Friday, February 21, 2025

Giải bài toán mang tên “tỷ giá” năm 2025

Xu hướng tỷ giá tại Việt Nam năm 2025 dự kiến sẽ có những biến động nhất định, tiếp tục gây áp lực cho điều hành của Chính phủ và hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp.

Giải bài toán mang tên “tỷ giá” năm 2025

 

Tỷ giá sẽ ra sao?

Ngay từ những ngày đầu năm 2025, tỷ giá USD/VND đã có xu hướng căng thẳng khi đồng USD biến động khó lường, có thời điểm chỉ số DXY vượt ngưỡng 110 điểm. Trên thực tế, sức mạnh đồng bạc xanh chỉ suy giảm chút ít từ đầu tháng 2, nhất là sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump triển khai nhiều chính sách mới dự kiến tác động lớn tới nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Hiện thị trường toàn cầu đang nghe ngóng và dành nhiều sự quan tâm, chú ý đến các hành động, chính sách của ông Donald Trump, đặc biệt là một số chính sách bảo hộ nhằm nâng cao lợi ích kinh tế và bắt đầu kỷ nguyên vàng của Mỹ. Những chính sách này được nhận định sẽ có tác động rất lớn đến sức mạnh đồng USD.

Trong năm 2024, NHNN đã áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp để giảm căng thẳng tỷ giá trong bối cảnh áp lực từ toàn cầu là rất lớn. Các biện pháp này bao gồm bán ra thị trường khoảng 9,5 tỷ USD theo ước tính, đưa dự trữ ngoại hối về gần 81 tỷ USD. Điều này gián tiếp hút bớt khoảng 240 nghìn tỷ đồng ra khỏi nền kinh tế, từ đó, xoa dịu áp lực tỷ giá tại những giai đoạn mà nhu cầu USD thực để thanh toán cao điểm.

Nhiều dự báo cho thấy tỷ giá USD/VND có thể vượt 26.000 đồng năm nay, thậm chí có thể đạt mức 26.082,5 đồng vào cuối năm 2025, và đạt mức là 27.059,04 đồng vào cuối năm 2029. Theo chuyên gia về kinh tế vĩ mô và tài chính tiền tệ Trần Ngọc Báu, nếu nền kinh tế Mỹ khỏe mạnh, đồng USD sẽ tiếp tục được hưởng lợi và lãi suất của Mỹ duy trì ở mức cao. Nếu các nền kinh tế lớn khác như Trung Quốc, EU, Nhật…tiếp tục lúng túng với câu chuyện phục hồi, đồng USD có thể còn mạnh mẽ hơn nữa, kể cả khi lãi suất của Mỹ kết thúc hành trình cắt giảm.

Theo chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tỷ giá USD/VND trong năm 2025 như “sức khỏe” của đồng USD trên thế giới. Đồng USD trên thị trường quốc tế đi lên mạnh mẽ những ngày qua, gây sức ép lên giá USD tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, tỷ giá còn bị chi phối bởi lãi suất của Dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Fed giảm lãi suất thoạt nhìn có vẻ làm giảm áp lực đối với tỷ giá, tuy nhiên, tỷ giá và thị trường ngoại hối trong nước chịu tác động bởi nhiều yếu tố, không chỉ là lãi suất của Fed mà còn phụ thuộc vào cung – cầu ngoại tệ của nền kinh tế.

Ngoài ra, ông Hiếu còn cho rằng, cung – cầu ngoại tệ của nền kinh tế cũng là yếu tố ảnh hưởng mạnh đến tỷ giá. Nếu xuất khẩu cải thiện, thu hút FDI tăng thì cung ngoại tệ cải thiện, điều hành tỷ giá thuận lợi. Song nếu xuất khẩu khó khăn, hoặc nhu cầu nhập khẩu tăng, tỷ giá sẽ gặp áp lực.

Ứng phó với tỷ giá

Chia sẻ với phóng viên về câu chuyện doanh nghiệp ứng phó với tỷ giá, TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết: Thời gian qua, để vượt qua áp lực tỷ giá, các doanh nghiệp đã linh hoạt trong chiến lược kinh doanh, chuyển hướng thị trường xuất khẩu như tập trung vào các thị trường lớn khác là Nhật Bản, Trung Quốc…và vay mượn bằng đồng tiền nước đối tác. Đồng thời, doanh nghiệp cũng sử dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro để giảm thiểu tác động bất thường đến lợi nhuận. 

Doanh nghiệp đa dạng hoá đồng tiền thanh toán để phân tán rủi ro, nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu chấp nhận bỏ ra một khoản tiền để mua bảo hiểm tỷ giá, mua kỳ hạn trước để có mức chi phí cố định…

Giải bài toán mang tên “tỷ giá” năm 2025

Tỷ giá được dự báo có khả năng tiếp tục diễn biến khó lường năm 2025

Để đối phó với áp lực tỷ giá, theo ông Hiếu, Việt Nam cần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Chính phủ cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, và đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính. Đặc biệt, phải quản lý tỷ giá linh hoạt, cho phép tỷ giá biến động trong một phạm vi nhất định để phản ánh cung – cầu ngoại tệ trên thị trường. Bên cạnh đó, tăng cường dự trữ ngoại hối để có thể can thiệp vào thị trường ngoại hối khi cần thiết.

Xu hướng tỷ giá tại Việt Nam năm 2025 dự kiến sẽ có những biến động nhất định, và các yếu tố ảnh hưởng đến tỷ giá USD/VND bao gồm sức khỏe đồng USD trên thế giới, lãi suất của Fed, và cung – cầu ngoại tệ của nền kinh tế.

Đáng chú ý, ông Hiếu nhấn mạnh, Chính phủ cần thực hiện các giải pháp hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp, thông qua các chính sách như giảm thuế, hỗ trợ vốn, và đào tạo lao động…

Chính phủ, cơ quan công quyền và doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác và chia sẻ thông tin để có thể đối phó linh hoạt và hiệu quả với áp lực tỷ giá một cách hiệu quả. Chính phủ cùng doanh nghiệp cần tăng cường đầu tư vào công nghệ và đổi mới để tăng cường khả năng cạnh tranh và giảm thiểu rủi ro tỷ giá.

Đối với doanh nghiệp, trước áp lực tỷ giá, bản thân doanh nghiệp phải có chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để giảm thiểu rủi ro tỷ giá. Tăng cường chất lượng và giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu. 

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Đoàn Tùng – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chứng khoán Châu Á – Thái Bình Dương, nhà nước đã có một số biện pháp như nâng tỷ giá trung tâm giúp tăng biên trần, tuy chưa có dấu hiệu tốt ngay do còn rào cản từ các chính sách kinh tế từ Mỹ, chính sách thuế quan và các xung đột chính trị quốc tế. Cần lưu ý, không nên tăng liên tục. “Trong trường hợp tỷ giá quá tăng mạnh quá thì có thể bán USD ra giống như đã thực hiện năm 2024. Còn đối với doanh nghiệp, họ cần sử dụng các công cụ quản lý rủi ro tỷ giá như hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn, và bảo hiểm tỷ giá…”, ông Lâm nhấn mạnh.

Về lâu dài, doanh nghiệp luôn luôn ý thức tăng cường chất lượng và giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu để tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đồng thời, đẩy mạnh các chương trình hợp tác với các đối tác nước ngoài để tăng khả năng cạnh tranh và giảm thiểu rủi ro tỷ giá./.

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img