Friday, February 21, 2025

Nhu cầu vốn doanh nghiệp tăng cao từ đầu năm

VTV.vn – Dư nợ tín dụng toàn hệ thống tính đến đầu tháng 2, đạt 15,65 triệu tỷ đồng. Ngay từ đầu năm, ngành ngân hàng đã tìm cách khơi thông, mở rộng dòng chảy vốn ra nền kinh tế.

Bám sát chỉ đạo xuyên suốt của Thủ tướng Chính phủ: tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, là điểm tựa cho người dân, doanh nghiệp, sự phát triển của đất nước. Trong bối cảnh 2025 là năm tăng tốc và bứt phá của cả nền kinh tế, với mục tiêu tăng trưởng đạt trên 8%, hướng tới tăng trưởng kinh tế 2 con số. Tín dụng ngân hàng, do đó, sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng, hỗ trợ đà tăng trưởng. Ngay từ đầu năm, ngành ngân hàng đã và đang tìm cách khơi thông, mở rộng dòng chảy vốn ra nền kinh tế.

Khác với bức tranh trầm lắng khi dòng vốn ngân hàng thường có xu hướng chững lại, thậm chí là co hẹp những tháng đầu năm trước. Như tháng 1/2024, tín dụng giảm 0,6%, phải đến tháng 4 mới bắt đầu hồi phục tích cực. Năm nay, tín dụng toàn hệ thống đã tăng trưởng dương, dù mức tăng còn khiêm tốn, 0,19%. Hiện dư nợ tín dụng toàn hệ thống, tính đến đầu tháng 2, đạt 15,65 triệu tỷ đồng. Cầu vốn đến từ các hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu, trong bối cảnh đơn hàng mới liên tục được ký kết.

Nhu cầu vốn doanh nghiệp tăng cao từ đầu năm - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, nhu cầu vốn cần rất lớn do giá cà phê tăng gấp 3 lần.

Với các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu nông sản, nhu cầu vốn hiện rất lớn. Chẳng hạn, với doanh nghiệp Phúc Sinh chuyên xuất khẩu cà phê và hạt tiêu, doanh nghiệp cần khoảng 1.000 tỷ đồng/tháng, bởi giá cà phê tăng gấp 3 lần, hạt tiêu cũng tăng hơn 2 lần.

Ông Phan Minh Thông – Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group cho hay: “Chúng tôi giải ngân khoảng 1.000 tỷ/tháng, tăng khoảng gần như 100 % so với năm 2024. Vấn đề duy nhất là hạn mức của chúng tôi vì giá tăng gấp, bất chấp như thế thì hạn mức của chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong nâng hạn mức để sản xuất, hoạt động kinh doanh”.

Đối với các doanh nghiệp cà phê trong nước, khi giá nguyên liệu tăng cao, việc giải quyết được vướng mắc về dòng tiền giúp doanh nghiệp xây dựng được mức giá bán hợp lý. Đặc biệt, khi giá cà phê rang xay đã lên mức khoảng 200.000 đồng/kg.

“Cần sân bãi rộng để mình có thể sản xuất, phơi phóng theo đúng ý của mình, kho xưởng để trữ hàng cà phê. Sản lượng cà phê mỗi năm khoảng 200 tấn thì số tiền cũng rất lớn. Thông thường hàng năm tôi sẽ cần nguồn tài trợ của ngân hàng, khoảng 40-50% số tiền cần để trữ hàng”, ông Hoàng Việt – Giám đốc Laha Café chia sẻ.

Hiệp Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp trong ngành cũng tăng cao từ đầu năm. Nguyên nhân bởi nhu cầu tích trữ nguyên liệu để đảm bảo đơn hàng xuất khẩu cũng như kiểm soát được giá cả hàng hóa tốt nhất để kích cầu tiêu dùng trong năm 2025.

Bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội Lương thực – Thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết: “Nếu muốn xuất khẩu ổn định, kể cả nhóm hàng hóa tiêu thụ nội địa thì đều phải có một sự chuẩn bị về nguồn vốn của mình để có nguyên vật liệu dự trữ. Ví dụ như đối với mặt hàng gạo, hiện nay giá gạo đang có chiều hướng đi xuống nhưng doanh nghiệp muốn làm hàng xuất khẩu cũng phải có nguồn vốn để dự trữ. Nhưng doanh nghiệp hiện nay đang gặp những cái khó là muốn tăng thêm nguồn vay, tăng thêm nguồn vốn thì phải có thêm tài sản thế chấp”.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp cũng mong muốn, trong khi giá nhiều loại nguyên liệu biến động tăng, doanh nghiệp cũng cần thêm sự hỗ trợ, bên cạnh những ưu đãi về lãi suất. Chẳng hạn, đối với những doanh nghiệp có các hợp đồng tiêu thụ tốt cả trong nội địa và xuất khẩu thì nên xét duyệt thêm hạn mức, phù hợp với nhu cầu vốn của doanh nghiệp.

Ngân hàng đẩy mạnh cung ứng vốn

Nhu cầu vốn doanh nghiệp tăng cao từ đầu năm - Ảnh 2.

Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay khoảng 16%, tương ứng sẽ có thêm 2,5 triệu tỷ đồng vốn mới được các ngân hàng giải ngân.

Nhu cầu tích cực, việc cung ứng vốn ra nền kinh tế khởi sắc ngay từ những tháng đầu năm, sẽ giúp tạo đà cho tăng trưởng tín dụng cả năm. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay khoảng 16%, tương ứng sẽ có thêm 2,5 triệu tỷ đồng vốn mới được các ngân hàng giải ngân.

Qua trao đổi, chúng tôi cũng ghi nhận ý kiến từ nhiều chuyên gia kinh tế, con số tăng trưởng tín dụng tuy cao nhưng không phải là mục tiêu quá thách thức trong bối cảnh các động lực của nền kinh tế đều dự báo sẽ có sự bứt phá: từ sản xuất, tiêu dùng nội địa, tới đầu tư công. Bức tranh tín dụng năm nay sẽ rất khác biệt với nguồn cung tín dụng được rải đều trong năm, thay vì tập trung vào một số thời điểm.

Tháng 1, ngân hàng đã đạt mức tăng trưởng tín dụng xấp xỉ 2%, cao hơn so với mức tăng khoảng 1,5% cùng kỳ năm 2024. Tốc độ giải ngân tương đối đều, cả mảng khách hàng doanh nghiệp lẫn cá nhân.

Với việc đầu tư vào công nghệ, giúp ngân hàng hiểu khách hàng hơn, chủ động trong việc tiếp cận cũng như mở rộng tệp khách hàng, trong đó có các khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ông Phạm Hồng Hải – Tổng Giám đốc Ngân hàng Phương Đông OCB cho hay: “Chúng tôi cũng đi theo 1 chiến lược khác. Thay vì chúng tôi phục vụ bằng cách đi đánh nhỏ lẻ từng khách hàng SME thì bây giờ chúng tôi thành lập 1 trung tâm ngân hàng dữ liệu, với trung tâm dữ liệu này sẽ giúp chúng tôi định vị rất rõ đâu là nhóm khách hàng SME mục tiêu và đâu là những giải pháp tài chính phù hợp với nhóm khách hàng này”.

“Nhu cầu tín dụng của các khách hàng doanh nghiệp, đặc biệt phân khúc khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhu cầu rất cao, chúng tôi cũng tăng trưởng vào phân khúc đó. Chúng tôi tập chung nhiều vào nhóm ngành thuộc khu vực nông thôn, ngành liên quan đến năng lượng tái tạo“, ông Trần Hoài Nam – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng HDBank chia sẻ.

Bên cạnh việc mở rộng tiếp cận khách hàng mục tiêu, giữ chân khách hàng bằng sản phẩm, dịch vụ, và quan trọng là giá vốn cũng là ưu tiên của các ngân hàng. Các ngân hàng đang tìm cách huy động những nguồn vốn giá rẻ, như nguồn tiền gửi không kỳ hạn CASA.

“Chúng tôi tập trung vào 3 nhóm khách hàng, thứ nhất là khách hàng khá giả, thứ 2 là phân khúc hộ kinh doanh, chúng tôi muốn đẩy mạnh các giải pháp để làm sao quản lý các hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh sẽ dễ dàng thuận lợi hơn. Thứ 3 là đối với doanh nghiệp chúng tôi cũng tăng cường thu hút doanh nghiệp vừa và lớn để dòng tiền chảy về và liên tục luân chuyển. Chúng tôi đưa ra các giải pháp để làm sao quản lý dòng tiền của họ tốt nhất để đẩy mạnh CASA”, ông Từ Tiến Phát – Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB cho hay.

Theo các chuyên gia, dù chịu nhiều tác động từ bên ngoài như đồng USD mạnh lên gây tác động lên tỷ giá, hay căng thẳng thương mại trên thế giới, nhưng chính sách tiền tệ linh hoạt sẽ giúp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân – Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Dòng vốn tín dụng chảy vào khu vực sản xuất. Khi chảy nhiều vào khu vực sản xuất thì đây là khu vực không đòi hỏi lượng vốn quá lớn để tạo ra 1 đồng tăng trưởng, chúng ta chỉ cần đâu đó hơn 2% tăng trưởng tín dụng để đạt 1% tăng trưởng kinh tế”.

Các chuyên gia cũng dự báo, mặc dù dư địa không quá lớn, nhưng với việc cắt giảm chi phí và chia sẻ một phần lợi nhuận của các ngân hàng, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục được duy trì. Hiện nhiều ngân hàng vẫn tiếp tục cho vay mới với lãi suất bình quân 6-7%/năm với các khoản vay ngắn hạn, vay trung dài hạn từ 8-9%/năm.

Nguồn cung vốn dồi dào với giá vốn được đánh giá là phù hợp. Tăng trưởng tín dụng giai đoạn đầu năm tương đối tích cực. Tuy nhiên, để duy trì đà tăng đều qua các tháng thay vì dồn vào 1 số thời điểm, trong bối cảnh còn nhiều thách thức từ bên ngoài, đòi hỏi các giải pháp đi kèm để hỗ trợ, mở rộng nhu cầu vốn tín dụng một cách bền vững.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Nguồn: vtv.vn

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img