Sunday, February 23, 2025

Người phụ nữ viêm tụy cấp nặng do nguyên nhân hiếm gặp

VTV.vn – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hạnh Phúc (Bình Dương) vừa điều trị một trường hợp viêm tụy cấp nặng do nguyên nhân hiếm gặp trên nền bệnh lý nội tiết và chuyển hóa phức tạp.

Bệnh nhân N.T.K.A., (36 tuổi, trú tại tỉnh Bình Phước) nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội vùng thượng vị và hạ sườn phải, kèm theo nôn ói nhiều ra dịch mật. 

Bệnh nhân từng sinh con tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hạnh Phúc cách đây 8 tháng và được chẩn đoán đái tháo đường type 2, tiền sử sỏi túi mật đã được phát hiện nhưng không theo dõi và điều trị. 

Tại thời điểm nhập viện, bệnh nhân đau bụng dữ dội, có dấu hiệu nhiễm trùng (bạch cầu và CRP tăng), đường huyết cao (23,07 mmol/L), nhiễm ceton máu (4,96 mmol/L), toan chuyển hóa (pH máu: 7,289; pCO2: 37,2 mmHg; HCO3: 17,8 mmol/L). Đặc biệt, xét nghiệm lipid ghi nhận tình trạng tăng triglycerid máu nghiêm trọng (62,53 mmol/L, so với giá trị bình thường 0,46-1,88 mmol/L). 

Các kết quả xét nghiệm amylase, lipase máu và hình ảnh CTscan xác nhận chẩn đoán viêm tụy cấp mức độ trung bình do tăng triglycerid máu kèm nhiễm toan ceton trên nền đái tháo đường type 2 và sỏi túi mật. 

Nhận thấy mức độ nghiêm trọng của bệnh lý, bệnh viện đã nhanh chóng kích hoạt quy trình hội chẩn liên chuyên khoa. Theo đó, chuyên khoa Cấp cứu: tiếp nhận và xử trí ban đầu; chuyên khoa Nội tiết – Chuyển hóa: kiểm soát lipid máu, đường huyết, tình trạng nhiễm toan ceton và rối loạn điện giải; chuyên khoa Ngoại tổng quát: đánh giá chỉ định can thiệp ngoại khoa đối với sỏi túi mật.

Người phụ nữ viêm tụy cấp nặng do nguyên nhân hiếm gặp - Ảnh 1.

Hình ảnh CTscan tụy bệnh nhân trong tình trạng viêm nặng. Ảnh: BVCC

Với sự phối hợp đồng bộ, bệnh nhân được điều trị tích cực ngay từ đầu, bao gồm: Kiểm soát triglyceride, đường huyết và ceton máu bằng phương pháp bù dịch tích cực và insulin truyền tĩnh mạch qua bơm tiêm điện; theo dõi đường huyết mao mạch mỗi giờ và lặp lại xét nghiệm ion đồ, khí máu, chức năng thận định kỳ. Hỗ trợ triệu chứng: nhịn ăn tạm thời, giảm đau và chống nôn. Với sự nỗ lực của các y bác sĩ, sau 24-48 giờ điều trị, bệnh nhân giảm đau đáng kể, hết nôn, triglyceride và đường huyết được kiểm soát đạt mục tiêu, ăn lại dần.

Sau 72 giờ, bệnh nhân có thể ăn uống trở lại với chế độ dinh dưỡng kiểm soát lipid và đường huyết nghiêm ngặt. Sau 8 ngày điều trị, tình trạng viêm tụy cải thiện rõ rệt, bệnh nhân xuất viện với sức khỏe ổn định, các xét nghiệm trở về mức bình thường. Bệnh nhân được tư vấn theo dõi bệnh lý nội tiết – chuyển hóa định kỳ và lên kế hoạch can thiệp phẫu thuật nội soi cắt túi mật khi tình trạng viêm tụy hoàn toàn ổn định. 

Tuy nhiên, theo BSCKI. Chu Minh Tuấn, Chuyên khoa Ngoại: “Hiện nay, viêm tụy cấp do tăng lipid máu (HLAP) đang gia tăng, đặc biệt tại châu Á với tỷ lệ từ 10 – 15%. Điều đáng lo ngại là HLAP có thể tiến triển nặng, với tỷ lệ tử vong lên tới 20% nếu không điều trị kịp thời. Đặc biệt, bệnh nhân ở vùng sâu vùng xa có tỷ lệ tử vong cao tới 40% nếu bị viêm tụy hoại tử hoặc suy đa cơ quan. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng HLAP có thể liên quan đến tiến triển lâm sàng nặng hơn và tỷ lệ tử vong cao hơn so với các dạng viêm tụy khác, đặc biệt ở bệnh nhân trẻ tuổi (< 50 tuổi) và thường gặp ở nam giới hơn nữ giới”.

Phụ trách điều trị ca bệnh nêu trên, TS.BS. Nguyễn Nhật Nam, Chuyên khoa Nội tiết, chia sẻ thêm: Đái tháo đường và rối loạn lipid máu thường xuất hiện song hành trong một bệnh cảnh chung gọi là hội chứng chuyển hóa. Người bệnh rối loạn chuyển hóa mang nhiều nguy cơ biến chứng dài hạn như biến cố tim mạch (nhồi máu cơ tim, đột quỵ) hoặc các biến chứng cấp tính đe dọa tính mạng. Trong trường hợp cụ thể kể trên là nhiễm toan ceton và viêm tụy cấp. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tái khám theo lịch định kỳ cũng như tuân thủ điều trị thuốc đối với người bệnh đái tháo đường và rối loạn lipid máu”.

Ca bệnh nói trên là minh chứng rõ ràng cho sự cần thiết của điều trị đa chuyên khoa trong các trường hợp bệnh lý phức tạp. Sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ Nội tiết, Ngoại khoa và Cấp cứu đã giúp bệnh nhân vượt qua tình trạng nguy kịch, giảm nguy cơ biến chứng và đảm bảo chất lượng điều trị tối ưu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Nguồn: vtv.vn

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img