Friday, February 21, 2025

Nhiều hội xin hỗ trợ kinh phí, TP.HCM giải đáp ra sao?

Sở Tài chính và Sở Nội vụ TP.HCM khẳng định việc các hội, quỹ tự nguyện thành lập đề xuất ngân sách hỗ trợ kinh phí hoạt động là không có cơ sở xem xét.

Đây là giải đáp được nêu trong văn bản của UBND TP.HCM vừa gửi các tổ chức hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ và các tổ chức quỹ có phạm vi hoạt động cấp thành phố. Trong các kiến nghị gửi về, vấn đề thiếu nhân sự và kinh phí hoạt động được các hội, quỹ đề cập nhiều nhất.

Đơn cử như Hội Cựu thanh niên xung phong TP.HCM đề xuất điều chỉnh, bổ sung biên chế và chế độ thù lao phù hợp cho cán bộ chuyên trách ở các Hội cựu thanh niên xung phong quận, huyện và phường, xã.

Về vấn đề này, Sở Nội vụ TP.HCM giải đáp hiện Hội Cựu thanh niên xung phong quận, huyện không phải là hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, không giao biên chế mà tùy theo tình hình từng quận, huyện hỗ trợ kinh phí hoạt động.

Nhiều hội xin hỗ trợ kinh phí, TP.HCM giải đáp ra sao?

Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM đề xuất viên chức, nhân viên của hội được hưởng chế độ như các hội đặc thù khác

ẢNH: SỸ ĐÔNG

Ở cấp độ địa phương, UBND H.Củ Chi cho biết Hội Cựu công an nhân dân huyện mới được thành lập nên chưa có kinh phí để hoạt động, hội phải tự lực về kinh phí. Bên cạnh đó, công an huyện chưa có nguồn kinh phí riêng để hỗ trợ một số hoạt động thường xuyên và đột xuất.

Nguồn kinh phí sử dụng chủ yếu là do hội viên tự đóng góp, vận động xã hội hóa và ban chỉ huy công an huyện hỗ trợ. Do vậy, H.Củ Chi đề xuất chủ trương hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Hội Cựu công an nhân dân huyện.

Trả lời đề xuất này, Sở Tài chính TP.HCM viện dẫn Quyết định 1660 năm 2022 của UBND TP.HCM về xác định danh sách hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi địa phương thì Hội Cựu công an nhân dân H.Củ Chi không thuộc danh sách hội có tính chất đặc thù. Do vậy, Sở Tài chính khẳng định không có cơ sở đề xuất kinh phí hoạt động đối với nội dung này.

Với đề xuất của Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM về việc hưởng chế độ như các hội đặc thù khác, Sở Nội vụ cho biết hiện UBND TP.HCM đang tập trung nguồn lực để sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị.

Bên cạnh đó còn xây dựng chính sách, phương án bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức và người làm việc theo chế độ hợp đồng dôi dư sau khi thực hiện sắp xếp, tổ chức bộ máy hành chính.

Sau khi TP.HCM hoàn thành công tác sắp xếp bộ máy, Sở Nội vụ sẽ phối hợp Sở Tài chính và các cơ quan, đơn vị tham mưu UBND TP.HCM rà soát khả năng cân đối của ngân sách để báo cáo HĐND TP.HCM xem xét điều chỉnh chính sách chi thu nhập tăng thêm cho phù hợp.

Ngân sách hỗ trợ kinh phí cho tất cả hội là bất khả thi

Trao đổi với PV Thanh Niên, PGS-TS Vũ Tuấn Hưng, Phó viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ cho biết, mỗi hội khi thành lập đều có vai trò, vị trí riêng và có đóng góp nhất định cho xã hội. Dù vậy, tình trạng các hội, quỹ thành lập ra rồi xin ngân sách hỗ trợ vẫn diễn ra, không chỉ ở TP.HCM mà còn ở các địa phương khác.

Chuyên gia này cho rằng trong xu hướng tinh gọn bộ máy thì phải đề cao các hoạt động tự chủ, thực sự hiệu quả, thông qua đó huy động nguồn lực để vận hành, tồn tại. Do vậy, việc sử dụng ngân sách cho các hội cần cân nhắc bởi nhà nước không thể đủ nguồn lực để bố trí, hỗ trợ cho tất cả các hội, quỹ.

Nhiều hội xin hỗ trợ kinh phí, TP.HCM giải đáp ra sao?

PGS-TS Vũ Tuấn Hưng, Phó viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ cho rằng việc hỗ trợ ngân sách đại trà các hội là bất khả thi

ẢNH: SỸ ĐÔNG

“Khi nhà nước đang tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế thì việc cấp kinh phí thường xuyên, thường niên đại trà cho tất cả hội là không đúng chủ trương, không khả thi và không phù hợp xu hướng thế giới”, ông Hưng nhận định.

Chuyên gia này đề xuất ngân sách nhà nước không nên hỗ trợ những hội không mang tính đặc thù, thay vào đó khuyến khích những hội này vận hành theo cơ chế tự chủ.

Cũng theo PGS-TS Vũ Tuấn Hưng, khi thực hiện chính sách tinh gọn bộ máy và chống lãng phí thì các hội lớn trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học cũng phải từng bước tự chủ. Những hội nào hoạt động hiệu quả, tự chủ kinh phí, có uy tín, năng lực thì hoạt động bình thường.

25 hội có tính chất đặc thù ở TP.HCM

Theo Quyết định 1660 ngày 19.5.2022 của UBND TP.HCM về việc xác định danh sách hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi TP.HCM, trên địa bàn có 25 hội đặc thù:

1. Liên Hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật

2. Liên Hiệp các tổ chức hữu nghị

3. Liên Hiệp các hội Văn học nghệ thuật

4. Hội Nhà văn

5. Hội Âm nhạc

6. Hội Điện ảnh

7. Hội Nghệ sĩ múa

8. Hội Kiến trúc sư

9. Hội Mỹ thuật

10. Hội Sân khấu

11. Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số

12. Hội Nhiếp ảnh

13. Hội Nhà báo

14. Hội Luật gia

15. Hội Y học

16. Hội Đông y

17. Liên minh Hợp tác xã

18. Hội Chữ thập đỏ

19. Hội Người mù

20. Hội nạn nhân chất độc da cam dioxin

21. Hội Cựu Thanh niên xung phong

22. Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi

23. Hội Khuyến học

24. Hội Sinh viên

25. Hội Chữ thập đỏ thành phố Thủ Đức, Hội Chữ thập đỏ các quận, huyện và Hội Chữ thập đỏ phường, xã, thị trấn.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img