Friday, February 21, 2025

Mở rộng thị trường cho ngành gỗ

Các doanh nghiệp ngành gỗ cần phải mở rộng khai thác thêm các thị trường phi truyền thống khác để tránh tập trung quá nhiều vào thị trường Mỹ.

Ông Đặng Quốc Hùng – Tổng Giám đốc Công ty CP Thủ công Mỹ nghệ Gỗ Liên Minh.

Mở rộng thị trường cho ngành gỗ

Ông Đặng Quốc Hùng – Tổng Giám đốc Công ty CP Thủ công Mỹ nghệ Gỗ Liên Minh.

Trong năm 2025, ngành gỗ đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 18 tỷ USD. Khả năng đạt được mục tiêu này là khá cao, mặc dù trong tháng Giêng vừa qua, xuất khẩu gỗ đạt 1,42 tỷ USD, giảm hơn 9,7%, trong đó, thị trường chính là Mỹ giảm 4%, thị trường Trung Quốc giảm 17%. Tuy nhiên, đây là tháng Tết nên phần nào ảnh hưởng đến xuất khẩu, nhưng với đà này nếu như không bị sụt giảm thì khả năng hoàn thành mục tiêu xuất khẩu là rất cao.

Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu đồ nội thất gỗ vào Mỹ hiện chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ. Việc quá tập trung vào thị trường Mỹ cũng là thách thức cũng như rủi ro đối với xuất khẩu của Việt Nam. Đặc biệt các chính sách của chính quyền Tổng thống Donald Trump luôn có nhiều diễn biến bất ngờ. Vì vậy, các doanh nghiệp cần phải có những chính sách linh hoạt, chủ động cho phù hợp, bởi hiện nay, nhiều đơn hàng cũng đã chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam, đây cũng là gánh nặng cho các doanh nghiệp trong nước. Khi lượng hàng quá tập trung chuyển về Việt Nam sẽ làm tăng doanh số xuất khẩu của Việt Nam, qua đó làm tăng tỷ lệ xuất siêu sang Mỹ. Năm 2024, Việt Nam đã xuất siêu sang Mỹ hơn 100 tỷ USD, đây là nguy cơ khiến Mỹ sẽ có chính sách áp thuế quan với hàng hóa của Việt Nam.

Do đó, các doanh nghiệp ngành gỗ cần phải mở rộng khai thác thêm các thị trường phi truyền thống khác để tránh tập trung quá nhiều vào thị trường Mỹ. Các thị trường như Trung Đông, Ấn Độ, Trung Quốc, châu Phi, Nam Mỹ đều đang có những không gian rất lớn.

Theo đó, thị trường Trung Quốc mặc dù đứng thứ hai về xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam, tuy nhiên, tỷ lệ chênh lệch giữa Mỹ và Trung Quốc còn khá xa, khi xuất khẩu vào Mỹ đạt hơn 5 tỷ USD, trong khi xuất khẩu vào Trung Quốc chỉ hơn 1 tỷ USD. Do đó, dư địa xuất khẩu đồ nội thất của Việt Nam qua Trung Quốc vẫn còn cao.

Ngoài ra, Ấn Độ là một thị trường đông dân nhất thế giới, nền kinh tế của Ấn Độ cũng đã khởi sắc, đứng thứ 4 trong các nền kinh tế lớn nhất thế giới, nên tiềm năng tiêu thụ của thị trường này cũng rất cao. Đây cũng là cơ hội cho sự tăng trưởng của ngành gỗ nội thất của Việt Nam. Các thị trường khác như Nam Mỹ, Trung Đông và châu Phi cũng là những thị trường tiềm năng. Do đó, nếu khai thác tốt các thị trường này, khả năng không gian phát triển về kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ nội thất Việt Nam vẫn có thể tăng.

Liên quan đến vấn đề các doanh nghiệp Trung Quốc chuyển dịch đơn hàng sang Việt Nam, dẫn đến nguy cơ tăng xuất siêu sang thị trường Mỹ. Để hạn chế tình trạng này, tôi cho rằng, đây là một bài toán khó, bởi hiện nay, Việt Nam vẫn đang đẩy mạnh việc kêu gọi đầu tư nước ngoài, nên cũng rất khó để từ chối các doanh nghiệp của Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư theo phương thức đặt hàng gia công.

Do đó, giải pháp để có thể hạn chế tình trạng này là các doanh nghiệp Việt Nam cần phải có sự chọn lựa, cần ưu tiên lựa chọn các sản phẩm có giá trị gia tăng cao để hợp tác đầu tư, đối với các sản phẩm có giá trị gia tăng thấp thì cần phải xem xét lại. Từ đó, mới có thể hạn chế được việc các đơn hàng từ Trung Quốc quá tập trung về Việt Nam, đẩy kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ qua cao, dẫn đến nguy cơ bị áp thuế quan ảnh hưởng đến ngành gỗ nói riêng và hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nói chung.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img