Saturday, February 22, 2025

Bé 12 tuổi bị viêm dạ dày – loét hành tá tràng do loại vi khuẩn “quen mặt”

Viêm loét dạ dày – tá tràng, căn bệnh vốn dĩ nhiều người nghĩ chỉ gặp ở người lớn thì nay các trường hợp xảy ra ở trẻ em có xu hướng ngày càng gia tăng.

Bé 12 tuổi bị viêm dạ dày – loét hành tá tràng do loại vi khuẩn “quen mặt”

 

Suốt 1 tháng nay, bệnh nhi M.Đ.H.(12 tuổi, Hà Nội) xuất hiện tình trạng đau bụng âm ỉ vùng thượng vị, đặc biệt sau ăn và tình trạng này thường tự hết. Gần đây, tình trạng đau bụng của trẻ tăng lên, kèm theo có ợ hơi nhiều, ợ chua, nôn sau ăn. Cùng với đó, tình trạng chán ăn, mệt mỏi kéo dài khiến gia đình không khỏi lo lắng. Trẻ được đưa tới Bệnh viện Đa khoa Medlatec thực hiện thăm khám.

Tại đây, bệnh nhân được bác sĩ tiến hành thăm khám lâm sàng, chỉ định thực hiện các xét nghiệm và thăm dò chức năng cần thiết phục vụ chẩn đoán.

Đặc biệt, trên hình ảnh nội soi tiêu hóa phát hiện niêm mạc lần sần, sung huyết tại vị trí hang vị dạ dày và tiền môn vị. Hành tá tràng có hai ổ loét lớn đối xứng kích thước 0,8 cm và 2cm, đáy ổ loét lớn sâu, đáy phủ giả mạc trắng. Kèm theo kết quả test vi khuẩn HP dương tính.

Các bác sĩ kết luận bệnh nhi bị viêm dạ dày – loét hành tá tràng, HP dương tính. Ngay lập tức, bệnh nhi được yêu cầu nhập viện nội trú và điều trị theo phác đồ do bác sĩ chỉ định.

Trẻ em bị viêm loét dạ dày tá tràng thường không đặc hiệu, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. ThS.BS Dương Thị Thủy – Chuyên khoa Nhi cho biết một số biểu hiện gợi ý tình trạng này như sau:

Đau bụng

Triệu chứng gợi ý thường gặp là đau bụng, theo các nghiên cứu, có từ 81-97% số trẻ mắc viêm loét dạ dày tá tràng có biểu hiện này và đây là triệu chứng thường gặp nhất tại các cơ sở y tế.

Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp viêm loét dạ dày hành tá tràng không được chẩn đoán và điều trị có thể sẽ dẫn đến xuất huyết tiêu hóa…

Buồn nôn và nôn

Biểu hiện thứ hai là trẻ thường buồn nôn và nôn, nhiều trẻ được cha mẹ cho nhập viện ở biểu hiện này. Theo nghiên cứu trẻ có biểu hiện buồn nôn và nôn chiếm 30-47% số trẻ viêm loét dạ dày tá tràng.

Ợ hơi, ợ chua, chán ăn, đầy bụng

Nhiều trẻ có biểu hiện ợ hơi, ợ chua, tình trạng này gặp khoảng 25-30% trường hợp viêm loét dạ dày tá tràng. Nhiều trẻ có biểu hiện chán ăn do đau bụng, đầy hơi, buồn nôn nên trẻ lười ăn.

Bố mẹ càng lo lắng thúc ép trẻ ăn, càng dẫn đến tình trạng nặng nề hơn, không chỉ ảnh hưởng đến thể chất, mà còn tổn thương tâm lý cho trẻ.

Da xanh, hay chóng mặt

Biểu hiện này là hậu quả của viêm dạ dày, hoặc viêm loét dạ dày tá tràng, hay xuất huyết tiêu hóa gây thiếu máu mạn tính. Thường thấy biểu hiện da xanh xao, niêm mạc và lòng bàn tay nhợt nhạt, mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, học không tập trung.

Khi thấy trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ viêm loét dạ dày tá tràng, bác sĩ Thủy khuyến cáo các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa Tiêu hóa nhi để được chẩn đoán sớm, điều trị đúng, kịp thời, đồng thời được bác sĩ tư vấn cụ thể cách theo dõi, chăm sóc trẻ. Ngoài ra, cha mẹ cần lưu ý những điều quan trọng sau:

Cần cho trẻ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, nên ăn đúng giờ, không để quá đói hoặc quá no, nên ăn nhiều bữa nhỏ.

Cần ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, ít mỡ, ít chất kích thích, dùng thuốc đầy đủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.

Cần cho trẻ nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng, lo âu và tái khám theo hẹn hoặc khi thấy bất thường.

Tuyệt đối không để trẻ đói quá, ăn bữa cuối trong ngày gần giấc ngủ (nên cho trẻ ăn cách đi ngủ trên 3 giờ).

Không cho trẻ ăn thức ăn quá chua, quá cay, quá nóng, quá nhiều gia vị.

Không cho trẻ uống nước có ga, nước tăng lực.

Không tự ngưng điều trị ngay cả khi trẻ cảm thấy đỡ nhiều.

Khi thấy trẻ xuất hiện các biểu hiện đau bụng, khó chịu đường tiêu hóa, gia đình cần cho trẻ đi khám ngay để chẩn đoán sớm nguyên nhân và điều trị kịp thời.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img