc bệnh nền.
Một số biến chứng nguy hiểm của cúm A có thể kể đến như: Viêm phổi nặng; Viêm tai giữa; Viêm xoang; Viêm nhiễm đường tiết niệu; Phù não; Tổn thương gan; Sảy thai.
Một số trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân có thể tiến triển nặng, gặp phải một số biểu hiện như sốt cao, khó thở, tím tái do suy đa tạng và có nguy cơ tử vong cao.
Để phòng tránh các biến chứng nguy hiểm của bệnh cúm A, BSCKII. Nguyễn Thị Thanh Lý khuyến cáo người bệnh nên đi khám và điều trị càng sớm càng tốt. Ngoài ra, mỗi người nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa cúm A nói riêng và các bệnh hô hấp nói chung như:
Luôn giữ gìn vệ sinh cá nhân.
Che miệng khi hắt hơi.
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn.
Vệ sinh mũi và họng hàng ngày bằng nước muối.
Đảm bảo chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý để tăng cường sức đề kháng.
Hạn chế đến nơi tụ tập đông người.
Không nên tiếp xúc với người nghi ngờ nhiễm bệnh hoặc người đã mắc bệnh.
Đeo khẩu trang khi ra ngoài để tránh lây nhiễm bệnh.
Nên tiêm phòng cúm hàng năm, đặc biệt là đối tượng trẻ em từ 6 tháng tuổi, người già, người có bệnh lý mạn tính, phụ nữ trước khi mang thai.
Nguồn: vtv.vn