Saturday, February 22, 2025

“Đường băng” cho kinh tế tư nhân cất cánh

Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng cao, Chính phủ sẽ báo cáo Trung ương ban hành Nghị quyết riêng về phát triển kinh tế tư nhân.

“Đường băng” cho kinh tế tư nhân cất cánh

Trao đổi với DĐDN, TS. Nguyễn Quốc Việt – Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho biết: Trong các văn kiện của Đảng đã và đang khẳng định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng cho sự phát triển và tăng trưởng của kinh tế Việt Nam. Chính phủ đã có những chỉ đạo chiến lược tạo động lực, khí thế mới thúc đẩy kinh tế tư nhân tăng tốc, bứt phá. Do vậy, Nghị quyết riêng về phát triển kinh tế tư nhân là cần thiết, đáp ứng trúng thực tiễn hiện nay.

Quan điểm và tầm nhìn Đảng và Chính phủ về kinh tế tư nhân đã khẳng định vai trò trụ cột của nó trong nền kinh tế, hướng đến mục tiêu tăng trưởng cao. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

Với những đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế, trên thực tế, kinh tế tư nhân tại Việt Nam đã trở thành trụ cột quan trọng trong tăng trưởng và phát triển. Khu vực này, bao gồm hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa, đang đóng góp hơn 50% GDP, khoảng 56% tổng đầu tư toàn xã hội và tạo việc làm cho khoảng 85% lao động cả nước. Chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế, nhất là với cơ chế mở như hiện nay, một số doanh nghiệp tư nhân đã tự tin tham gia và sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp Nhà nước trong xây dựng cơ sở hạ tầng nền tảng, bao gồm hạ tầng cứng (sân bay, đường cao tốc, cầu cảng…) và hạ tầng mềm (logistics, viễn thông, tài chính ngân hàng…). Đặc biệt, vào những thời điểm khó khăn vừa qua, khu vực kinh tế tư nhân đã trở thành “bệ đỡ” cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm bền vững.

“Đường băng” cho kinh tế tư nhân cất cánh

Tháng 1/2025, cả nước có gần 10.700 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là gần 94.100 tỷ đồng. (Nguồn: HA tổng hợp từ Tổng cục Thống kê)


Đóng góp của kinh tế tư nhân với tăng trưởng kinh tế còn có thể lớn hơn nữa nếu những tiềm năng được giải phóng và không gian phát triển dành cho doanh nghiệp tư nhân được mở rộng hơn, thưa ông?

Tôi cũng đồng tình với những nhận định của Chính phủ khi nhấn mạnh rằng, phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh còn hạn chế. Tuy chúng ta đã có doanh nghiệp tư nhân lớn, mang tính chất dẫn dắt ở một số ngành nghề, lĩnh vực nhưng lực lượng này chưa đủ mạnh như kỳ vọng để thực hiện nhiệm vụ dẫn dắt, lan tỏa trong nền kinh tế. Ngoài ra, dù kinh tế đã phục hồi tích cực nhưng việc phát triển doanh nghiệp còn chậm. Tỷ lệ doanh nghiệp gia nhập thị trường so với doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong năm 2024 vẫn chưa cao, quy mô vốn và lao động trung bình trong doanh nghiệp thấp hơn so với các năm trước.

Trong khi đó, vướng mắc về thể chế pháp lý cho đầu tư kinh doanh đã được tháo gỡ, song cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc góp phần tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, giảm rủi ro cho nhà đầu tư. Có như vậy mới mở rộng không gian phát triển mới cho doanh nghiệp tư nhân, nhất là tạo động lực và cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu hơn chuỗi giá trị toàn cầu.

Có thể thấy, cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp tiếp tục là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất trong thời gian tới. Ông kỳ vọng gì ở Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân sẽ được Chính phủ sẽ báo cáo Trung ương ban hành trong thời gian tới?

Có thể nói, nền kinh tế đứng trước cơ hội thay đổi mạnh mẽ. Với có lộ trình phù hợp và thực hiện tốt, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng cao, tiến tới tăng trưởng 2 con số cũng như các mục tiêu phát triển thịnh vượng vào năm 2030 và năm 2045. Trong đó, khu vực kinh tế tư nhân cần đảm bảo tăng trưởng cao và bền vững ở mức 2 con số. Với tầm nhìn như vậy, tôi cho rằng, cần tiếp tục quán triệt và thực hiện hiệu quả việc hoàn thiện thể chế, xác định thể chế là “đột phá của đột phá” theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, khuyến khích tinh thần kinh doanh và các động lực tăng trưởng.

Trong giai đoạn rất khó khăn vừa qua, đây là yếu tố then chốt để doanh nghiệp trụ vững và phục hồi, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Quan điểm chỉ đạo này cũng được thực hiện xuyên suốt khi Chính phủ soạn thảo, sửa đổi nhiều quy định pháp luật về kinh tế đầu tư, tài chính, mở đường cho khơi thông nguồn lực của các thành phần kinh tế, đóng góp tốt hơn cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2025.

Khâu đột phá này cần tiếp tục được thực hiện thực chất hơn nữa, như tinh giản các chính sách, văn bản, quy định pháp luật hay giấy phép điều kiện kinh doanh cụ thể; đảm bảo quyền tiếp cận tài sản, đảm bảo các thành phần kinh tế được hoạt động bình đẳng, tự do kinh doanh theo cơ chế thị trường làm kim chỉ nam cho đột phá thể chế. Đồng thời, thúc đẩy động lực phát triển bền vững của nền kinh tế dựa trên các mô hình tăng trưởng mới, gắn với xu hướng thương mại toàn cầu; đầu tư phát triển khoa học công nghệ, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đầu tư cho R&D, làm chủ công nghệ mới nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo bứt phá trong quá trình kinh doanh phát triển.

Trân trọng cảm ơn ông!

 
 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img