Mô hình phát triển đô thị TOD có thể là hạng mục đi đầu giúp TP HCM đạt được mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững.
TS Nguyễn Viết Thuận – Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP HCM: Nghị quyết 98/2023/QH15 là động lực để TP HCM áp dụng mô hình phát triển đô thị (TOD), trong đó, lấy giao thông công cộng làm trung tâm để thúc đẩy phát triển kinh tế.
Thuê đơn vị tư vấn quốc tế hoàn chỉnh ý tưởng
Đáng chú ý, liên quan đề xuất phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) ở khu vực Hàng Xanh (quận Bình Thạnh), tại thông báo kết luận mới đây, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi ghi nhận, đánh giá cao ý tưởng của Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (CII), góp phần cho sự phát triển chung của thành phố.
Từ cơ sở đó, ông Mãi đề nghị Công ty CII chủ động sử dụng nguồn vốn của mình để thuê đơn vị tư vấn quốc tế hoàn chỉnh ý tưởng. Đồng thời nghiên cứu hạ tầng xanh đồng bộ, thông minh, hiện đại, các cơ chế chính sách liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư (đền bù theo giá thị trường, sinh kế cho người bị ảnh hưởng, tái định cư tại chỗ…).
Liên quan đến kế hoạch triển khai đề án mo hình TOD, đại diện lãnh đạo Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (CII), cho biết phạm vi nghiên cứu dự án TOD Hàng Xanh (quận Bình Thạnh) có tổng diện tích khoảng 51,4ha. TOD Hàng Xanh đang được nghiên cứu bắt đầu từ ngã tư Hàng Xanh đến chân cầu Bình Triệu (quận Bình Thạnh, TP HCM), sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 8,5 tỉ USD tương đương khoảng 216.000 tỉ đồng.
Cũng theo CII, về định hướng nghiên cứu, khu vực này sẽ được chỉnh trang đô thị, tái định cư tại chỗ cho người dân bị ảnh hưởng, nâng cấp hạ tầng và cải thiện chất lượng sống. Nơi đây cũng được nghiên cứu xây dựng các công trình điểm nhấn, chung cư cao tầng, mảng xanh và các công trình công cộng nhằm nâng cao tính thẩm mỹ và tiện ích đô thị.
Bên cạnh đó dự án sẽ phát triển không gian đô thị ngầm, khai thác tối đa tiềm năng phát triển để tạo lập trung tâm vận chuyển công cộng. Đồng thời kết nối giao thông công cộng (bao gồm tuyến metro 3A, metro số 5 theo quy hoạch) và phát triển các khu vực văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục, trung tâm thương mại, dịch vụ.
“Khu vực nghiên cứu có 4 tuyến đường chính: Điện Biên Phủ, Nguyễn Xí, Đinh Bộ Lĩnh và Xô Viết Nghệ Tĩnh. Trong đó, Đinh Bộ Lĩnh và Xô Viết Nghệ Tĩnh là hành lang kết nối quan trọng giữa TP HCM và Bình Dương. Khu vực này có mật độ giao thông dày đặc, thường xuyên tắc nghẽn nghiêm trọng vào giờ cao điểm tại những vị trí nút cổ chai lâu năm như ngã tư Hàng Xanh, ngã năm Đài Liệt sĩ và cầu Bình Triệu. Ngoài ra nghiên cứu sẽ bao gồm khu vực bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh), vị trí này vẫn thu hút lượng giao thông lớn mặc dù bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức) đã đi vào hoạt động. Khu vực xung quanh có nhiều tòa nhà dân cư thấp tầng nhưng mật độ cao. Tại khu vực dự án sẽ có tuyến metro số 3B, metro số 5 và một số tuyến giao thông công cộng khác. Theo quy hoạch, trong phạm vi khu vực nghiên cứu sẽ có hai nhà ga metro gồm Hàng Xanh và Miền Đông”, đại diện CII thông tin.
KTS Ngô Viết Nam Sơn: đề án mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD) có thể là hạng mục đi đầu giúp TP HCM đạt được mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững
Nghị quyết 98 là động lực thúc đẩy
Đánh giá về tính hiệu quả khi áp dụng mô hình TOD, TS Nguyễn Viết Thuận – Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP HCM, cho rằng trước tiên cần phải hiểu TOD (Transit Oriented Development) là một mô hình phát triển đô thị, trong đó, lấy giao thông công cộng làm trung tâm để thúc đẩy phát triển kinh tế. Mô hình này nhằm mục đích giảm thiểu nhu cầu sử dụng phương tiện cá nhân, khuyến khích người dân sử dụng giao thông công cộng và tạo ra các khu đô thị bền vững, thân thiện với môi trường.
“Các khu đô thị phát triển theo mô hình TOD thường được xây dựng xung quanh các ga tàu điện ngầm, xe buýt hoặc các phương tiện giao thông công cộng khác. Nơi này có mật độ dân cư cao và nhiều tiện ích như nhà ở, văn phòng, thương mại, dịch vụ, giải trí,… Các khu đô thị được thiết kế để có thể đi bộ, đạp xe hoặc sử dụng phương tiện giao thông công cộng một cách dễ dàng mà không phải đi xa.
Cũng theo TS Nguyễn Viết Thuận, hiện nay, mô hình TOD đang được áp dụng ở nhiều thành phố lớn trên thế giới và đã mang lại những kết quả tích cực như: NewYork (Mỹ), London (Anh), Bắc Kinh (Trung Quốc), Tokyo (Nhật bản)… Do đó, nếu Việt Nam áp dụng mô hình TOD sẽ là cơ hội lớn, đặc biệt TP HCM – một thành phố được mệnh danh là trung tâm kinh tế- thương mại lớn nhất của cả nước với lợi thế có được từ Nghị quyết 98/2023/QH15 về cơ chế đặc thù sẽ là động lực thúc đẩy mạnh mẽ cho việc thu hút đầu tư và phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững.
Đồng quan điểm, KTS Ngô Viết Nam Sơn, cho rằng đề án mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD) có thể là hạng mục đi đầu giúp TP HCM đạt được mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững. Bởi, trên thực tế Nghị quyết 98 đã đưa ra những định hướng chiến lược để phát triển TOD. Tuy nhiên, Trung ương phải điều chỉnh các pháp lý liên quan để TP HCM có cơ chế thông thoáng thực hiện hiệu quả từ việc đền bù giải tỏa, đấu giá đất, xác định ranh giới ảnh hưởng của TOD, kêu gọi đầu tư… Bên cạnh đó, kinh phí để làm TOD rất lớn nhưng có khả năng sinh lời cao. Do đó TP HCM cần chuẩn bị các nguồn kinh phí để thực hiện, với sự hỗ trợ từ Trung ương. Mặt khác, TP HCM cũng có thể hình thành tập đoàn TOD hoặc tổ hợp nhà đầu tư trên nền tảng một nhóm nhà đầu tư có tiềm lực để chung sức về tài chính, nghiên cứu, quản lý để đảm bảo vận hành hệ thống hiệu quả.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn