Saturday, February 22, 2025

Đàm phán hòa bình Ukraine đảo ngược vị thế của Nga so với nhiệm kỳ ông Biden

Dưới thời ông Trump, chính sách của Washington với Ukraine đang cho thấy những dấu hiệu khác biệt đáng kể so với EU hoặc Vương quốc Anh. Việc hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nga đồng ý gặp nhau cũng là một sự đảo ngược hoàn toàn 3 năm cô lập Moscow trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden.

Sự đảo ngược hoàn toàn so với nhiệm kỳ của ông Biden

Cuộc họp tại Saudi Arabia giữa các phái đoàn cấp cao từ Mỹ và Nga có thể là bước đầu tiên hướng tới chấm dứt xung đột ở Ukraine và không chỉ dừng lại ở vấn đề này. Trong gần 5 tiếng đàm phán, các đại diện của Mỹ và Nga được cho là đã nhất trí sẽ làm việc về cả giải pháp hòa bình lẫn tìm hiểu các cơ hội kinh tế và đầu tư có thể phát sinh từ đó.

Bất kể kết quả cuối cùng là gì, Ukraine có vẻ như sẽ là bên thua.

Theo một cách nào đó, lời đề nghị của Tổng thống Mỹ Donald Trump với ông Putin để thảo luận về hòa bình ở Ukraine đã mang lại cho Tổng thống Nga chính xác những gì ông mong muốn: Washington đối xử với Moscow bằng sự tôn trọng. Theo giới quan sát, với ý nghĩa này, cuộc điện đàm của ông Trump với Điện Kremlin đại diện cho một chiến thắng to lớn của Tổng thống Putin. Nhà lãnh đạo Nga hiện đang chờ lời mời trở lại bàn đàm phán hàng đầu về các vấn đề thế giới. Ông đến đó mà không nhượng bộ bất kỳ tấc đất nào ở Ukraine nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Nga. Ông thậm chí còn không cam kết trả lại bất kỳ thứ gì mà các lực lượng của Moscow chiếm giữ kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt bắt đầu 3 năm trước.

Hiện nay, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đang trao đổi với người đồng cấp Mỹ Marco Rubio. Trong khi đó, việc sáp nhập Crimea năm 2014 dường như ngày càng bị bỏ qua. Đề xuất của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hesgeth vào tuần trước rằng việc quay trở lại biên giới trước năm 2014 của Ukraine là “không thực tế” đã làm rõ quan điểm hiện tại của Washington về vấn đề này.

Cho đến nay, mọi thứ đối với Tổng thống Putin vẫn thuận lợi trong khi liên minh phương Tây, với các mức độ nhiệt tình và cam kết khác nhau cho Ukraine trong 3 năm qua, đã bắt đầu rạn nứt.

Dưới thời ông Trump, chính sách của Washington với Ukraine đang cho thấy những dấu hiệu khác biệt đáng kể so với EU hoặc Vương quốc Anh. Một số nhà phân tích cho rằng Tổng thống Putin chắc chắn coi quyết tâm không khuất phục trước áp lực phương Tây là khởi đầu để dẫn đến thành công dài hạn.

Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nga đã đồng ý gặp nhau – một sự đảo ngược hoàn toàn so với 3 năm cô lập Moscow trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden. Như đã biết, lần đầu tiên Tổng thống Trump và người đồng cấp Nga Putin gặp nhau là trong hội nghị thượng đỉnh tại Helsinki năm 2018.

Theo các nhà quan sát, Tổng thống Putin khó có thể cảm thấy mình bước vào bất kỳ cuộc đàm phán nào trong tương lai với tư cách là bên yếu thế. Bằng việc có mặt ở đó để thảo luận về vấn đề cấp bách nhất liên quan đến tương lai an ninh châu Âu với Tổng thống Mỹ, Tổng thống Putin đã đạt được một phần mục tiêu dài hạn của mình. Cũng giống như thời Liên Xô, các nhà lãnh đạo từ Điện Kremlin và Nhà Trắng sẽ họp để thảo luận về các vấn đề châu Âu với tư cách là những cường quốc hàng đầu.

Quan điểm của chính châu Âu, đặc biệt là Ukraine, chỉ là thứ yếu.

Châu Âu cáo buộc ông Trump đang trao quà cho ông Putin

Trước đó, các nguồn tin ngoại giao nước ngoài thân cận với các cuộc đàm phán giữa Nga và Mỹ tại Saudi Arabia đã nhấn mạnh rằng Mỹ và Nga đề xuất một kế hoạch hòa bình ba giai đoạn gồm lệnh ngừng bắn, bầu cử ở Ukraine và sau đó là ký kết thỏa thuận cuối cùng. Tuy nhiên, ý tưởng về cuộc bầu cử sau đó đã bị bác bỏ.

Một số nguồn tin ngoại giao nước ngoài nói với Fox News rằng Mỹ và Nga đang cân nhắc tổ chức các cuộc bầu cử mới ở Ukraine như một điều kiện quan trọng để đạt được thành công trong quá trình giải quyết.

Tuy nhiên, một nguồn tin khác của Mỹ quen thuộc với các cuộc đàm phán đã làm dịu tuyên bố trên, giải thích rằng vấn đề bầu cử đã được thúc đẩy tại các cuộc đàm phán và có thể là một phần của các cuộc đàm phán tương lai nhưng không phải vào thời điểm này.

Sau cuộc họp, các phái đoàn Mỹ và Nga đã nhất trí “giải quyết những vấn đề gây khó chịu cho mối quan hệ song phương của chúng ta” và tiếp tục làm việc để chuẩn bị các cuộc đàm phán liên quan đến xung đột ở Ukraine.

Sergey Lagodinsky, một luật sư người Đức, đồng thời là thành viên của Nghị viện châu Âu đã bày tỏ sự thất vọng với kế hoạch hòa bình ba giai đoạn của Mỹ cho Ukraine, gọi đó là “món quà của ông Trump dành cho ông Putin”.

Các nước châu Âu chỉ trích các cuộc đàm phán hòa bình giữa các quan chức Mỹ và Nga tại Saudi Arabia, cáo buộc Mỹ gạt Ukraine sang một bên và cho rằng họ đã nhượng bộ Tổng thống Nga Vladimir Putin trước khi các cuộc đàm phán bắt đầu.

Các quan chức chính phủ đại diện cho Vương quốc Anh, Litva và Đức đã lên tiếng yêu cầu Kiev phải có một ghế tại bàn đàm phán trong các cuộc đàm phán hòa bình.

Hãng thông tấn Nga RIA Novosti đưa tin, kế hoạch hòa bình ba giai đoạn do Mỹ đề xuất là kết quả của các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Mỹ tại Saudi Arabia. Ông Keith Kellogg – Đặc phái viên của Tổng thống Trump về Nga và Ukraine đã nói với Reuters đầu tháng này rằng các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội của Ukraine, vốn bị đình chỉ trong xung đột, “cần phải được thực hiện”.

Ngày 17/2, The Telegraph đã đưa tin về một đề xuất của Mỹ gửi cho Ukraine sau khi có được “bản dự thảo hợp đồng trước khi quyết định, được đánh đấu là “Đặc quyền và Bảo mật”.

Các điều khoản của bản dự thảo bị rò rỉ nêu rõ Mỹ và Ukraine nên thành lập một quỹ đầu tư chung và Mỹ sẽ lấy một phần doanh thu định kỳ mà mà Ukraine nhận được từ việc khai thác tài nguyên, cũng như một phần giá trị tài chính của “tất cả các giấy phép mới được cấp cho bên thứ ba” để kiếm tiền từ các nguồn tài nguyên trong tương lai. Ông Trump đã thúc đẩy đạt được một thỏa thuận với Ukraine để tiếp cận nguồn tài nguyên đất hiếm trị giá khoảng 500 tỷ USD.

Trong quá trình chuẩn bị cho các cuộc đàm phán hòa bình, các mục tiêu chiến lược của ông Putin bao gồm duy trì quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ đã sáp nhập, dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của phương Tây và buộc Ukraine từ bỏ tham vọng gia nhập NATO.

Trong một thông cáo báo chí vào 18/2, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo rằng Moscow và Washington sẽ chỉ định “các nhóm cấp cao tương ứng để bắt đầu làm việc trên lộ trình chấm dứt xung đột ở Ukraine càng sớm càng tốt theo cách lâu dài, bền vững và được tất cả các bên chấp nhận”.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img