Saturday, February 22, 2025

Thành lập trung tâm tài chính: Khó mấy cũng phải làm!

Trên thế giới, 21 trung tâm tài chính quốc tế (IFC) đóng vai trò là xương sống cho thị trường vốn toàn cầu trong nhiều thập kỷ qua.

Thành lập trung tâm tài chính: Khó mấy cũng phải làm!

 

New York, London, Tokyo… những cái tên quen thuộc đang dẫn dắt nền tài chính toàn cầu. Tuy nhiên những trung tâm mới nổi như Hong Kong (Trung Quốc), Singapore… cũng đang vươn lên với nhiều thế mạnh riêng. Nếu trở thành một trung tâm tài chính quốc tế, Việt Nam sẽ có cơ hội kết nối với khu vực và thế giới. Thu hút thêm nhiều nguồn lực mới từ đó nâng cao vị thế của dân tộc.

Động lực cho tăng trưởng 2 con số

Trung tâm tài chính không phải là một tòa nhà vật lý, mà là cả một hệ sinh thái, tập trung nhiều định chế, tổ chức, doanh nghiệp và con người cùng tham gia vào thị trường vốn, hệ thống tài chính, ngân hàng, quản lý tài sản, bảo hiểm… Các giao dịch và hoạt động tài chính trong trung tâm này diễn ra trên phạm vi toàn cầu, bao gồm huy động vốn, đầu tư và quản lý tài sản.

Thành lập trung tâm tài chính: Khó mấy cũng phải làm!

TP Hồ Chí Minh nhìn từ trên cao (Ảnh: AFP)

Việc hình thành trung tâm tài chính tại Việt Nam được đánh giá sẽ mang lại nhiều giá trị cho nền kinh tế. “Hiện tại, chúng ta đang tập trung vào nguồn vốn của ngân hàng hơn là thị trường chứng khoán. Trung tâm tài chính sẽ giúp cho thị trường vốn phát triển”, ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính – Ngân hàng đánh giá.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhận định, trung tâm tài chính giúp đem lại nguồn thu khá lớn, thông qua việc chúng ta cung cấp các dịch vụ tài chính và dịch vụ khác có liên quan. Đó chính là nguồn thu về thuế, phí và các nguồn thu khác.

Với tầm quan trọng và giá trị to lớn có thể mang lại, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương thành lập trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại TP Hồ Chí Minh và trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng.

Theo kết luận của Bộ Chính trị, trung tâm tài chính được áp dụng cơ chế quản lý đặc thù, vượt trội hơn so với quy định hiện hành, mang tính cạnh tranh, nhưng phải kèm theo các cơ chế giám sát, quản lý rủi ro phù hợp. “Từ năm 2030 đến năm 2035, tổ chức thực hiện đầy đủ theo lộ trình các nhóm chính sách thông dụng tại các trung tâm tài chính lớn trên thế giới, phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam”, kết luận của Bộ Chính trị nêu.

Thành lập trung tâm tài chính: Khó mấy cũng phải làm!
 

Mới đây, tại hội nghị công bố Nghị quyết của Chính phủ ban hành kế hoạch hành động triển khai kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam là yêu cầu tất yếu, khách quan trong giai đoạn phát triển mới.

Theo Thủ tướng, hiện tổng đầu tư toàn xã hội chiếm tỷ trọng từ 33-35% GDP. Những năm tới, muốn đạt tăng trưởng 2 con số thì tỷ trọng này phải tăng lên 40-45% GDP; với nguồn vốn đầu tư khoảng 4-5 triệu tỷ đồng/năm, đặc biệt là đầu tư cho hạ tầng chiến lược. Do đó, việc xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh có ý nghĩa rất quan trọng.

5 điều kiện đủ để Việt Nam thành lập trung tâm tài chính quốc tế

Trả lời câu hỏi “Việt Nam đã đủ điều kiện để thành lập trung tâm tài chính quốc tế?”, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam đang có đủ 5 yếu tố, điều kiện cần thiết để phát triển thị trường tài chính hiện đại, hướng đến hình thành trung tâm tài chính quốc tế và khu vực.

Cụ thể, tổng quy mô GDP năm 2024 khoảng 470 tỷ USD, quy mô nền kinh tế xếp hạng 33-34 thế giới, GDP bình quân đầu người khoảng 4.600-4.700 USD; với tốc độ tăng trưởng kinh tế những năm vừa qua, đồng thời kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 8% trong năm 2025, phấn đấu đạt mức 2 con số trong những năm tới. Việt Nam đang đạt được những thành quả rất tích cực theo hướng thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh. Bên cạnh đó, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt gần 7,2 triệu tỷ đồng, tăng 21,2% so với cuối năm 2023, tương đương 70,4% GDP ước tính năm 2023, tốc độ tăng trưởng của thị trường chứng khoán đạt 2 con số, cao nhất khu vực. Việt Nam cũng có nền kinh tế hội nhập, độ mở lớn, đã ký kết 17 FTA với hơn 65 nền kinh tế hàng đầu thế giới; quy mô xuất nhập khẩu khoảng 800 tỷ USD, gấp khoảng 1,7 lần GDP. Cuối cùng, Việt Nam với chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, cuộc sống thanh bình, có môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển.

Thành lập trung tâm tài chính: Khó mấy cũng phải làm!

Trả lời câu hỏi “Việt Nam đã đủ điều kiện để thành lập trung tâm tài chính quốc tế?”, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam đang có đủ 5 yếu tố, điều kiện cần thiết để phát triển thị trường tài chính hiện đại, hướng đến hình thành trung tâm tài chính quốc tế và khu vực.

Nếu có trung tâm tài chính sẽ giúp Việt Nam kết nối được thị trường tài chính toàn cầu, thu hút tổ chức tài chính nước ngoài, tạo thêm nguồn lực mới để thúc đẩy nguồn lực hiện hữu. Đồng thời, tận dụng cơ hội dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế để phát triển kinh tế – xã hội, thúc đẩy thị trường tài chính Việt Nam, tạo sự đột phá phát triển mới. Trung tâm tài chính là mô hình chưa có tiền lệ trước đây tại Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh: “Đây là việc mới, việc khó nhưng khó mấy cũng phải làm”.

Thủ tướng yêu cầu phải “Việt Nam hóa” những tinh hoa của thế giới trong lĩnh vực này, học tập kinh nghiệm nhưng phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Phải có nguồn nhân lực, hạ tầng, tổ chức công nghệ quản lý và sự đồng lòng, thống nhất của các cơ quan trong hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng đề nghị cần thực hiện với tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội, làm việc gì ra việc đó, việc nào dứt điểm việc đó.

Theo thống kê hiện nay gần 60% người tiêu dùng kỹ thuật số tại Việt Nam đã sử dụng các giải pháp fintech (ngân hàng trực tuyến, ví điện tử…). Với hạ tầng tài chính hiện đại và nền tảng công nghệ thông tin hỗ trợ, đây là những điều kiện thuận lợi để Việt Nam có thể phát triển các trung tâm tài chính.

Riêng TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, người đứng đầu Chính phủ đề nghị hai địa phương nhanh chóng xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp để hình thành ngay trung tâm tài chính, xác định địa giới hành chính, phương thức huy động nguồn lực, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng chuyển giao công nghệ quản trị thông minh.

Các bộ, ngành phải đồng tình, ủng hộ, sát cánh cùng TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng để thực hiện, nhất là trong việc xây dựng văn bản, quy định. “Tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn với tinh thần là phân công 5 rõ: “rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm và rõ sản phẩm”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Để xây dựng thành công trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam cần hoàn thiện những yếu tố về môi trường kinh doanh, tính kết nối, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng tài chính và hệ thống pháp lý.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img