Friday, February 21, 2025

Ôn thi tốt nghiệp THPT ra sao khi siết dạy thêm, đề thi thay đổi?

Học sinh lớp 12 năm nay không tránh khỏi lo lắng khi vừa thi theo chương trình mới, cách ra đề thi thay đổi, lại vừa xoay xở khi đợt ôn thi nước rút lại là thời điểm thực hiện quy định mới về dạy thêm.

NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA ĐỀ THI TỐT NGHIỆP NĂM 2025

GS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho biết: Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có những điểm mới so với các kỳ thi trước. Cụ thể, đề thi từ năm nay không chỉ kiểm tra kiến thức mà tập trung hướng đến nhiều hơn việc đánh giá năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Theo đó sẽ có nhiều câu hỏi được xây dựng từ các tình huống thực tế trong đời sống, khoa học, xã hội, giúp thí sinh (TS) thấy rõ mối liên hệ giữa kiến thức học được và thế giới xung quanh.

Ôn thi tốt nghiệp THPT ra sao khi siết dạy thêm, đề thi thay đổi?

Học sinh lớp 12 tham gia chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên năm 2025 tại Bình Dương ngày 16.2

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Kết quả thi tốt nghiệp THPT được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, trong đó vừa sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đánh giá lại quá trình dạy, học và vừa để các cơ sở giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng để xét tuyển sinh theo tinh thần tự chủ, do đó đề thi sẽ được thiết kế để có sự phân hóa rõ ràng giữa các nhóm TS.

“Một điểm mới đáng chú ý là môn ngữ văn có thể sẽ sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa khi xây dựng đề thi. Điều này giúp đánh giá khả năng đọc hiểu và cảm thụ văn bản của học sinh (HS) trong các tình huống thực tế, tránh học tủ, học thuộc lòng máy móc. Ngữ liệu có thể bao gồm các đoạn văn, thơ, hoặc tình huống mang tính thời sự, đời sống xã hội…”, ông Chương chia sẻ.

HƯỚNG ÔN TẬP THEO CHƯƠNG TRÌNH MỚI

Về định hướng ôn thi theo cách ra đề mới, PGS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho rằng: Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hướng đến việc hình thành năng lực, phẩm chất người học và đề kiểm tra, đề thi cũng nhằm mục đích này. Vì vậy ở ngay giai đoạn ôn tập, HS cần ý thức được ở mỗi chủ đề/bài học, chương trình yêu cầu người học đạt được điều gì và nội dung được học có thể ứng dụng để giải quyết những vấn đề gì trong thực tiễn. “Các em cần lưu ý phải tự lực thực hiện việc hệ thống hóa kiến thức, chứ không sao chép của người khác hay nhờ người khác làm giúp”, ông Thành nói.

Cũng theo PGS Nguyễn Xuân Thành, quá trình hệ thống hóa kiến thức chính là quá trình tự học để nắm vững kiến thức trong mối quan hệ với những kiến thức khác trong chương trình cũng như những ứng dụng của kiến thức thực tiễn, từ đó giúp HS ghi nhớ sâu và cũng hiểu được phần nào mình hiểu chắc chắn, phần nào còn yếu, còn chưa rõ để tự ôn tập thêm hoặc nhờ thầy cô hỗ trợ, giảng giải thêm. Bên cạnh việc hệ thống kiến thức (lý thuyết), HS cần làm bài tập. Không cần làm số lượng quá nhiều, không làm những dạng bài nâng cao mang tính thách đố mà bám sát nội dung cốt lõi. Làm sao đảm bảo số lượng bài ít nhất có thể nhưng bao quát được tất cả các dạng/yêu cầu.

Ôn thi tốt nghiệp THPT ra sao khi siết dạy thêm, đề thi thay đổi?

Học sinh lớp 12 tìm hiểu thông tin tuyển sinh của các trường ĐH

ĐỂ KHÔNG ĐỨT GÃY VIỆC ÔN THI

Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực vào thời điểm đã qua gần nửa học kỳ 2, thời điểm ôn thi nước rút của các nhà trường. Do vậy, tâm lý lo lắng, cảm giác bị “bỏ lửng” là không tránh khỏi với nhiều HS và cả phụ huynh.

Tuy nhiên, ghi nhận thực tế cho thấy các trường và địa phương đang tìm mọi cách để việc ôn tập, ôn thi cho HS ít ảnh hưởng nhất. Trường THPT Lưu Hoàng (Hà Nội) cho biết ngay từ đầu năm học tổ chức cho HS đăng ký môn thi tốt nghiệp THPT và xây dựng kế hoạch ôn thi phù hợp với từng lớp, HS trên tinh thần tự nguyện của HS. Hầu hết là dạy học chính khóa song song với ôn tập, ôn thi để không gây quá tải cho cả người dạy và người học, các em cũng không phải đóng phí.

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, chia sẻ: “Quan điểm chỉ đạo của Sở GD-ĐT là HS cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường. Việc bảo đảm HS có đủ kiến thức, kỹ năng theo quy định là trách nhiệm của nhà trường, giáo viên (GV). Hầu hết GV các trường học trên địa bàn Hà Nội đều nỗ lực hỗ trợ HS đáp ứng yêu cầu của chương trình mới, có nhiều mô hình, sáng kiến hay trong việc phụ đạo HS yếu, kém cũng như nâng chất lượng các kỳ thi”.

“Nhằm tăng cường nguồn lực cho các nhà trường, Sở GD-ĐT Hà Nội đang tích cực đề nghị các cấp thẩm quyền, HĐND TP ban hành nghị quyết hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng cho HS ôn tập”, ông Cương cho biết thêm.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT Nam Định cũng cho hay đã hướng dẫn cụ thể về vấn đề này, trong đó yêu cầu các trường phân công GV dạy đảm bảo mức tối đa định mức tiết dạy. Ưu tiên bố trí GV có năng lực tốt để dạy các lớp ôn thi…

Tương tự, Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc yêu cầu: “Hiệu trưởng các nhà trường động viên, khuyến khích GV xây dựng kế hoạch, chủ động phối hợp với phụ huynh để giúp đỡ HS ôn tập, quản lý HS ngoài giờ học, củng cố kiến thức, đồng thời chủ động cân đối nguồn ngân sách đã được cấp, điều chỉnh bổ sung quy chế chi tiêu nội bộ để hỗ trợ GV dạy ôn thi tốt nghiệp THPT”.

HS thi lại tốt nghiệp THPT năm nay sẽ ra sao?

Việc bảo đảm quyền lợi cho các TS học Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) cũ (không học theo Chương trình GDPT 2018) là vấn đề được nhiều người quan tâm.

GS Huỳnh Văn Chương chia sẻ: Trong Thông tư ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đã có điều khoản chuyển tiếp riêng về vấn đề này. Cụ thể, năm 2025 Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức xây dựng 2 bộ đề thi (1 bộ đề thi theo Chương trình GDPT 2006, 1 bộ đề thi theo Chương trình GDPT 2018). Các TS học theo Chương trình 2006 và trước đó, chưa tốt nghiệp sẽ được dự thi với đề thi được xây dựng theo Chương trình 2006 (tương tự như đề thi năm 2024 và các năm trước đó).

Các TS học theo Chương trình 2006, đã tốt nghiệp THPT nhưng có mong muốn dự thi năm 2025 để lấy kết quả xét tuyển sinh ĐH, CĐ có thể chọn để dự thi theo đề thi của Chương trình 2006 hoặc đề thi theo Chương trình 2018. Việc tổ chức thi cho các TS dự thi theo đề thi của Chương trình 2006 sẽ được giữ ổn định như năm 2024.

Về số môn thi, để xét tốt nghiệp THPT, TS thi Chương trình 2006 phải thực hiện quy chế thi cũ nên vẫn phải thi đủ 6 môn thay vì 4 môn như quy chế mới.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img