Saturday, February 22, 2025

Siết dạy thêm, học thêm: Những câu chuyện tự học đáng ngưỡng mộ

Tự học được xác định là phương pháp sống còn để tồn tại trong một thế giới đầy biến động. Với thế hệ Y, Z hiện nay, điều này càng thuận lợi hơn bao giờ hết với sự tiếp sức của công nghệ, của trí tuệ nhân tạo.

Trong cuộc sống đời thường, không hiếm những học sinh (HS), sinh viên, những người đã bươn chải mưu sinh không có điều kiện đi học thêm, vẫn lặng lẽ tự học, kiên trì nhắm tới mục tiêu được xác định.

TỪ CẬU HỌC SINH NGHÈO TỚI ÔNG CHỦ CÔNG TY AI

Ở tuổi 24, Phan Đình Long Nhật, cựu sinh viên lớp điện – điện tử, khoa Đào tạo chất lượng cao, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, đã là Giám đốc Công ty TNHH AIVOS, công ty chuyên về các sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) do anh sáng lập.

Siết dạy thêm, học thêm: Những câu chuyện tự học đáng ngưỡng mộ

Phan Đình Long Nhật hiện là giám đốc một công ty về AI

ẢNH: PHƯƠNG HÀ

Trước đây, khi là một cậu HS nghèo ở Quảng Bình, hay cho tới lúc chuyển vào TP.HCM học tập ở Trường THPT Tây Thạnh (Q.Tân Phú), ngoài những giờ học trên trường, Nhật chỉ tự học bài ở nhà. Nhiều mùa hè, để có thêm tiền trang trải, nam sinh còn đi phụ bàn quán ăn, giúp mẹ phụ hồ ở công trường…

Nhật kể lại: “Điều kiện hoàn cảnh gia đình khó khăn nên tôi chủ yếu tự học. Khi tự nghiên cứu, tổng quát kiến thức tại nhà xong, những kiến thức nào còn băn khoăn chưa rõ, tôi lên trường và hỏi lại thầy cô. Thầy cô ở Trường THPT Tây Thạnh đã hỗ trợ tôi rất nhiều. Biết hoàn cảnh học trò, thầy cô sẵn sàng nói với tôi lộ trình cần học tập ra sao để đạt mục tiêu đậu trường đại học và ngành tôi ao ước”.

“Để ôn luyện được nhiều kiến thức trước kỳ thi, tôi không chỉ học trong sách giáo khoa mà còn mua sách ở các tiệm sách cũ, mượn sách ở thư viện trường để học tập, làm bài. Chúng tôi có một nhóm những người bạn là HS Trường THPT Tây Thạnh tự học với nhau, có gì khó lại trao đổi, tìm hướng giải. Hồi đó vì ai cũng khó khăn, nên mỗi người góp mấy chục ngàn đồng để đóng và dùng chung một tài khoản học trực tuyến trên các nền tảng như “Hocmai” và một số hệ thống học tập trực tuyến khác…”, Nhật cho biết thêm.

Do xét tổ hợp A00 nên Nhật dành thời gian nhiều nhất để ôn tập toán, vật lý, hóa học. Việc đặt mục tiêu cụ thể vào ngành điện – điện tử Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM và không còn mục tiêu nào khác ngoài học và học để bứt phá khỏi hoàn cảnh đã tạo động lực mạnh mẽ để Nhật học hành chăm chỉ ngày đêm.

Không chỉ vậy, xác định tầm quan trọng của ngoại ngữ, bằng công cụ phổ biến, miễn phí ngày ấy “Google dịch”, anh bền bỉ tự học tiếng Anh. Nhật nhớ lại: “Tôi không có điều kiện để học gia sư hay tới trung tâm tiếng Anh nên tự học từ mới mỗi ngày. Tôi còn nhớ lời khuyên của cô giáo tiếng Anh trên trường, mỗi ngày phải học ít nhất 30 từ vựng. Không giỏi từ vựng, thì ngữ pháp và các kỹ năng khác cũng chào thua. Do đó, sau khi học ít nhất 30 từ vựng mỗi ngày, tôi luyện phát âm, nghe nói bằng công cụ “Google dịch”. Để tự tin phát biểu, nói chuyện bằng tiếng Anh, tôi còn tự nói chuyện với chính mình hay viết nhật ký”.

Hoàn toàn không đi học thêm tiếng Anh ở bất cứ đâu, chỉ tự học và sau khi đậu vào Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, tới kỳ khảo sát đầu vào để phân chia lớp, với điểm tiếng Anh 9,4, Phan Đình Long Nhật đã xuất sắc được vào học lớp điện – điện tử chất lượng cao, nhiều môn học bằng tiếng Anh.

Việc tự học từ đồng đội, những đàn anh, những người thầy vẫn chưa dừng lại. Nhật tham gia nhiều dự án nghiên cứu khoa học thời sinh viên và cùng đồng đội đạt nhiều giải thưởng. Kiến thức chuyên môn vững vàng, ngoại ngữ giỏi, kỹ năng mềm được tôi luyện qua nhiều cuộc thi, từ khi là sinh viên, thực tập sinh cho tới lúc ra trường đi làm, Nhật đã được học hỏi, làm việc ở nhiều công ty, tập đoàn nước ngoài. Có thể kể tới như Apple, Intel, Foxconn, Schneider Electric, First Solar, Biarri Networks, Innorix… Từ tháng 9.2024, anh trở thành giám đốc của AIVOS. Cá nhân Nhật và AIVOS đạt được một số kết quả như: top 1 cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sinh viên UNIV STAR, top 15 tại AIHub Challenge, top 50 tại cuộc thi AI.Star 2024, top 60 tại Techfest Vietnam 2024…

HÀNH TRÌNH TỰ HỌC CỦA ÔNG CHỦ TIỆM HOA

Không có cha, mồ côi mẹ từ năm lớp 10, nhiều thời điểm Phạm Hà Phú (36 tuổi, quê Gia Lai) không có đủ tiền để ăn, huống chi nghĩ tới học thêm. Suốt những năm học THPT cho tới khi vào học hệ cao đẳng của Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, là sinh viên Trường ĐH Tài chính – Marketing và bây giờ là người sáng lập Công ty Memory Wedding tại TP.HCM chuyên về sự kiện tiệc cưới, hoa tươi, Phạm Hà Phú chưa bao giờ ngừng tự học.

Siết dạy thêm, học thêm: Những câu chuyện tự học đáng ngưỡng mộ

Phạm Hà Phú, từ cậu học sinh mồ côi tới ông chủ công ty về sự kiện, hoa cưới

ẢNH: NVCC

Anh nói: “Nếu có điều kiện, thời gian để đi học thêm là rất tốt. Nhưng nếu trong hoàn cảnh khó khăn, gặp rất nhiều chông gai, ngặt nghèo trong cuộc sống giống như tôi từng trải qua, thì tự học cũng chưa bao giờ là bước cản trở để bạn đạt được những gì mình mong muốn”.

Thời phổ thông và cả khi vào đại học, Phú chủ yếu phải ghi nhớ kiến thức ngay trên lớp. Ngoài giờ đi học, Phú còn đi bán vé số, chạy bàn, làm bảo vệ ở các quán ăn, nhà hàng ban đêm, nên thời gian lý tưởng nhất để học chính là lúc ở trên lớp, trên giảng đường. Học cũng ở trên lớp, ôn lại bài, hệ thống lại kiến thức cũng ở trên lớp, hỏi lại thầy cô những điểm gì mình chưa rõ cũng ở trên lớp. Chính vì thế, Phú phải tập trung cao độ. Anh mượn nhiều sách vở, tài liệu học tập của các anh chị khóa trên để trau dồi. Để có thể vượt qua các kỳ thi, không phải thi lại (vì thi lại thì không có tiền đóng) buộc Phú phải học chăm chỉ, chịu khó tham gia phát biểu, tham gia các hoạt động trên lớp, trên trường đại học để được “điểm cộng”, tham gia nhiều câu lạc bộ…

“Các câu lạc bộ, hoạt động nhóm là những lớp kỹ năng mềm hoàn toàn miễn phí của tôi trong suốt thời gian là HS, sinh viên. Tôi không có tiền để học những kiến thức, kỹ năng ấy ở bên ngoài, nên khi tham gia nhiều hoạt động với các bạn, tôi có được kỹ năng giao tiếp, phản biện, làm việc nhóm… Những điều này đã thật sự giúp tôi “sống sót” ở ngoài đời thực, sau khi tốt nghiệp và ra trường, khẳng định mình trong một biển người mà ai cũng có thành tích học tập rất xuất sắc”, Phú kể lại.

Tốt nghiệp cao đẳng rồi vừa học vừa làm, lấy bằng đại học ở Trường ĐH Tài chính – Marketing, Phạm Hà Phú thấy “không bổ dọc cũng bổ ngang”. Đến hiện tại, để trụ vững trong nghề và không bị bỏ lại phía sau, Phú vẫn tự học ngày đêm với các kiến thức từ thiết kế, tổ chức sự kiện, trang trí hoa tươi… miễn phí trên YouTube, mạng xã hội, các ứng dụng nước ngoài.

“Ai cũng sẽ có một thế mạnh nào đó. Tôi luôn tin rằng nếu mỗi người đều không ngừng tự học, giữ vững ý chí, sự kiên trì và ngọn lửa quyết tâm đi theo thế mạnh của mình, có thể hiện tại chúng ta sẽ đối mặt nhiều khó khăn và chông gai, con đường ta đi đầy gập ghềnh, nhưng một ngày nào đó, trái ngọt thành công sẽ mỉm cười”, ông chủ công ty tiệc cưới bày tỏ. 

Kiên trì là điều khó khăn và quan trọng nhất

Phan Đình Long Nhật và Phạm Hà Phú đều là những cựu HS nghèo có hoàn cảnh khó khăn, được nhận học bổng Nguyễn Thái Bình của Báo Thanh Niên nhiều năm trước. Cả Nhật và Phú đều tin tưởng: Các bạn HS hãy kiên trì. Học tập, tự học là một hành trình dài mà không phải thấy kết quả ngay được. Có khi nửa năm, cả năm hoặc lâu hơn bạn mới thấy kết quả, nhưng đừng vội bỏ cuộc. Hãy tin tưởng vào bản thân, kiên trì vào mục tiêu mình đặt ra, giữ vững niềm đam mê và quyết tâm bên trong mình. Kiên trì, đó luôn là điều khó nhất và là điều quan trọng nhất.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img