Triển lãm phi thương mại Trời, Non, Nước quy tụ các bức tranh phong cảnh sơn dầu nguyên bản do vua Hàm Nghi sáng tác trong những năm bị lưu đày với quy mô lớn nhất từ trước tới nay sẽ diễn ra vào cuối tháng 3.2025.
Giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về lịch sử, văn hóa đất nước
Triển lãm Trời, Non, Nước/Allusive Panorama do tạp chí Art Republik VN phối hợp cùng Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế và Viện Pháp tại VN tổ chức sẽ trưng bày hơn 20 tác phẩm, quy tụ từ 10 bộ sưu tập tư nhân. Các tác phẩm được hồi hương, thẩm định, bảo quản và phục chế bởi các chuyên gia đầu ngành.

Bức Phong cảnh với cây bách vua Hàm Nghi vẽ năm 1906, khổ 27 cm x 40.5 cm
Ảnh: KÂ- MONDO
Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, nhận định: “Việc trưng bày và giới thiệu những tác phẩm của vua Hàm Nghi giúp gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về lịch sử, văn hóa của đất nước, qua đó có ý thức hơn trong việc bảo tồn và phát huy di sản”.
Theo giám tuyển Ace Lê, Tổng biên tập tạp chí Art Republik VN: “Công chúng đã biết tới vua Hàm Nghi như một vị anh hùng dân tộc. Tuy nhiên, chưa nhiều người biết rằng ông cũng là một trong hai họa sĩ Việt đầu tiên (cùng Lê Văn Miến) được đào tạo sáng tác theo phương pháp hàn lâm Tây phương. Tranh Hàm Nghi là sự kết hợp độc đáo giữa tài năng hội họa và tình yêu đất nước, nơi ông gửi gắm nỗi nhớ quê hương và ẩn chứa cả sự phản kháng ngầm trước những áp bức trong thời gian bị lưu đày”.
Anh Ace Lê cho biết thêm so với những triển lãm tranh Đông Dương trước đây, công việc thẩm định tác phẩm của vua Hàm Nghi tương đối dễ dàng hơn. Anh may mắn được đồng hành cùng TS Amandine Dabat, người hiện có thẩm quyền nghiên cứu sâu và rộng nhất về mỹ thuật Hàm Nghi. Với vai trò vừa là nhà nghiên cứu chuyên môn, vừa là một thành viên đại diện cho dòng tộc hậu duệ của đức vua, TS Amandine Dabat đã được các nhà đấu giá quốc tế công nhận tư cách và thẩm quyền để xác tín các tác phẩm mỹ thuật của vua Hàm Nghi.
Sự đồng vọng quê hương
Đây là triển lãm đầu tiên được tổ chức tại VN dành riêng cho vua Hàm Nghi. Việc được chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật gốc của nhà vua tại VN là rất hiếm. Hiện tại, chỉ có Bảo tàng Mỹ thuật VN tại Hà Nội trưng bày một bức tranh gốc của ông cho công chúng thưởng lãm.

Bức Bờ rừng (hồ Geneva) vua Hàm Nghi vẽ khoảng năm 1920, khổ 38 cm x 55 cm
Ảnh: KÂ- MONDO
Từ Pháp, TS Amandine Dabat kể: “Từ khi viết luận án tiến sĩ về vua Hàm Nghi, ông tôi và tôi đã dành nhiều thời gian để đưa cuộc đời, tác phẩm của vua đến với công chúng. Tôi đã tổ chức triển lãm đầu tiên tại Bảo tàng Nghệ thuật châu Á ở Nice, Pháp vào năm 2022, với các tác phẩm vẽ, pastel, tranh và điêu khắc của vua Hàm Nghi, cùng các đồ vật và tài liệu lưu trữ thuộc về ông. Triển lãm này sau đó được tổ chức tại Bảo tàng Nghệ thuật châu Phi và châu Á ở Vichy (Pháp) vào năm 2024. Triển lãm Trời, Non, Nước lại khác, chỉ trưng bày tranh vẽ. Những bức tranh này chưa từng được trưng bày, ngay cả tại Pháp”.
TS Amandine Dabat nói thêm, trong suốt 15 năm qua, các tác phẩm nghệ thuật của vua Hàm Nghi đã được giao dịch thường xuyên trên thị trường nghệ thuật tại Pháp. Hầu hết các tác phẩm đã được bán, thuộc sở hữu của con cháu những người bạn mà vua Hàm Nghi dành tặng tác phẩm của mình. Lân Tinh Foundation đã thu thập các bức tranh này bằng cách liên lạc với những người sở hữu hiện tại, phần lớn là các nhà sưu tập VN. Chính vì vậy triển lãm lần này độc đáo, khác biệt so với các triển lãm trước đây tại Pháp. “Chúng tôi rất biết ơn các nhà sưu tập đồng ý cho mượn tranh để tham gia triển lãm, giúp công chúng Việt có cơ hội khám phá các tác phẩm của vua Hàm Nghi. Trong số các tác phẩm được trưng bày, phần lớn đến từ bộ sưu tập của Henri Aubé, một sĩ quan người Pháp và là bạn của vua Hàm Nghi, người mà ông đã tặng nhiều bức tranh”, bà Dabat chia sẻ.
Họa sĩ Mark Vũ nhận định: “Triển lãm Trời, Non, Nước là sự kiện văn hóa nghệ thuật đặc biệt ý nghĩa, được đông đảo cộng đồng nghệ thuật và công chúng mong chờ. Trước những thông tin này, cá nhân tôi cũng cảm thấy bồi hồi và xúc động. Đối với tôi câu chuyện của nhà vua – họa sĩ Hàm Nghi là một câu chuyện lịch sử thật sự thú vị và đáng khâm phục. Là một vị hoàng đế bị lưu đày trong hơn nửa thế kỷ sống tha hương cho đến khi qua đời, Hàm Nghi trở thành họa sĩ và sử dụng hội họa như một cây cầu kết nối ông với quê hương VN. Các tác phẩm của ông là minh chứng đầu tiên cho việc các nghệ sĩ Việt ở nước ngoài có thể tiếp tục sáng tạo, đổi mới và bảo tồn bản sắc văn hóa thông qua nghệ thuật. Khi xem, tôi cảm thấy các bức tranh không chỉ đơn thuần mô tả phong cảnh mà còn thể hiện sự cô đơn đầy ắp và nỗi khao khát hướng tới một quê hương mà ông không bao giờ có thể trở về. Mặc dù sống ở Algeria và Pháp nhưng những cảnh vật được Hàm Nghi lựa chọn lại gợi nhớ đến VN. Trời, Non, Nước không chỉ là một triển lãm nghệ thuật mà còn là một cột mốc văn hóa nối liền quá khứ với hiện tại, tôn vinh di sản nghệ thuật của vua Hàm Nghi và lịch sử VN”.
TS Amandine Dabat là hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi. Tại Pháp, bà là người tổ chức triển lãm đầu tiên về nhà vua vào tháng 5.2022 với tên gọi Nghệ thuật lưu đày – Hàm Nghi, ông hoàng Annam (1871 – 1944) tại Bảo tàng Nghệ thuật châu Á thuộc TP.Nice. Tại VN, bà cũng góp không ít công sức để hồi hương tác phẩm của cựu hoàng như bức tranh sơn dầu gốc Hồ trên dãy núi Alps (vẽ từ 1900 – 1903) và trao tặng chiếc ống điếu kỷ vật của vua Hàm Nghi cho Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế. Bà tốt nghiệp tiến sĩ lịch sử nghệ thuật tại Đại học Paris-Sorbonne với luận án Hàm Nghi – Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger (Hàm Nghi – Empereur en Exil, Artiste à Alger). Luận án của bà được chuyển thể thành sách cùng tên, do NXB Đại học Sorbonne xuất bản năm 2019, ra mắt bản tiếng Việt năm 2024 do NXB Khoa học Xã hội ấn hành.
Nguồn: thanhnien.vn