Để đạt mức tăng trưởng 2 con số năm 2025, theo cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên đây là mục tiêu hoàn toàn khả thi và doanh nghiệp là lực lượng tiên phong.
Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên gặp mặt cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp trong tỉnh đầu Xuân Ất Tỵ 2025 để cổ vũ, khích lệ, động viên tinh thần sản xuất, kinh doanh cho 1 năm “vươn mình” của tỉnh. Ảnh: Vũ Phường
Ngày 14/2/2025, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp đầu Xuân Ất Tỵ năm 2025. Tham dự Chương trình có ông Trịnh Việt Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên; Nguyễn Huy Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể, huyện, thành phố, các hiệp hội doanh nghiệp trong tỉnh và hơn 100 doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Huy Dũng biểu dương, ghi nhận đóng góp tích cực của các doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế – xã hội chung của tỉnh.
Năm 2024, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Thái Nguyên đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận trong tất cả các lĩnh vực. Tổng số thu ngân sách của tỉnh năm 2024 là 20.409 tỷ đồng,vượt 26,6% dự toán Trung ương giao và 4,6% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 2,5% so với năm 2023; tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 6,22%.
Năm 2025, Thái Nguyên đặt mục tiêu tăng trưởng ít nhất 10,5%, vượt 2% so với chỉ tiêu được Chính phủ giao; thu ngân sách nhà nước đạt và vượt 23.600 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư toàn xã hội cần huy động khoảng 100 nghìn tỷ đồng.
Tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến thời điểm hiện nay là 10.764 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký là 153.990 tỷ đồng. Số doanh nghiệp thành lập mới năm 2024 đạt 1.100 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 10.000 tỷ đồng.
Trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới còn nhiều khó khăn, thách thức, Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn các doanh nhân, doanh nghiệp tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò, sứ mệnh đối với phát triển kinh tế – xã hội; năng động, sáng tạo; không ngừng nâng cao trình độ quản lý, áp dụng khoa học – kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh… để góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu theo kế hoạch.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Huy Dũng mong muốn các doanh nhân, doanh nghiệp tiếp tục phát huy vai trò, sứ mệnh trong sản xuất, kinh doanh để góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu theo kế hoạch của tỉnh năm 2025. Ảnh: Vũ Phường
Đại diện cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp tỉnh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Văn Thời, chia sẻ, cộng đồng doanh nghiệp quyết tâm hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2025 và phấn đấu đạt mức tăng trưởng 2 con số. Đất nước Việt Nam từ năm 2025 bắt đầu bước vào kỷ nguyên vươn mình, bứt tốc đi lên hùng cường, thịnh vượng thì doanh nghiệp chúng ta phải là lực lượng tiên phong đi đầu!
Năm 2024, Thái Nguyên tự hào có 04 doanh nghiệp nằm trong Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, trong đó có 03 doanh nghiệp Việt Nam là Masan High- tech Materials, TNG và Thái Hưng, 01 doanh nghiệp FDI là Sam Sung; Và có 05 doanh nghiệp thuộc TOP100 Doanh nghiệp phát triển bền vững là TNG, Masan High- tech Materials và CTCP Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thái Nguyên, CTCP Prime Phổ Yên; Đối với Giải thưởng Sao Vàng Đất Việt năm 2024, Thái Nguyên tự hào được vinh danh 02 doanh nghiệp là Doanh nghiệp Hà Lan và Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo,…
Cộng đồng doanh nghiệp hết sức phấn khởi và tin tưởng, khi Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định:“Sứ mệnh của Đảng hiện nay là phải lãnh đạo, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh…”.
Một trong những yếu tố then chốt để đạt được tăng trưởng kinh tế 2 con số, là thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân. Đối với tỉnh Thái Nguyên – liên tục từ năm 2012 đến nay, đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh – cũng chính là thực hiện nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân. Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn trong năm 2025 và các năm tiếp theo, hoạt động này được tỉnh quan tâm và thực hiện hiệu quả hơn nữa, đặc biệt là tập trung tháo gỡ các dự án đầu tư bị vướng mắc mà Hiệp hội Doanh nghiệp đã có ít nhất 03 văn bản báo cáo UBND tỉnh và Sở Kế hoạch đầu tư, tình trạng này đang gây nên lãng phí rất lớn nguồn lực xã hội.
Mặc dù không ít thuận lợi nhưng hơn 900.000 doanh nghiệp tư nhân (trong đó Thái Nguyên có trên 10.000 doanh nghiệp); 5 triệu hộ kinh doanh (Thái Nguyên có khoảng 30.000 hộ) vẫn còn nhiều khó khăn rào cản cần cải thiện loại bỏ để tăng tốc bứt phá. Theo báo cáo khảo sát của Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, hiện nay có 5 khó khăn lớn mà doanh nghiệp đang đối diện, đó là: Thứ nhất, khó khăn về đơn hàng. Thứ hai, nguy cơ hình sự hoá các giao dịch kinh tế, Thứ ba: khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục hành chính và đáp ứng đúng các quy định pháp luật, Khó khăn thứ tư: về dòng tiền và nguồn vốn. Thứ năm: Khó khăn trong nắm bắt kịp thời các chính sách của Nhà nước.
Chúng tôi mong muốn những khó khăn, rào cản sẽ sớm được gỡ bỏ, mong có sự chia sẻ để doanh nghiệp tập trung chú trọng, dốc sức phát triển kinh tế, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh!
Trong số những việc cần làm ngay, Tỉnh Thái Nguyên đã đi đầu – sáng tạo khi phát động cuộc thi “Đổi mới sáng tạo – Vì Thái Nguyên thân yêu”. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cam kết thực hiện tốt vai trò “Liên kết – Cầu nối – Điểm tựa” cho cộng đồng doanh nghiệp, hỗ trợ động viên để các doanh nghiệp tăng vốn đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh góp phần hoàn thành thắng lợi đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số…. Hướng tới Thái Nguyên trong hành trình chuyển đổi “Thái Nguyên Số – Xanh – Hạnh phúc”!
Đại diện chuyên gia, doanh nghiệp nêu ý kiến tại Hội nghị
Tại hội nghị, các chuyên gia đến từ Cục phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng một số tập đoàn, công ty đã có những ý kiến tham luận về vấn đề phát triển doanh nghiệp, phát triển thương mại điện tử; xu hướng phát triển thêm kênh tiêu thụ sản phẩm bên cạnh các kênh truyền thống; doanh nghiệp và chuyển đổi số; cơ chế, chính sách mới của Nhà nước về thúc đẩy, hỗ trợ DN nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Liên quan đến lĩnh vực phát triển doanh nghiệp, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh: Đảng và Nhà nước đang dành sự quan tâm rất lớn tới phát triển doanh nghiệp, những cơ chế, chính sách lớn gợi mở cho phát triển địa phương như Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và Nghị định số 182/NĐ-CP quy định về thành lập, quản lý và sử dụng quỹ hỗ trợ đầu tư sẽ là cơ hội lớn để doanh nghiệp địa phương, trong đó có Thái Nguyên nắm bắt để phát triển
Bà Vũ Xuân Linh, Giám đốc Đối tác chiến lược (Thị trường Việt Nam) Tập đoàn Sea Limited (đơn vị sở hữu Sàn thương mại điện tử Shopee) đánh giá cao sự sáng tạo, thích ứng nhanh chóng với biến đổi thị trường của các doanh nghiệp Thái Nguyên, song cũng đề xuất các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ của địa phương cần bứt phá hơn nữa trong tư duy thương mại điện tử để có cách làm bài bản hơn, khoa học và hiệu quả hơn.
Đại diện doanh nghiệp FDI, Ông Songjaeun, Giám đốc Tài chính, Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam bày tỏ trân trọng với sự đồng hành, hỗ trợ ý nghĩa và hiệu quả từ lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên với sự phát triển của Công ty trong suốt từ quá trình thành lập cho đến nay. Đồng thời cam kết sẽ tiếp tục sản xuất kinh doanh phát triển để đáp ứng được kỳ vọng của các đồng chí lãnh đạo tỉnh cũng như đóng góp cho phát triển kinh tế của Thái Nguyên.
Thái Nguyên đặt mục tiêu đến năm 2025, địa phương sẽ có 11.600 doanh nghiệp, trong đó 4.100 doanh nghiệp đăng ký mới, tổng số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là 57.370 tỷ đồng…
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn