Saturday, February 22, 2025

Hàng loạt dự án bất động sản được khai thông

Nguồn lực khổng lồ đang “đóng băng” trong hàng loạt dự án bất động sản sẽ được đánh thức trong thời gian tới. Đi cùng với đó là hàng loạt các ngành liên quan như vật liệu xây dựng, nhà thầu, thi công… cũng được kích hoạt để cùng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 170/2024 (NQ170) quy định cơ chế đặc thù tháo gỡ vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa và 1.313 trường hợp vi phạm thời hạn sử dụng đất khi cấp giấy chứng nhận (sổ hồng). Đây được coi là chìa khóa để 3 tỉnh, thành khơi thông nguồn lực khổng lồ lâu nay bị “chôn vào đất”, tạo động lực mạnh mẽ để kinh tế bứt tốc trong 2025.

Gỡ vướng bằng cơ chế đặc thù

Cụ thể tại Đà Nẵng, có hàng ngàn trường hợp được phân loại để xử lý về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp vi phạm thời hạn sử dụng đất đối với đất sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, thành phố này còn 13 dự án được nêu trong Kết luận thanh tra số 269 và 16 dự án trong Kết luận thanh tra số 2852 cũng đã được NQ170 quy định phương thức xử lý về giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Hàng loạt dự án bất động sản được khai thông

Dự án The Arena Cam Ranh tại tỉnh Khánh Hòa sẽ được tháo gỡ vướng mắc pháp lý

Ảnh: Bá Duy

Tại TP.HCM có 4 trường hợp cần xử lý về giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cũng sẽ được áp dụng cơ chế tháo gỡ vướng mắc theo NQ170 như: dự án chung cư 1.330 căn hộ (tên thương mại là New City, thuộc khu đất 38,4 ha P.Bình Khánh – khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.Thủ Đức); khu đất 30,2 ha tại Bình Khánh và khu đất

30,1 ha tại Nam Rạch Chiếc; dự án số 39 – 39B Bến Vân Đồn, P.12, Q.4. Đây đều là những dự án đã bị “treo” hàng chục năm qua, không chỉ khiến nhà nước thất thu, doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng nặng nề mà người dân cũng khốn khổ vì bị “treo” sổ hồng, phải nộp đơn khiếu kiện khắp nơi. Trong đó, với dự án số 39 – 39B Bến Vân Đồn, NQ170 nêu rõ: Nhà đầu tư được tiếp tục sử dụng đất để thực hiện dự án sau khi đã xử lý về hành chính, hình sự đối với các cá nhân, tổ chức có vi phạm, sai phạm, khắc phục hậu quả các vi phạm về kinh tế, thu hồi lợi ích vật chất do hành vi vi phạm theo bản án đã có hiệu lực pháp luật. “UBND TP.HCM có trách nhiệm tổ chức thực hiện nghị quyết này tại địa phương. Trong quá trình áp dụng quy định tại nghị quyết này mà các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có quy định thuận lợi hơn thì được lựa chọn áp dụng quy định của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành”, NQ170 nêu rõ.

Tương tự, 11 dự án bất động sản (BĐS) tại Khánh Hòa sẽ được áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ 1.4.

Trong số này, 5 dự án ở TP.Nha Trang đã được UBND tỉnh Khánh Hòa giao, cho thuê đất không qua đấu giá quyền sử dụng gồm khu liên hợp dịch vụ thương mại, khách sạn và căn hộ du lịch và văn phòng cho thuê Luna; khách sạn The Horizon Nha Trang; khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú; khu phức hợp Thiên Triều và dự án cao ốc, văn phòng, khách sạn Cattiger.

6 dự án được UBND tỉnh Khánh Hòa giao, cho thuê đất không qua đấu thầu gồm The Arena; câu lạc bộ du thuyền và nghỉ dưỡng Cam Ranh; Evason Ana Mandara Cam Ranh & Spa; khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp Eurowindow Nha Trang (cùng thuộc khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh) và tổ hợp khách sạn căn hộ cao cấp Mường Thanh Nha Trang (TP.Nha Trang).

Các dự án trên sẽ được triển khai tiếp trong trường hợp sau rà soát đáp ứng điều kiện về quy hoạch sử dụng đất, đô thị, an ninh quốc phòng và nhà đầu tư đủ năng lực thực hiện.

Khơi thông nguồn lực từ DN

Trong tổng số 64 dự án được “chỉ mặt điểm tên” trong NQ170, Đà Nẵng chiếm đa số với 49 dự án. Là một trong những DN đầu tư lớn nhất vào Đà Nẵng và cũng có các dự án thuộc diện áp dụng cơ chế đặc thù mới, ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch Sun Group, bày tỏ vô cùng phấn khởi khi Quốc hội ban hành nghị quyết. Theo ông Bình, trong gần 2 thập niên dành nhiều tâm huyết đầu tư, kiến tạo hệ sinh thái quy mô với nhiều dự án, sản phẩm dịch vụ chất lượng tại Đà Nẵng, Sun Group cũng giống các DN khác, không tránh khỏi tình trạng dự án chưa thể triển khai bởi nhiều vướng mắc, tồn đọng, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, tâm lý các nhà đầu tư… Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển chung của thành phố.

Hàng loạt dự án bất động sản được khai thông

Dự án hơn 30 ha tại Bình Khánh (TP.Thủ Đức, TP.HCM) của Novaland nằm trong danh sách dự án được gỡ vướng theo Nghị quyết 170/2024

Ảnh: Ngọc Dương

Trong năm 2025, Đà Nẵng đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 10%, tổng thu ngân sách trên 30.000 tỉ đồng, trong đó thu từ sử dụng đất trên 4.500 tỉ đồng và thu xuất nhập khẩu vượt mức T.Ư giao tối thiểu 10%. Đây là mục tiêu lớn nên NQ170 có thể xem như tín hiệu mở đường được ban hành rất đúng thời điểm, tháo gỡ khó khăn vướng mắc để khơi thông nguồn lực, cải thiện môi trường đầu tư cho thị trường BĐS – một cấu phần của nền kinh tế Đà Nẵng. Đây chắc chắn sẽ là động lực tăng trưởng mạnh mẽ tạo nền tảng cơ sở quan trọng để Đà Nẵng đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế, mở ra vận hội mới cho thành phố trong kỷ nguyên mới của dân tộc.

“Hoạt động đầu tư, phát triển dự án dù ở bất kỳ địa phương nào cũng sẽ không thể diễn ra thuận lợi, bắt kịp guồng quay nhanh của thời cuộc, của khu vực và thế giới nếu như không có nền tảng tốt từ cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư, khơi thông nguồn lực, tạo ra công trình, sản phẩm, dịch vụ phục vụ phát triển. Có thể hình dung những chủ trương, chính sách tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án như NQ170 sẽ giúp các địa phương chuyển mình mạnh mẽ để vươn mình phát triển bứt phá trong kỷ nguyên mới của dân tộc. Đồng thời cũng giúp các DN có thêm động lực để gắn bó, tiếp tục đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội các địa phương. Chúng tôi mong rằng tất cả những nút thắt phát triển còn tồn tại ở các địa phương đều sẽ sớm được rà soát để tháo gỡ kịp thời”, ông Nguyễn Văn Bình chia sẻ.

Trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo Tập đoàn Novaland cũng nhìn nhận NQ170 là thông tin rất tích cực, thể hiện Quốc hội, Chính phủ đã quyết liệt triển khai công tác tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, không để lãng phí tài sản, tiền của nhà nước, DN, người dân. Cụ thể, những vướng mắc liên quan đến tiền sử dụng đất tại các dự án của Novaland ở TP.HCM, đặc biệt là dự án Lakeview City, sẽ chính thức được giải quyết, với khoản trích lập dự phòng 4.358 tỉ đồng của dự án cho kỳ báo cáo tài chính bán niên soát xét 2024 của Novaland sẽ được điều chỉnh và thực hiện hoàn nhập khi đủ điều kiện trong năm 2025. Đây là cơ sở để Novaland có nguồn tiền mạnh mẽ để triển khai các kế hoạch kinh doanh sắp tới, cũng như đảm bảo thực hiện nghĩa vụ với các bên liên quan. Đây cũng là cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng thực hiện các công việc theo chủ trương đã được Quốc hội phê duyệt. Đồng thời Novaland có cơ sở hoàn tất nghĩa vụ tài chính và thúc đẩy nhanh quá trình cấp sổ đỏ cho khách hàng tại các dự án.

“Hiện tại, Novaland cũng đã có sự chuẩn bị về dòng tiền để thực hiện các nghĩa vụ tài chính phát sinh. Trong thời gian tới, DN mong muốn các cấp ban ngành tiếp tục xem xét tháo gỡ vướng mắc thủ tục pháp lý cho các dự án trọng điểm khác của tập đoàn để hỗ trợ DN phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp ổn định tâm lý, đời sống cư dân của dự án. Đặc biệt, việc xử lý tháo gỡ vướng mắc pháp lý không chỉ gỡ khó về các khoản nợ, dòng tiền cho DN mà còn khơi thông các nguồn vốn khác”, vị này cho hay.

Động lực mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế bứt tốc

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), đánh giá đây là lần đầu tiên có một nghị quyết đặc thù dành cho lĩnh vực BĐS mà “chỉ mặt điểm tên” từng dự án, nêu rõ từng danh mục tháo gỡ thay vì chỉ nêu chung chung như các văn bản trước đây. Điều này cho thấy nỗ lực lớn của cơ quan lập pháp trong kiến tạo về cơ chế, chính sách tháo gỡ những nút thắt của thị trường BĐS. Trong NQ170 xác định rõ trách nhiệm của các địa phương, cơ quan có thẩm quyền cũng như trách nhiệm của chủ đầu tư. Đây là những yếu tố giúp nghị quyết tăng tính khả thi, có thể vận dụng ngay, giải quyết nhanh cho các dự án.

Hàng loạt dự án bất động sản được khai thông

Khu khách sạn căn hộ Mường Thanh Nha Trang (Khánh Hòa) nằm trong danh sách được tháo gỡ vướng mắc pháp lý theo Nghị quyết 170/2024 của Quốc hội

Ảnh: Bá Duy

Theo ông Châu, 64 dự án được tháo gỡ theo NQ170 của Quốc hội tại Đà Nẵng, TP.HCM và Khánh Hòa là nguồn lực rất lớn góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội của các địa phương trong năm 2025 cũng như giai đoạn tiếp theo. Các dự án bao gồm công trình nhà ở thương mại và dự án BĐS thương mại dịch vụ nói chung mà trong đó đa số là BĐS du lịch. Việc khơi thông các dự án đang vướng này không chỉ khắc phục được tình trạng lãng phí nguồn lực đất đai, mà còn giúp đẩy ra thị trường một lượng lớn sản phẩm nhà ở và các cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có các dự án condotel cùng các dự án BĐS thương mại dịch vụ khác. Như vậy, nguồn cung của thị trường BĐS nhà ở sẽ tăng lên, giảm tình trạng khan hàng, giá cao, tăng cơ hội sở hữu nhà ở cho người dân. Đồng thời, thị trường du lịch cũng có thêm nguồn cung để phát triển trong giai đoạn mới.

Hơn thế, khi các dự án BĐS khởi động sẽ kéo theo sự vận động của các ngành đầu tư xây dựng, kích hoạt hệ sinh thái của chủ đầu tư, tác động lan tỏa tới khoảng 35 ngành nghề. Từ đó giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động, tương đương hàng chục ngàn hộ gia đình.

“Đây được coi là động lực kích cầu quan trọng, có sức lan tỏa lớn, góp phần tăng trưởng GRDP của các địa phương. Khi các dự án được áp dụng cơ chế đặc biệt để “chạy” lại ngay từ bây giờ thì TP.HCM hoàn toàn có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 8,5% trong năm nay. Đà Nẵng và Khánh Hòa cũng sẽ tiếp tục duy trì được kết quả tăng trưởng trên 10% . Đây là bước đà quan trọng để các địa phương góp sức cùng cả nước phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số liên tiếp trong 10 năm, kể từ 2026, trở thành nước thu nhập cao”, ông Lê Hoàng Châu nhận định.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế – TS Huỳnh Thanh Điền nhấn mạnh BĐS đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của VN trong năm nay cũng như giai đoạn tới. Nếu BĐS không được gỡ khó, khơi thông để phát triển thì công tác thực hiện kế hoạch tăng trưởng kinh tế 2 con số liên tiếp trong 10 năm tới sẽ vô cùng khó khăn. Bởi BĐS là đầu vào để phát triển các ngành kinh tế. Không có ngành nào, lĩnh vực nào không cần mặt bằng, đất đai, hay nhà xưởng. Nếu BĐS phát triển tốt, việc xây dựng nhà cửa, đô thị hiện đại diễn tiến trơn tru thì sẽ góp phần lớn cho sự phát triển kinh tế. Không chỉ là đầu vào, BĐS còn là đầu ra, là động lực phát triển nhiều lĩnh vực khác. Cứ một dự án BĐS được triển khai sẽ cần vật liệu xây dựng, sắt, thép, thiết kế nội thất. Hàng ngàn dự án cùng lúc triển khai đồng nghĩa thúc đẩy hàng loạt DN thuộc nhiều ngành nghề khác nhau. Bên cạnh đó, dự án hình thành cũng kéo theo việc làm đường sá, hạ tầng kết nối. Nhìn chung, tác động lan tỏa của BĐS đối với các lĩnh vực kinh tế khác vừa rộng, vừa sâu. BĐS được coi là xương sống của nền kinh tế nên để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng cao như đã đề ra, việc khơi thông, thúc đẩy thị trường BĐS là bắt buộc phải làm.

TS Huỳnh Thanh Điền đánh giá thời gian qua, hàng loạt dự án BĐS trên cả nước phải “đứng bánh” xoay quanh 2 vấn đề: thứ nhất do vi phạm pháp luật của cơ quan quản lý khi giao đất dẫn đến sai phạm, dự án phải dừng để điều tra; thứ hai do khó khăn trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đối với các dự án thuộc nhóm 1, có dự án chưa có kết luận điều tra nhưng cũng có các dự án đã có kết luận, thanh tra, thậm chí tòa xử án xong rồi nhưng cả phía chủ đầu tư và cơ quan nhà nước tiếp quản cũng hoang mang không biết có thể tiếp tục triển khai phát triển dự án hay không. Luật cũng không quy định rõ nên các cơ quan cứ “đá qua đá lại”, khiến dự án ngưng, DN khốn khổ, kinh tế trì trệ. Lần này, NQ170 đã nêu rõ hướng xử lý. Những vi phạm nào đã xử lý trách nhiệm rồi, thu hồi tiền thất thoát rồi thì rà soát lại dự án, cứ đủ điều kiện thì triển khai tiếp, không thì thu hồi luôn. Dự án có được triển khai tiếp hay thu hồi thì cũng đều có đường ra, thu hồi thì có thể đấu giá lại, làm lại, đường nào cũng được tiếp tục.

Đối với các dự án chậm do vướng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng được nêu rõ từng trường hợp. Vấn đề thu hồi, các dự án chưa đầu tư… tất cả những vướng mắc tưởng nhỏ nhưng thực tế không ai dám quyết gỡ vì quy định chưa rõ ràng, thì nay đã có hành lang pháp lý cụ thể.

“Như vậy, không chỉ có các dự án được điểm danh cụ thể có thể chạy ngay mà hàng loạt dự án có tính chất tương tự, đang vướng mắc cũng có thể được tháo gỡ. Chính phủ cũng có thể bám theo quy tắc chung từ NQ170 để tiếp tục có những chính sách gỡ vướng cho nhiều dự án tại các địa phương khác, cũng như ngành BĐS nói chung trên cả nước. Từ đây, một nguồn lực khổng lồ sẽ được tiếp thêm vào tăng trưởng kinh tế chung”, TS Huỳnh Thanh Điền nói. 

Khi các dự án được áp dụng cơ chế đặc biệt để “chạy” lại ngay từ bây giờ thì TP.HCM hoàn toàn có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 8,5% trong năm nay. Đà Nẵng và Khánh Hòa cũng sẽ tiếp tục duy trì được kết quả tăng trưởng trên 10% . Đây là bước đà quan trọng để các địa phương góp sức cùng cả nước phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số liên tiếp trong 10 năm, kể từ 2026, trở thành nước thu nhập cao.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM

Quốc hội ra Nghị quyết 170/2024 về cơ chế chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TP.HCM, TP.Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa. Trong đó, kèm danh mục chi tiết dự án tại TP.HCM, TP.Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1.4.2025.

Cần nói thêm rằng 3 địa phương được thụ hưởng cơ chế đặc thù này đầu tiên là 3 tỉnh, thành phố đang tập trung nhiều dự án giá trị lớn, là cực tăng trưởng quan trọng của miền Nam và miền Trung. Các địa phương được gỡ khó để đột phá tăng tốc sẽ trở thành động lực mới cực mạnh kéo kinh tế VN vượt lên.

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img